Chỉ số hàng hóa MXV-Index cao nhất 6 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index chốt tuần giao dịch 10/4-14/4 tăng hơn 1,5% lên 2.354 điểm, cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Với 4 trên 5 ngày giao dịch tăng giá, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa tuần qua.
0:00 / 0:00
0:00

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa tuần chỉ có 5 trên tổng số 31 mặt hàng suy yếu. Đà tăng mạnh của nhiều mặt hàng chủ chốt đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng hơn 1,5% lên 2.354 điểm, cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục ổn định, trung bình đạt mức 4.100 tỷ đồng mỗi phiên.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index cao nhất 6 tuần ảnh 1

Giá ngô dẫn dắt đà tăng của thị trường nông sản

Kết thúc tuần giao dịch 10/4-14/4, giá ngô đóng cửa với mức tăng lên tới 3,54% nhờ đà khởi sắc mạnh mẽ trong hai phiên đầu và cuối tuần. Mặc dù báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 4 được công bố vào tuần trước, nhưng giá ngô đã không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào từ các số liệu trong báo cáo này. Đà tăng của giá trong tuần vừa rồi chủ yếu là nhờ sự xuất hiện trở lại của các đơn hàng ngô lớn tới Trung Quốc.

Trong báo cáo WASDE tháng này, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo tồn kho ngô cuối niên vụ 22/23 của Mỹ ở mức 1,34 tỷ giạ, trái với kỳ vọng của thị trường rằng số liệu này sẽ giảm về 1,31 tỷ giạ. Đối với triển vọng mùa vụ của Argentina, USDA đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 22/23 của nước này xuống còn 37 triệu tấn, thấp hơn so với mức 37,12 triệu tấn dự đoán trung bình của giới phân tích. Những số liệu trong báo cáo WASDE tháng 4 đã có tác động trái chiều lên diễn biến giá ngô trong tuần vừa rồi.

Bên cạnh đó, hai ngày cuối tuần vừa rồi đã xuất hiện hai báo cáo Bán hàng hằng ngày (Daily Export Sales) liên tiếp. Trong đó, USDA cho biết Mỹ đã bán tổng cộng 709.000 tấn ngô cho Trung Quốc. Việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng cường mua ngô Mỹ đã tạo hỗ trợ mạnh cho giá.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index cao nhất 6 tuần ảnh 2

Đối với lúa mì, tuy tăng vọt tới 9 cents sau khi mở cửa phiên đầu tuần, nhưng giá diễn biến giằng co trong hầu hết các phiên còn lại và đóng cửa với mức tăng chỉ 1,04%.

Những động thái cảnh báo của Nga về thỏa thuận ngũ cốc là yếu tố giúp lý giải cho đà tăng của giá lúa mì trong tuần vừa rồi. Ngược lại, sự nới lỏng của nguồn cung từ Biển Đen đã gây sức ép lớn lên giá.

Liên minh Ngũ cốc Nga cho biết, nước này đã xuất khẩu 1,95 triệu tấn lúa mì trong 10 ngày đầu tháng 4, cao gấp 3 lần so với mức 649.700 tấn cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine dự báo nước này có thể xuất khẩu thêm 1,5 triệu tấn lúa mì trong phần còn lại của niên vụ 22/23. Sự mở rộng của nguồn cung lúa mì từ Biển Đen đã gây sức ép đáng kể lên giá. Theo MXV, trong tuần này, giá lúa mì nhiều khả năng sẽ hướng trở lại vùng 700 cents.

Giá cà-phê tăng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp

Kết thúc tuần giao dịch 10/4 - 16/4, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Vấn đề thiếu hụt nguồn cung trên thị trường là nguyên nhân chính kéo phần đa các mặt hàng tăng mạnh trong tuần này.

Arabica tăng mạnh trong tuần thứ 2 liên tiếp, có thời điểm giá chạm mốc cao nhất kể từ 12/10/2022, nhờ hỗ trợ từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Xuất khẩu cà-phê trong tháng 3 tại Brazil và Colombia đều giảm mạnh gần 20% so cùng kỳ năm 2022 khi nông dân hạn chế bán hàng vì tồn kho ở mức thấp sau 2 năm sản lượng giảm mạnh.

Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE giảm thêm 18.907 bao loại 60kg trong tuần qua, đưa tổng lượng cà-phê lưu trữ về mức 710.687 bao, thấp nhất kể từ 12/12/2022. Điều này là gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, từ đó hỗ trợ giá tăng.

Tuy nhiên, sự lạc quan về triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tại Brazil vẫn luôn song hành, khiến đà tăng của giá trong tuần qua bị hạn chế phần nào.

Robusta tiếp nối đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp, đẩy giá giao dịch lên mức cao nhất kể từ 21/12/2021 khi thị trường bị chi phối bởi thông tin nguồn cung khan hiếm.

Hãng tin Reuters liên tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung Robusta tại châu Á khi nông dân Việt Nam và Indonesia đều đang hạn chế bán hàng.

Bên cạnh đó, sản lượng Robusta tại Brazil được dự báo thấp hơn gần 6% so với niên vụ hiện tại, theo IBGE. Điều này góp phần làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung, từ đó kéo giá đi lên.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index cao nhất 6 tuần ảnh 4

Cùng có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, giá đường thô trong tuần qua chạm mức cao nhất kể từ 26/12/2012 khi thị trường tiếp tục lo ngại về vấn đề nguồn cung.

Ấn Độ ước tính sản lượng đường trong niên vụ hiện tại có thể xuống dưới mức 33 triệu tấn, thấp nhất trong 3 năm. Cùng với những dự báo sản lượng giảm tại các quốc gia sản xuất hàng đầu như Thái Lan, Trung Quốc hay Liên minh Châu u, có những tác động lớn khiến thị trường cảnh giác nguồn cung trở nên khan hiếm. Điều này đã kéo giá tiếp tục tăng trong tuần qua.

Khác với sự khởi sắc của các mặt hàng kể trên, giá bông diễn biến khá giằng co trong tuần qua với mức giảm nhẹ 0,32% so với mức tham chiếu.

Thị trường không đón nhận thông tin cơ bản mới, giá bông chủ yếu diễn biến theo Dollar Index và giá dầu. Dollar Index tiếp tục giảm tuần thứ 5 liên tiếp, giúp giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn phần nào, từ đó thúc đẩy lực mua và hỗ trợ giá. Trong khi giá dầu thô lại khởi sắc, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt hơn, kéo theo giá bông và tạo ra thế trận giằng co về giá.

Ở chiều ngược lại, dầu cọ thô quay đầu giảm 2,42% sau 2 tuần khởi sắc trước đó. Theo các chuyên gia, mặt hàng này đang chịu sức ép từ sự suy yếu của các loại dầu thực vật khác.

Bên cạnh đó, theo hãng khảo sát Societe Generale de Surveillance, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ từ ngày 1-10/4 của Malaysia đã giảm 16,2% so với cùng kỳ tháng 3, cũng góp phần không nhỏ vào sự suy yếu của giá.

Giá cà-phê nội địa có thể sớm vượt mốc 51.000 đồng/kg

Giá thế giới tăng mạnh đã giúp giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh phía nam tăng vượt 50.000 đồng/kg và dự kiến sẽ lên trên 51.000 đồng/kg trong tuần này.

Theo MXV, đầu tuần này, thị trường cà-phê sẽ tiếp tục là điểm nóng, với báo cáo Tồn kho cà-phê hằng tháng tại các cảng biển của Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần theo sát các số liệu tồn kho cà-phê đạt chuẩn trên Sở ICE tại Mỹ và châu Âu, bởi các số liệu này đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Nếu tồn kho tiếp tục giảm, xu hướng tăng của cà-phê sẽ tiếp tục được nối dài, và tạo hỗ trợ lý tưởng để cà-phê Robusta có thể phá vỡ vùng giá 2400 USD/tấn, vùng giá cao nhất từ đầu năm 2022 tới nay. Điều này sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu cà-phê tại Việt Nam trong quý II và quý III năm nay.