Trong hơn 20 năm qua, Cơ quan An ninh mạng châu Âu (ENISA) đã chứng minh năng lực vượt trội trong việc hỗ trợ các quốc gia EU đối phó các mối đe dọa an ninh mạng. Tuy nhiên, khi những thách thức ngày một gia tăng, việc nâng cao vị thế của ENISA là một yêu cầu tất yếu.
Tại một cuộc họp của Hội đồng viễn thông EU, các quốc gia thành viên nhất trí trao thêm nhiều vai trò quan trọng cho ENISA. Theo đó, cơ quan này sẽ không chỉ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật mà còn được giao thêm các trọng trách như phát triển hệ thống chứng nhận an ninh mạng, xây dựng nền tảng báo cáo duy nhất để xử lý sự cố, và mở rộng hợp tác quốc tế để đối phó các mối đe dọa toàn cầu.
Quyết định tăng cường vai trò của ENISA được giới chuyên gia nhận định đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược an ninh mạng của EU. Với sự đổi mới này, ENISA sẽ không chỉ là một cơ quan kỹ thuật mà còn là trụ cột chính trong nỗ lực bảo vệ không gian mạng của EU, hướng tới kỷ nguyên số thịnh vượng, an toàn và bền vững.
Lâu nay, Lục địa Già luôn là một trong những khu vực tiên phong về thiết lập các quy định quản lý lĩnh vực công nghệ. Các quy định của châu Âu thường là khuôn mẫu cho nhiều khu vực khác.
Tăng cường nhiệm vụ của ENISA là bước tiếp nối hàng loạt nỗ lực xây dựng không gian mạng an toàn của EU. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) công bố sáng kiến thành lập mạng lưới Industry-Academia Network, một cầu nối giữa giới học thuật và giới doanh nghiệp để các bên chung tay xây dựng lực lượng lao động có đủ năng lực bảo vệ không gian mạng.
Mạng lưới trên sẽ thực hiện những hoạt động như nghiên cứu nhu cầu của thị trường, phát triển các chương trình đào tạo linh hoạt, tạo ra một diễn đàn để các bên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức.
Nhấn mạnh rằng an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của EU, Phó Chủ tịch EC phụ trách về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ Henna Virkkunen cho biết, việc thành lập mạng lưới sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng lực lượng lao động an ninh mạng hùng mạnh.
Cùng với đó, châu Âu chú trọng triển khai các chiến dịch truy quét tội phạm mạng quy mô lớn. Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) mới đây đã điều phối thành công một chiến dịch có sự tham gia của 16 quốc gia, nhằm vô hiệu hóa các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ tấn công mạng. Chiến dịch này đã vô hiệu hóa thành công 27 nền tảng, trong đó có bốn nền tảng đặt máy chủ tại Ðức.
Ðại dịch Covid-19 đã mở đường cho nền kinh tế kỹ thuật số bùng nổ trên toàn cầu, khi người dân, các tổ chức phải thích nghi với cách thức làm việc trực tuyến trên môi trường mạng, song kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng về quy mô, số lượng, tính chất phức tạp của các hình thức phạm tội.
Kết quả một cuộc khảo sát công bố tháng 8/2024 cho thấy, tội phạm mạng và các hành vi phá hoại đã khiến giới doanh nghiệp tại Ðức thiệt hại khoảng 267 tỷ euro trong vòng 12 tháng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đại diện từ hơn 50 quốc gia từng đưa ra lời cảnh báo chung về sự gia tăng các cuộc tấn công mã độc tống tiền nhằm vào các bệnh viện trên toàn cầu.
Các hành vi phạm tội trên không gian mạng gây tổn hại về kinh tế và đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình, an ninh quốc tế. Trong bối cảnh sự cố mạng xảy ra thường xuyên và gây thiệt hại lớn, các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm đấu tranh phòng, chống các hành vi phạm tội trên không gian mạng, cùng nhau xây dựng tấm lá chắn hữu hiệu bảo vệ người sử dụng, nhất là trẻ em.