Giá dầu nối đà hồi phục
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/6, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá năng lượng. Trong đó, hai mặt hàng dầu thô đã dẫn dắt đà tăng của nhóm. Kết phiên, giá dầu Brent tăng 1,34% lên 86,39 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 1,04% lên 81,74 USD/ thùng. Giá dầu bật tăng trở lại dưới sự hỗ trợ của yếu tố vĩ mô bên cạnh việc các quốc gia OPEC+ cắt giảm xuất khẩu.
Cụ thể, GDP của Mỹ trong quý đầu năm được điều chỉnh tăng lên mức 1,4%, cao hơn so với mức 1,3% trong lần điều chỉnh thứ hai. Điều này phản ánh hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ qua đó thúc đẩy đà tăng trên thị trường. Trong khi đó, theo Kpler, Saudi Arabia đã cắt giảm xuất khẩu khoảng 900.000 thùng/ngày trong tháng 6 xuống mức 5,3 triệu thùng/ngày, trong khi đó Nga cũng đã cắt giảm xuất khẩu khoảng 300.000 thùng/ngày trong tháng này. Tồn kho dầu thô trên biển trong tháng trước giảm 50 triệu thùng.
Thêm vào đó, những căng thẳng leo thang tại biên giới giữa Israel và Lebanon cũng tạo động lực thúc đẩy đà tăng đối với giá.
Ở diễn biến ngược lại, khí tự nhiên là mặt hàng duy nhất giảm trong nhóm với mức giảm hơn 2% xuống 2,69 USD/MMBtu. Sức ép tồn kho tiếp tục đè nặng lên thị trường khí đốt đã kéo giá suy yếu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho khí tự nhiên của nước này trong tuần kết thúc ngày 21/6 tăng 52 tỷ feet khối, tuần tăng thứ 9 liên tiếp. Thêm vào đó, trong ngày 27/6, bất chấp phản đối về vấn đề môi trường, các cơ quan quản lý liên bang Mỹ đã phê duyệt một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Louisiana. Với công suất xuất khẩu 20 triệu tấn LNG mỗi năm, dự án sẽ cung cấp nguồn cung đáng kể cho các khách hàng ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.
Giá lúa mì tăng vọt nhờ kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ
Trên thị trường nông sản, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/06, các mặt hàng quan trọng cũng ghi nhận những biến động mạnh. Giá ngô trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) tiếp tục giảm 0,63% về 170,76 USD/tấn và ghi nhận phiên suy yếu thứ 6 liên tục. Hoạt động xuất khẩu của Mỹ diễn ra ảm đạm và nguồn cung toàn cầu dự kiến dồi dào hơn trong niên vụ 2024-2025 đã gây sức ép lên giá.
Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán 542.177 tấn ngô niên vụ 2023-2024 trong tuần kết thúc ngày 20/6, tăng nhẹ 6% so với một tuần trước đó và nằm gần mức thấp nhất của khoảng dự đoán từ giới phân tích là 400.000-1.100.000 tấn. Điều đó cho thấy nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ vẫn chưa có sự cải thiện và đã gây áp lực lớn lên giá mặt hàng này.
Về phía nguồn cung toàn cầu, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) mới đây đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 lên 1,223 tỷ tấn, tăng nhẹ 3 triệu tấn so với ước tính tháng trước nhờ triển vọng cải thiện ở Brazil. Cụ thể, quốc gia Nam Mỹ này dự kiến sản xuất 124,6 triệu tấn ngô trong niên vụ tới, tăng mạnh so với mức 121,5 triệu tấn ước tính hồi tháng 5. Triển vọng khả quan của nguồn cung toàn cầu trong niên vụ tới đã góp phần tạo sức ép lên giá ngô.
Lúa mì là mặt hàng biến động mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới 3,39% lên 212.93 USD/tấn. Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng chịu tác động đáng kể bởi báo cáo của USDA và IGC, nhưng theo chiều ngược lại.
USDA cho biết Mỹ bán được 667.173 tấn lúa mì niên vụ 2024-2025 trong tuần kết thúc ngày 20/6, tăng 13,1% so với một tuần trước đó và vượt ngoài khoảng dự đoán trước của thị trường là 200.000-600.000 tấn. Trong bối cảnh mùa vụ ở nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Nga bị thiệt hại do thiên tai, nhu cầu quốc tế đối với lúa mì Mỹ đã tăng mạnh, góp phần vào kết quả tích cực trên. IGC cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 xuống còn 793 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với ước tính trước do mùa vụ ở Nga bị thiệt hại bởi hạn hán và sương giá. Nước này có thể thu hoạch 81,8 triệu tấn lúa mì trong năm nay, so với mức 85,5 triệu tấn được IGC đưa ra hồi tháng trước.