Công ty năng lượng Eni của Italia cho biết, doanh nghiệp này đã nhận được thông báo từ phía tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga rằng Eni sẽ chỉ nhận được một phần khí đốt theo yêu cầu của công ty. Thực tế này khiến Italia đối mặt với việc có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó có thể dẫn tới việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm khí đốt.
Đức cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ngày 19/6, nước này công bố kế hoạch tăng lượng dự trữ khí đốt và cho biết có thể tái khởi động các nhà máy nhiệt điện mà nước này từng định đóng cửa.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, đây là thực tế đau lòng, song nếu không làm vậy, các kho dự trữ khí đốt sẽ không đủ đầy để cung cấp cho người dân qua mùa đông năm nay.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gia tăng thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu - khu vực đang đương đầu với lạm phát tăng cao do giá lương thực và năng lượng leo thang.
Giá khí đốt theo hợp đồng của Benchmark Dutch được giao dịch ở mức 127 euro/1MWH trong ngày 20/6, tức tăng hơn 50% so với đầu năm 2022.
Giám đốc điều hành công ty điện lực lớn nhất của Đức RWE, ông Markus Krebber cho biết giá điện có thể sẽ phải mất 3 đến 5 năm để quay trở lại mức giá thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của các hộ gia đình và triển vọng kinh tế.
Tuy nhiên, ngày 20/6, Đức tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030, dù rằng nước này đã phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch sau cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức Stephan Gabriel Haufe khẳng định, mục tiêu trên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh quyết định dựa vào nguồn nhiên liệu than đá của chính phủ sẽ tạo ra thêm nhiều khí thải CO2.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, đẩy lạm phát lên cao, làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn nhiên liệu năng lượng khi công tác vận chuyển bị gián đoạn.
Tập đoàn năng lượng Gazprom hiện đã dừng vận chuyển khí đốt sang một số nước châu Âu, trong đó có Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan. Sau khi Gazprom giảm nguồn cung vào tuần trước, Chính phủ Đức đã quyết định tận dụng thêm các nhà máy điện chạy bằng than đá.
Đức đã đặt mục tiêu giảm bớt nhập khẩu năng lượng từ Nga. Hiện nước này mới chỉ giảm được lượng khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp từ mức 55% xuống còn 35%. Chính phủ nước này cũng tăng dự trữ khí đốt lên mức 90% trước khi châu Âu bước vào mùa đông để giảm thiểu tác động của việc gián đoạn nguồn cung.