Nông sản Hà Tĩnh tất bật phục vụ thị trường Tết

Nắm bắt quy luật của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong dịp Tết, các cơ sở sản xuất nông sản ở Hà Tĩnh đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá thương hiệu để tăng doanh thu, giá trị kinh tế trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở sản xuất dó trầm Tâm Thiên Hương huy động tối đa nhân lực, nguyên liệu để sản xuất phục vụ thị trường dịp Tết.
Cơ sở sản xuất dó trầm Tâm Thiên Hương huy động tối đa nhân lực, nguyên liệu để sản xuất phục vụ thị trường dịp Tết.

So với các thời điểm khác trong năm, công suất sản xuất các mặt hàng cơ sở sản xuất trầm hương Tâm Thiên Hương của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (thành phố Hà Tĩnh) trong quý IV/2024 tăng gần 50%. Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết, doanh nghiệp đã huy động tối đa nguồn nhân lực, nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ dó trầm.

“Sau khi được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia vinh danh tại các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo năm 2024, các sản phẩm trầm đốt, nhang trầm, nụ trầm, trầm không tăm, bột trầm, vòng trầm… của cơ sở sản xuất Tâm Thiên Hương được người tiêu dùng trong nước biết đến rộng rãi.

Vì vậy, để đón đầu nhu cầu tiêu dùng “mùa Tết”, chúng tôi tập trung nguồn nguyên liệu và sản xuất từ cách đây hơn 6 tháng để trầm có thời gian lên được mùi hương đặc trưng nhất. Thời điểm này, công nhân của xưởng đang gia công những công đoạn cuối cùng và đóng gói sản phẩm để trao đến khách hàng”, chị Trang cho biết.

Ngoài ưu thế nhờ kết nối, sở hữu vùng nguyên liệu tại “thủ phủ” dó trầm huyện Hương Khê, quá trình tham gia xây dựng thương hiệu OCOP đã giúp Tâm Thiên Hương nâng cao vị thế khi xây dựng logo nhận diện thương hiệu, tận dụng các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử… để khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm, từ đó mạnh dạn kết nối thị trường cũng như người tiêu dùng trên toàn quốc, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản Luận Nghiệp là một trong ít cơ sở thu mua, chế biến nông sản ở thị xã Kỳ Anh sở hữu 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Anh Đặng Đình Minh, chủ cơ sở cho biết, năm 2024 thời tiết thuận lợi cho nên số lượng thủy, hải sản do cơ sở thu mua, chế biến cao hơn năm 2023. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cơ sở thu mua 200 tấn cá các loại để chế biến hơn 90.000 lít nước mắm, 60.000 hộp cá mờm và 60 tấn sản phẩm mắm ruốc các loại.

Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm của cơ sở được xuất khẩu chính ngạch sang Nga, Angola và sắp tới sẽ chinh phục thêm thị trường Thái Lan. Dịp cuối năm là thời điểm bận rộn nhất trong năm, song nhờ đoán định được nhu cầu của thị trường cho nên cơ sở đã chủ động sẵn nguồn nguyên liệu, xây dựng kế hoạch phục vụ khách tháng cao điểm.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, Võ Tá Nghĩa, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng, được đầu tư về mẫu mã và công nghệ chế biến sâu. Từ đó, khách hàng tại các thị trường đều rất ưa chuộng, yên tâm về chất lượng sản phẩm cho nên doanh thu dịp Tết tăng mạnh.

Thời gian qua, với việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường thông qua các hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh đã hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Voso, Sendo và cách thức livestream bán hàng trực tuyến, tổ chức triển lãm 3D thực tế ảo...

Nhờ đó, các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của Hà Tĩnh được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.

Số liệu thống kê từ Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 366 sản phẩm của 288 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP ngày càng được nâng lên về năng lực sản xuất, khả năng quản trị kinh doanh, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp thị thị trường...

Nhiều cơ sở đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP toàn tỉnh đạt 210 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Các chủ thể tham gia OCOP đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp. Các đơn hàng liên tục trong những ngày giáp Tết đã minh chứng cho chất lượng, uy tín của sản phẩm OCOP Hà Tĩnh và hiệu quả của chương trình mỗi xã một sản phẩm.