Chân thành từ trái tim, tạo dựng tương lai tươi sáng

ASEAN và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác từ năm 1973. Đến năm 1977, cố Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Takeo đã đề ra “Học thuyết Fukuda” lịch sử, định hình những nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao Nhật Bản đối với ASEAN dựa trên tinh thần xây dựng mối quan hệ tin cậy “từ trái tim đến trái tim”, tạo nền tảng, điểm tựa cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả như ngày nay, trở thành hình mẫu hợp tác trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Trong bối cảnh đó, chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy thành quả nửa thế kỷ hợp tác, củng cố, tăng cường gắn kết ASEAN-Nhật Bản nói chung, Việt Nam-Nhật Bản nói riêng.

Gắn kết từ trái tim đến trái tim

Với những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người hai bên, tư tưởng này hoàn toàn phù hợp Việt Nam cũng như các nước ASEAN, thể hiện tinh thần hợp tác chân thành, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau theo đúng nghĩa: Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm được đến trái tim. Cả ASEAN và Nhật Bản đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, giao lưu, bổ sung thế mạnh cho nhau, cùng phát triển thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, điều này đã đưa quan hệ ASEAN-Nhật Bản lên một tầm cao mới, là hình mẫu hợp tác thành công nhất của ASEAN với một đối tác bên ngoài. Còn cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Yasuo (con trai của cố Thủ tướng Fukuda Takeo) bày tỏ, Nhật Bản ngày càng nhận thức rõ rằng, các nước châu Á có vai trò hết sức quan trọng vì cùng hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau phát triển.

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản được tổ chức tại khách sạn Okura-khách sạn sang trọng bậc nhất Tokyo, nơi dừng chân của các nguyên thủ, chính khách, nhân vật nổi tiếng trên thế giới mỗi khi đến thủ đô Xứ sở Hoa anh đào.

Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio đã tươi cười đón tiếp, bắt tay chéo đặc trưng kiểu ASEAN cùng với các nhà lãnh đạo trước giờ khai mạc hội nghị. Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí sẽ đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng với tầm vóc của Đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Chân thành từ trái tim, tạo dựng tương lai tươi sáng ảnh 1

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và ASEAN chụp ảnh chung trước giờ khai mạc Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu sâu sắc, toàn diện tại hội nghị khi đề nghị lãnh đạo Nhật Bản và các nước ASEAN, theo đó, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều “cơn gió ngược” với nhiều thách thức chưa có tiền lệ, hai bên cần tăng cường hợp tác, phấn đấu đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản trở thành một biểu tượng của đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Điểm nhấn ở đây chính là, Thủ tướng đề nghị cần cụ thể hóa quan hệ “từ trái tim đến trái tim” trở thành quan hệ “từ hành động đến hành động”, và “từ cảm xúc đến hiệu quả” với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thực hiện bốn kết nối: Thương mại, đầu tư; cơ sở hạ tầng; giao lưu nhân dân và văn hóa; triển khai thực hiện mục tiêu chung phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ với chủ đề “Chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng tới một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”.

Thủ tướng đề xuất, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu của AZEC, các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác thời gian tới cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp điều kiện mỗi nước…

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và các nhà lãnh đạo vỗ tay nhiệt liệt, đánh giá rất cao vì nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm, thực chất, sâu sắc, đi thẳng vào chủ đề nóng hiện nay.

Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần tạo nên thành công lớn của hai hội nghị quan trọng nêu trên, đạt những kết quả cụ thể, qua đó thể hiện Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, trách nhiệm, chủ động trong ASEAN cũng như trên thế giới.

Tin cậy, hiểu biết lẫn nhau

Trong các nước ASEAN, Nhật Bản đặc biệt coi trọng quan hệ gắn bó, mật thiết, tin cậy với Việt Nam. Bất kỳ đảng phái chính trị nào, thời kỳ nào cũng đều coi Việt Nam là ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Thủ tướng Chính phủ đã tiếp xúc với tất cả các giới của Nhật Bản với sự tin cậy, chân thành, tình cảm sâu đậm; người dân Việt Nam và Nhật Bản đều quý mến nhau và cảm thấy rất gần gũi, thân thiết.

Các nhà lãnh đạo, nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội Nhật Bản đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hết sức trọng thị, chân tình, nồng ấm, vượt lên trên nghi thức ngoại giao thông thường.

Chân thành từ trái tim, tạo dựng tương lai tươi sáng ảnh 2

Quang cảnh buổi hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Tại hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp khoản vay ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp phụ trợ, cụm công nghiệp mới, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, y tế... tại Việt Nam; hỗ trợ, tạo điều kiện đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản; đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về cuộc tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cựu Thủ tướng Fukuda Yasuo bởi hai bên luôn dành cho nhau những lời chân thành, tình cảm.

Ông Fukuda Yasuo năm nay đã 87 tuổi nhưng rất minh mẫn, ánh mắt vẫn ngời sáng đầy nhiệt huyết khi có nhiều ý kiến sâu sắc về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Ông bày tỏ ngắn gọn với Thủ tướng rằng, tinh thần “từ trái tim đến trái tim” có nghĩa là hai bên cùng nhau giúp đỡ chân thành để phát triển.

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại ấn tượng khi hai ngày trước đó, đã được đến thăm tỉnh Gunma, vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của bốn Thủ tướng Nhật Bản, chính là quê nhà của ông Fukuda Yasuo, nơi có 12 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm ăn.

Thủ tướng cho rằng, đây là một điều hết sức đặc biệt, độc đáo trong quan hệ hai nước khi mà cả ở cấp độ quốc gia, tỉnh và gia đình thì gia đình Thủ tướng Fukuda đều dành tình cảm, đóng góp hết mình cho thúc đẩy quan hệ hai nước. Bản thân các con của cựu Thủ tướng hiện nay là chính trị gia và nhà kinh doanh đều có quan hệ gắn bó với Việt Nam.

Tại tỉnh Gunma, Thủ tướng hoàn toàn bất ngờ vì chính quyền và nhân dân tỉnh đã đón tiếp trọng thị, thân tình “trên mức tưởng tượng”. Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichita còn biểu diễn đàn và hát tặng Thủ tướng trong buổi chiêu đãi đoàn.

Trong buổi tiếp thống đốc các tỉnh tại Tokyo, Thống đốc tỉnh Kanagawa Kuroiwa Yuji đã tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính bức tranh nổi tiếng “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” - một kiệt tác trong lịch sử hội họa Nhật Bản, với tiền cảnh là những con thuyền nhỏ nhoi kiên cường vượt qua sóng lớn, hậu cảnh là núi Phú Sĩ huyền thoại - biểu tượng cho tinh thần can đảm, kiên cường, đoàn kết của người Nhật Bản.

Cảm động về món quà đầy ý nghĩa này, Thủ tướng nói: “Chúng ta luôn mạnh mẽ như núi Phú Sĩ”. Đáp lời, Thống đốc Kanagawa bày tỏ rằng “Không con sóng nào có thể quật ngã chúng ta”.

Hợp tác về lao động cũng là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện có tới 500 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn tại Nhật Bản. Chính bởi vậy, lần đầu tiên, hai bên đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản quy mô lớn và hết sức thành công, tạo tiếng vang lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các buổi gặp gỡ quan chức, lãnh đạo các tập đoàn Nhật Bản đều khẳng định, Việt Nam có thể bổ sung thế mạnh về lao động cho Nhật Bản khi Nhật Bản đang phải đối mặt tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt lao động.

Thủ tướng đã đề nghị Thủ tướng Kishida Fumio và chính giới Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi nhất để tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam.

Trong cuộc tọa đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch bán dẫn, các tập đoàn lớn của Nhật Bản đặc biệt quan tâm, tìm hiểu chủ trương, chính sách của Chính phủ cũng như ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.

Sau khi giải đáp băn khoăn của những nhà đầu tư tiềm năng, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản hãy đến Việt Nam đầu tư; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các xưởng thiết kế, sản xuất, đóng gói và xuất khẩu chíp bán dẫn.

Việt Nam xác định phát triển công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ hơn, có vai trò nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, toàn cầu. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Còn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần Nhật Bản hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung vào những ngành nghề mới nổi, giúp đỡ Việt Nam về tài chính ưu đãi, công nghệ hiện đại, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường chuyển giao công nghệ với tinh thần hữu nghị, góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa mới thiết lập.

Khẳng định Việt Nam là nơi an toàn để tránh các cơn bão rủi ro toàn cầu, Thủ tướng kêu gọi “Các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục vào đầu tư và thu được kết quả ngày càng cao hơn ở Việt Nam. Đây cũng là trách nhiệm của Việt Nam. Các bạn đến, chúng tôi cảm ơn, nhưng sẽ vui hơn khi các bạn thành công; thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam”.