Cháy bỏng khát vọng vươn tầm

Khát vọng phát triển, vươn tới tầm cao mới của Khánh Hòa được thôi thúc mạnh mẽ qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).
Toàn cảnh Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).

Đến nay, mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội lần thứ 16, nhiệm kỳ 2010-2015 thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Khánh Hòa ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng tầm là trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa lớn của cả nước, là khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia. Đến giai đoạn 2015-2020, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu xây dựng Khánh Hòa giàu đẹp đã đạt được những kết quả tích cực. So với khu vực và cả nước, Khánh Hòa đang từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế và du lịch lớn.

Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, mục tiêu, khát vọng vươn tầm đã thật sự rõ nét, cụ thể khi Khánh Hòa xác định: Đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; đến năm 2030 phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Có thể thấy, bên cạnh việc phấn đấu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa còn hướng tới một mục tiêu cao hơn cả là nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhằm hiện thực hóa khát vọng ấy, từ nhiều nhiệm kỳ qua, tỉnh huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Nhiều dự án, công trình phục vụ sản xuất, dân sinh được hình thành, từng bước phát huy tác dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao đời sống của người dân; thay đổi một cách đáng kể diện mạo thành phố, các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh.

Trên thực tế, nhiệm kỳ vừa qua chứng kiến rất nhiều khó khăn đối với địa phương. Năm 2020, lần đầu, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng âm, với mức -10,5%, thuộc nhóm các tỉnh tăng trưởng âm sâu nhất cả nước do đại dịch Covid-19. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp tích cực, chủ động, nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn âm, với mức -5,58%.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng đột phá: GRDP tăng 20,7%, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước.

Tiếp tục đà tăng trưởng, năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 10,35%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, xếp thứ 4 cả nước. Kết thúc năm 2024, tất cả 22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, GRDP tăng 10,16% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước đạt 20.073 tỷ đồng, tăng 11,6% và vượt 20,3% kế hoạch... Đây là năm thứ 3 liên tiếp Khánh Hòa đạt tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số, trụ vững ở nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Đà tăng trưởng kinh tế các năm 2022, 2023 và 2024 của Khánh Hòa nổi lên không như một sự lóe sáng bất chợt mà thật sự là dấu hiệu “chuyển làn”, tăng tốc, bứt phá trong phát triển”.

Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội góp phần mở cánh cửa phát triển mới cho Khánh Hòa, là cơ sở chính trị quan trọng, tiền đề để đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên các mặt công tác.

Điều quan trọng nhất là đã xây dựng được tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy đoàn kết, chủ động, dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm. Thêm vào đó, sau một thời gian khắc phục ảnh hưởng của những sai phạm trước đây, tình hình tư tưởng, tư duy, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên dần ổn định, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Hiện nay, Khánh Hòa tập trung phát triển các vùng kinh tế-xã hội theo hướng: Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng năng suất lao động; nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số…