Chất làng trong " Hai bờ thời gian"

Làng, theo tôi nghĩ chính là nguồn của thơ. Một trong những người chứng minh điều ấy cho tôi, cho những người cùng cảm nhận như tôi là nhà thơ Hải Đường. Anh đã xuất bản ba tập thơ và đến tập thứ tư mang tên Hai bờ thời gian (NXB Hội Nhà văn, H.2013) này thì tiếng làng chân mộc nhưng cũng rất da diết, tinh tế ấy vẫn ắp ứa, vọng vang trong thi phẩm của anh. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy thời gian, thơ anh có sự từng trải nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn và độ chín về nghệ thuật cũng là điều ta dễ hình dung.
 

Chất làng trong " Hai bờ thời gian"

Tôi không hình dung nổi, con người sẽ ra sao khi lãng quên hay vứt bỏ cội nguồn. Thơ cũng vậy. Vẫn còn đấy những hình ảnh xa xưa với độ "nét" gần như nguyên vẹn được rút ra từ ký ức của anh: Tiếng làng thức giấc ban mai / mắt đen thăm thẳm nhớ hoài giếng trong / xa nhau ngày ngóng đêm trông / tiếng làng gom nhặt cánh đồng ca dao (Tiếng làng). Có một cánh đồng dập dìu chiêm mùa được làm nên bởi chân lấm tay bùn của người nông dân và còn có một cánh đồng ca dao bát ngát trữ tình được tiếng làng gom nhặt vun vén mà thành. Cánh đồng khoai lúa nuôi phần xác, cánh đồng ca dao nuôi phần hồn của con người; ai cũng nhận được từ quê hương lấm láp những cái gì đó. Bởi thế mới nhiều day dứt trăn trở, nói chuẩn theo từ dùng của Hải Đường là nát lòng khi cuộc sống gấp gáp và thực dụng hiện tại đang làm rơi rụng, mờ phai đi nhiều nét bản sắc truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa: Bây giờ nắng nắng mưa mưa / tiếng gà gáy giữa ban trưa nát lòng / tiếng làng ai gọi ai mong / bước chân in dấu thắm trong cõi người (Tiếng làng).

 Thơ là phiên bản của tâm hồn, điều ấy chẳng hề sai chút nào. Dù đang sống ở Hà Nội, nghĩa đã thành người "kẻ chợ" nhưng tôi đồ rằng tâm hồn người thơ ấy vẫn vằng vặc thôn quê. Trước sau, anh vẫn là người quê thôi; trái tim ấy đang cùng chung nhịp đập với làng quê yêu dấu của mình. Đây là thao thức của trái tim đồng bãi, tôi tin thế: Anh yêu em, yêu làng Sủi quê mình / có cây si bảy trăm năm chứng giám / có sông xanh và trên đầu mây trắng / kể về cái ngày hai đứa thương nhau (Câu dân ca trong suốt tận nguồn).

Làng, đó là cái rất cụ thể trong kho hồi ức mỗi người. Sự lấm lem, khốn khó của một thời chưa xa lắm trở thành thương nhớ, thương nhớ đến nao lòng bây giờ: Những trẻ lọt lòng trong áo rách / u oa trắng đồng nước lụt / tiếng nấc nghẹn ngọn tre phơ phất / bè chuối, bè sen tím tái lời ru / ru rằng: à ơ đứt ruột mùa lúa chín / bông nổi phần chim / bông chìm phần cá / rơm rạ phần người...(Làng). Nghe mà đứt ruột, xót lòng trước cảnh lũ lụt chiêm khê mùa thối nơi đồng trũng. Bây giờ đã khác xa rồi, xe ô-tô đỗ chật ngã ba đường và lũ trẻ tóc nâu rủ nhau lên mạng / anh giáo làng lên sàn chơi chứng khoán / bác xẩm chợ quê nhận danh hiệu nghệ nhân / mùa bóng đá cả làng chung bữa tiệc / tim bồi hồi tận phía trời Âu(Làng). Nhưng, cái ước ao thuần khiết của người từng trải, khi họ đã có dịp đi đến nhiều vùng đất trên thế giới này không phải là cái gì xa lạ, cao sang, lộng lẫy mà thật vô cùng bình dị: Tàu cau rơi về vườn mẹ / uống ngụm nước mưa trong chiếc chum sành / những đứa con khát quê, khát mẹ / giờ tắm mình trong hạnh phúc đơn sơ (Làng). Đối chiếu với thực tế cuộc sống hiện tại, xu hướng của xã hội nói như anh là hơi thái quá nhưng đó chính là cách ứng xử đúng để ta còn biết giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Nếu như không bắt bẻ khắt khe, ta cứ gọi đó là "tuyên ngôn" bằng thơ của Hải Đường về nhân sinh quan trong thời đại hiện nay. Chao ơi, cái tình làng sâu đậm của anh, có khi đứng trước những trang sách cũ kỹ anh cũng không khỏi bâng khuâng nhớ quá khứ, nhớ mẹ: Tôi tìm nơi ố vàng trang giấy / mảnh trăng hao gầy và những hố bom / bỗng bắt gặp dáng lưng ong mẹ cấy / ngấn bùn non in dấu chân trời (Trên giá sách).

Làng của anh, cũng như tất thảy những làng quê khác trên đất nước này đã trải qua nhiều khúc đận gian nan, chiến tranh cày đi xới lại biết bao nhiêu lần. Anh từng là một người lính, nên rất thấm thía với những nỗi đau mất mát hy sinh của đồng đội, của hậu phương. Mỗi làng Việt gánh gồng trên vai những đau thương tang tóc kể mãi chưa hết; chẳng có chiến công nào dù nhỏ bé đến mấy được đổi bằng nước lã cả.Chiến công, thắng lợi càng lớn, càng vĩ đại, máu xương đồng đội nhân dân đổ ra càng nhiều. Điều ấy, không phải bây giờ người ta mới nói.Sau khúc khải hoàn, người ta mới có dịp nhìn lại gương mặt cùng cực khổ đau của chiến thắng. Và nay, khi ngó về làng, thêm lần nữa thấm thía nỗi đau vô cùng tận ấy: Ngày xưa cả tiểu đội hy sinh / còn sống hai thằng bây giờ lên lão cả / bạn làm lớn rạng danh làng xã / tôi ngu ngơ công chức phố nghèo / Lắm đêm mơ choàng dậy chuông reo / lại nhấn số, lại ngoài vùng phủ sóng / bạn nhớ không, mai là ngày vào lính / đang cuộc họp nào tóc bạc nhiều không?/ Thôi đành lòng bạn còn lắm việc chung / mai mình tôi về thăm đơn vị cũ / rót chén rượu cho người dưới mộ / nỗi nhớ ngày thường phủ sóng cho nhau(Ngoài vùng phủ sóng). Kín đáo ẩn giấu trong câu chuyện đó một sự trách cứ nhẹ nhàng, đúng ra là nhắc nhở ai đó đừng bao giờ lãng quên sự hy sinh của đồng đội và của dân tộc suốt trong nhiều thập kỷ chiến tranh tàn khốc. Nỗi ám ảnh ấy vẫn không buông tha anh ngay cả khi nhà thơ ở trên căn hộ tầng mười chín ở mãi tận Băng-cốc (Thái-lan):Trong căn hộ tầng mười chín / cánh chim trời bay lạc / mây gió lang thang / những đám mây nát nhàu bốn mươi năm trước / bạn hy sinh tuổi mười chín, đôi mươi / vuông đất sơ sài, vội đi không kịp khóc / súng đã nổ sau lưng... và Giấc mơ đêm nay / cánh rừng màu cỏ úa / đồng đội ra đi / không chọn / chỗ nằm...(Căn hộ tầng mười chín).

Làng trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Hải Đường. Theo tôi, đây là mảng sáng tác ấn tượng và tạo được nhiều xúc động của thơ anh. Làng, dù là quá vãng nhưng đó là một phần cuộc sống hiện tại, như anh tự nhận một cách thành thật trong thơ: Tôi nhà quê ra tỉnh / nửa đời rồi chưa quen / chiều Ba mươi ngớ ngẩn / tiếng gọi đò mênh mang / Lang thang con phố nhỏ / gặp toàn người ế hàng / ngẫm mình còn may chán / hồn vẫn neo ở làng(Lang thang chiều Ba mươi). Có thể, nhờ hồn neo ở làng nên đi đâu, về đâu anh vẫn không đánh mất tình quê, tình đất nước. Khi anh viết bài thơ Hoa hậu Brây-men, một người đẹp nước Đức gốc Việt, tác giả đã khai thác yếu tố tình yêu xứ sở của bóng hồng này bằng những chi tiết rất thuyết phục: Hoa hậu Brây-men / chỉ mong tới ngày chủ nhật / nấu ăn cho cả nhà / tóc buông dài và nói... tiếng Ta. Tiếng Ta (viết hoa) chính là tiếng Việt, tiếng làng, ngôn ngữ mẹ đẻ của những người như cô gái ấy và của chúng ta.

Trong tập thơ này, Hải Đường có một số bài viết về những vùng đất mình có dịp đến ở nước ngoài như Đêm Thượng Hải, Di Hòa Viên, Mơ gặp sông Hồng, Gặp ở Hàng Châu, Căn hộ tầng mười chín, Ngôi sao Ép-phen, Những con đường Châu Âu... Không có bài đuối, nhưng tôi vẫn thích hơn những bài thơ viết về làng. Ai đó đã nói rằng: viết những cái, những điều thân thuộc với mình thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.Điều đó, có lẽ đúng với khá nhiều người viết. Thật nao nao và day dứt khi đọc những câu thơ viết về làng thế này của anh: Chợ mới trên ao cũ / cá quẫy trong chiêm bao / chẳng bánh đa bánh đúc / còn đâu phiên chợ làng / Rằm đến lại tròn trăng / sân đình thưa tiếng trống / chú hề chèo khan giọng: /-bà con ơi, làng đâu?(Nhớ làng) hay: Sung thì chát, gừng thì cay / khói thơm bếp lửa đong đầy thương yêu / hao dầu hụt bấc đèn khêu / đầy vơi tay mẹ trăng treo hiên nhà (Hỏi đêm) hoặc: thôi nào cái thuở rong chơi / xòe tay đã lạnh / trăng rơi giếng đình(Ru) và Cái ngày xưa dịu ngọt của ta ơi / cỏ thì ướt mà trăng thì sáng thế / dìu nhau lên sương giăng mờ tán lá / cây như trăng không giấu được mình (Những mảnh vỡ).Tình yêu lứa đôi là đấy mà tình yêu quê kiểng cũng là đấy, nó hòa trộn quấn quýt vào nhau, đẹp và trong như cuộc sống đời thường nơi chốn thôn ổ đồng bãi.

Tôi nghĩ sẽ là sơ suất khi không nhấn nhá một chút về phần thơ thế sự trong tập Hai bờ thời gian. Anh bớt trực cảm hơn nên chất nghĩ trong thơ được tăng cường ở mức độ đáng khích lệ. Bài thơ Lời dặn cuối là một thí dụ: Phút lâm chung / những người thân yêu, bạn bè đứng chật / người vợ tảo tần lắng lời anh dặn:/-Anh đi / nhớ không đọc điếu văn / vì ở đó toàn lời nói dối / nhớ không trang điểm / vì suốt cả đời son phấn / cả đời thấp thỏm sau cánh gà / anh muốn mang khuôn mặt thật về với đất đai.../ Tiếng khóc nghẹn / anh thanh thản về với mẹ / người cả đời đóng vai hề / cả đời bán buồn, mua vui cho người / lặng lẽ rời ánh đèn sân khấu!Và những câu: nhiều khi câu nói vo tròn trong miệng / tưởng mình đã thấu nỗi lòng người câm (Nhiều khi); Trong túi áo khâu kín những tin đồn / vậy mà chúng vẫn bay với tốc độ của cái lưỡi / Hoang phí thay lời hứa tặng nhau trái đất / vậy mà suốt đời họ chưa cho ai một mẩu bánh mì.../ Cỏ ước như trời xanh / trời ước như kẽ lá... (Thơ hai câu I);Người xẩm mù ca bằng trí nhớ / cây nhị gầy hát bằng nỗi đau (Thơ hai câu II)...

Tôi thường nghĩ: cái bắt đầu và cái đọng lại sau cùng của thơ là Tình. Tình người, tình đời chân thực và sâu sắc trong cuộc sống đời thường. Viết theo kiểu gì, truyền thống hay hiện đại cũng phải nhằm tới cái đích đó mà thôi.Với Hai bờ thời gian, tôi cho rằng Hải Đường đã chạm tới cái đó.

Tình yêu làng và tấm lòng thương yêu con người của anh.

Có thể bạn quan tâm