Châu Á là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, đóng góp tới 60% mức tăng trưởng, châu Á rõ ràng là động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Tân Hoa xã dẫn lời ông Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, nhấn mạnh châu Á là khu vực năng động nhất thế giới, với lực lượng lao động khổng lồ, phần lớn là lao động có tay nghề cao, cũng là khu vực hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng năng suất cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Với ba yếu tố này, châu Á đóng góp cho kinh tế thế giới nhiều hơn so với các khu vực khác. Trong báo cáo mới nhất, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2%, song nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á lên 5,3%.

IMF cũng cảnh báo rằng, chịu ảnh hưởng từ xung đột và cạnh tranh địa chính trị gia tăng, kinh tế thế giới có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng chậm và nợ công cao. Đáng lo ngại là, IMF dự báo nợ công trên toàn cầu lên 100.000 tỷ USD trong năm 2024, tương đương 93% sản lượng kinh tế thế giới và có thể lên mức 100% vào năm 2030.

Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị ở Washington, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, thương mại không còn là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng, trong khi nền kinh tế toàn cầu phân mảnh rõ hơn. Tuy nhiên, IMF đánh giá lạm phát ở các nước giàu có thể giảm vào năm 2025, xuống mức 2%. Áp lực giá giảm bớt, không đẩy thế giới rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, tại hội nghị ở Brazil, ngày 24/10, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhất trí thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế đóng góp cho phát triển bền vững và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực thương mại toàn cầu. Các bộ trưởng thảo luận về đẩy nhanh cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), củng cố hệ thống thương mại đa phương, xây dựng quan hệ thương mại công bằng hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.