Chắp cánh cho trí thức trẻ vươn tới khát vọng

Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, khoa học, công nghệ luôn được Ðảng, Nhà nước quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện để phát triển và có cơ hội để cống hiến trong mọi mặt của đời sống xã hội. Truyền thống đó được hun đúc, trở thành sức mạnh đoàn kết và giá trị của mỗi thế hệ con người Việt Nam.

Các nhà khoa học trẻ người Việt toàn cầu tham gia hành trình Tôi yêu Việt Nam trước Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 2 (2019).  Ảnh: Lâm Đăng Hải
Các nhà khoa học trẻ người Việt toàn cầu tham gia hành trình Tôi yêu Việt Nam trước Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 2 (2019).  Ảnh: Lâm Đăng Hải

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc mời các chuyên gia, các nhà khoa học người Việt Nam và cả nước ngoài về Việt Nam cộng tác, làm việc. Người khẳng định: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc". Tư tưởng của Bác ngày càng có giá trị quan trọng trong bối cảnh hôm nay, là kim chỉ nam cho công tác đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức trẻ.

Mục tiêu tổng quát của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định "Phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại" và "Chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước". Ðể thực hiện hai mục tiêu quan trọng này, việc giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật trình độ cao, huy động trí tuệ và sức sáng tạo trong lao động sản xuất của toàn dân, cũng như công tác tập hợp trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới giữ vị trí then chốt, xuyên suốt trong trục phát triển của nước ta những năm tới.

Tuy nhiên, một trong những rào cản căn bản để thu hút và tập hợp đội ngũ trí thức trẻ là nhu cầu sử dụng bằng chứng và phát kiến khoa học và môi trường thúc đẩy chuyển đổi thành các giá trị thương mại còn chưa có nhiều đột phá. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong nhân dân.

Trong số những giải pháp quan trọng giải quyết vấn đề này, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, như xác định trong các dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng, là những giải pháp hết sức cần thiết và cần được đầu tư nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, thử nghiệm mô hình, để tổng kết thành lý luận.

Lực lượng trí thức trẻ là đối tượng gắn kết chặt chẽ nhất với các môi trường giáo dục đại học. Do đó, trong quy hoạch về cấu trúc của hệ thống khoa học - công nghệ, cần thiết có sự xác lập rõ hơn vai trò của các trường đại học nghiên cứu, các viện hàn lâm, đặc biệt là các mô hình mới như các tổ chức khoa học tư nhân, doanh nghiệp xã hội, hay các cơ chế mở cho phép các hạt nhân chính của quá trình đổi mới sáng tạo này có thể vươn mình và phát huy tác dụng.

Quá trình tư duy và hành động của các nhà phát kiến thường vượt ra ngoài các quy luật truyền thống, tạo ra các giá trị lan tỏa, đột phá và thay đổi ở phạm vi lớn. Do đó, thu hút, tập hợp và phát huy năng lực của nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao không thể chỉ bằng các quy luật khuôn mẫu, mà cần có những môi trường thúc đẩy đáp ứng đúng với nhu cầu tại từng thời điểm. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta trong quy hoạch phát triển cần hình thành các môi trường ươm tạo, cơ chế "đặc cách", tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, để tạo động lực cho sự phát triển đột biến; gieo mầm và bồi dưỡng năng lực sáng tạo trong mọi thành phần xã hội, để sáng tạo trở thành công cụ cho mỗi cá nhân sống và làm việc, từ đó, phát huy các nguyên lý về sáng tạo trong mọi mặt của đời sống.

Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Ðổi mới giáo dục là đòi hỏi cấp thiết trong thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, nhất là trong bối cảnh của nước ta hiện nay. Giải pháp chiến lược cần thiết là "thúc đẩy xã hội không ngừng chia sẻ và ứng dụng tri thức" nhằm cụ thể hóa chủ trương "học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập".

Như vậy, bằng các giải pháp dựa trên nhu cầu thực tiễn phát triển của từng phân lớp xã hội, công tác bồi dưỡng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển đất nước, hướng đến một Việt Nam hiện đại và thịnh vượng.

 PGS, TS Trần Xuân Bách

(Trường đại học Y Hà Nội)