Y tế cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế, tăng tuổi thọ của người dân.
Đã đến lúc thay đổi
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam không ngừng được củng cố qua các thời kỳ, trở thành xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới này đã bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và có cơ chế vận hành hiệu quả. Những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế Việt Nam đều gắn chặt với những nỗ lực của y tế cơ sở, góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Y tế cơ sở đã góp phần làm tốt công tác tiêm chủng mở rộng cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu về y tế; tham gia dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; kiểm soát được các bệnh: lao, sốt rét, sởi, HIV/AIDS; tỷ lệ mắc và chết các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm liên tục qua các năm.
Đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19, y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, y tế cơ sở tham gia giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà; lập các trạm y tế lưu động cho xã, phường, thị trấn. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm trạm y tế lưu động được thành lập, tham gia quản lý, điều trị cho hơn 152 nghìn người bệnh Covid-19 tại nhà... Đây là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong.
Y tế cơ sở cũng đang triển khai phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, môi trường y tế. Đến nay có 85,7% số trạm y tế tuyến xã triển khai quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, quản lý bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần...
Các thống kê cũng cho thấy, người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám, chữa bệnh tại mạng lưới y tế cơ sở. Việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã có sự gia tăng đáng kể. Tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở tăng từ 86 triệu lượt (năm 2012) lên tới 113 triệu lượt (năm 2022); duy trì mức trên 70% tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả hệ thống y tế. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong tổng số khám, chữa bệnh tại tuyến huyện là 14,6% và ở tuyến xã là 30,5%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế cơ sở thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn. Thực tế hiện nay cho thấy mô hình tổ chức chưa ổn định; năng lực cung ứng dịch vụ y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp của dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng dịch vụ còn thấp. Hiện nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa bảo đảm. Mặt khác, công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe người dân, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh còn hạn chế; người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ cho nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên...
Y tế cơ sở chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện sớm các bệnh mạn tính. Số nhân lực y tế còn thấp hơn so với biên chế được giao, thiếu so với nhu cầu và chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút được cán bộ y tế có trình độ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở. Trong khi đó, việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế, nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ.
Ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; chưa có cơ chế, nguồn lực để thực hiện khám sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện chính sách y tế tại địa phương chưa tốt.
Bác sĩ Trạm y tế xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) khám bệnh cho người dân. (Ảnh TUỆ NGHI) |
Xung lực mới cho y tế cơ sở
Để tạo bước đột phá, phát huy được vai trò người gác cổng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, mới đây Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp mới cần thực hiện, đó là kiện toàn mô hình tổ chức, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với y tế cơ sở; tăng đầu tư gắn với đổi mới cơ chế tài chính; tăng trách nhiệm phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời khuyến khích sự linh hoạt của mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng tối ưu nhu cầu thực tế, chẳng hạn các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp…
Chỉ thị 25 nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần cho đối tượng có nguy cơ, hướng tới kiểm tra định kỳ cho toàn dân. Xây dựng mô hình khám bệnh, chữa bệnh theo cụm liên xã, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện chăm sóc người bệnh tại nhà…
Theo PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Chỉ thị 25 đã xác định công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở được coi là ưu tiên dài hạn cũng vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay; đồng thời chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) thì giờ đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân. Không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng. Nhờ vậy sẽ tạo ra tầm nhìn chiến lược cũng như tạo ra xung lực mới để củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó giúp mạng lưới y tế cơ sở tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng, trong đó có chức năng rất quan trọng là người gác cổng của hệ thống y tế.
Trạm y tế cũng được sắp xếp lại theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính để tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế. Y tế cơ sở cũng sẽ hướng đến không chỉ cung cấp đầy đủ dịch vụ khi người dân cần mà hướng tới lấy người bệnh làm trung tâm. Thực hiện chăm sóc sức khỏe chủ động ngay từ khi còn khỏe; chú trọng phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; thực hiện cung ứng dịch vụ y tế theo nguyên lý y học gia đình…
Tại hội thảo định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, PGS,TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện có Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật nhưng luật này không thể áp dụng cho khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở. Do vậy, cần sớm luật hóa về phát triển y tế cơ sở. Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nên có cơ chế bắt buộc các bác sĩ tốt nghiệp thực hành về cơ sở trong một thời gian nào đó, như vậy y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người. Ngoài ra cũng cần có chính sách để các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây dựng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Việc thực hiện thành công các chính sách về y tế cơ sở sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính các địa phương. Sự vào cuộc một cách tích cực và chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò quyết định, đặc biệt trong những nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; lồng ghép chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; công tác phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư…