Mới đây, một người phụ nữ ở phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài kết bạn với tài khoản Facebook tên "Yadni Bentos" và hằng ngày, cả hai thường xuyên nhắn tin qua lại. Sau khi thao túng được tâm lý, kẻ lừa đảo đã bắt đầu khoe sự giàu có của mình, giới thiệu là nhân viên của một chính phủ quốc tế. Sau đó, đối tượng ngỏ ý muốn gửi 600 nghìn USD về Việt Nam để người phụ nữ này đầu tư kinh doanh.
Để nhận được "món quà" này, người phụ nữ phải đóng phí và thuế cho nhân viên hàng không. Nhẹ dạ cả tin, người phụ nữ đã nhiều lần chuyển tiền với số tiền gần 1 tỷ đồng đến các tài khoản của người tự xưng là nhân viên hàng không nhưng mãi vẫn không nhận được quà. Khi nhận mình bị lừa thì đã quá muộn.
Đã có hàng trăm vụ lừa đảo diễn ra tương tự, hàng nghìn khuyến cáo từ cơ quan chức năng và đã có nhiều bài học từ người trong cuộc nhưng trước những món lợi quá lớn, nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn dễ dàng bị "sập bẫy".
Như trường hợp chị L ở ấp 6, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài bị một đối tượng lừa đảo tiếp cận qua Facebook và giới thiệu là nhân viên Công ty ACV. Ban đầu, chị L cũng có chút nghi ngờ nhưng nghĩ chỉ nói chuyện cho vui. Hằng ngày, đối tượng thả "mồi nhử" bằng những lời hỏi han tinh tế, thậm chí gọi cả video để chị L tin tưởng. Khi đã dẫn dụ được "con mồi", đối tượng bắt đầu giới thiệu về việc công ty đang mở các gói đấu thầu dự án sân bay Long Thành và mời chị L tham gia đầu tư qua website: wed.techc.top với cam kết lợi nhuận từ 3-13%, tùy gói đầu tư.
Sau đó, đối tượng gửi đường link và nói chị L tải ứng dụng (app) "Sân bay Long Thành" về đăng ký tài khoản và thử đầu tư vào các dự án trên app. Lần đầu, chị L nạp 50 triệu đồng vào tài khoản trên app đầu tư thử với lợi nhuận 0,3%, thì hệ thống báo chị đã đầu tư thành công và chuyển tiền lãi cùng tiền gốc vào tài khoản ngân hàng của chị.
Đầu tư dự án có lời và được chuyển khoản đầy đủ nên chị L tin tưởng tiếp tục nạp thêm tiền đầu tư và cũng được trả lãi rất nhanh. Thấy đầu tư dễ, sinh lợi nhanh, chị L bắt đầu dốc hết tài sản và vay mượn thêm để đầu tư nhiều lần sau đó với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng. Lúc này, chị L muốn rút tiền lãi và gốc thì đối tượng yêu cầu chị thực hiện nhiều bước gây cản trở, sau đó chặn Facebook và chị cũng không thể đăng nhập vào app "Sân bay Long Thành".
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước phát hiện các đối tượng thường xuyên sử dụng bảy phương thức, thủ đoạn để lừa đảo trực tuyến người dân trên địa bàn tỉnh như: Lừa đảo tham gia đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp… sau đó khóa, đánh cháy tài khoản hoặc đánh sập sàn; lừa đảo tình cảm, sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan…), văn phòng luật sư, ngân hàng… gọi điện thoại đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại…
Theo Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm đặt trụ sở ở nước ngoài, móc nối giữa nhiều nhóm tội phạm, đối tượng trong nước và nước ngoài, điều hành qua trung gian nên khó xác định vai trò, vị trí của đối tượng. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán và sử dụng tài khoản ngân hàng vẫn còn nhiều kẽ hở, tạo cơ hội cho tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều loại hình tội phạm mới liên tục xuất hiện, các đối tượng lợi dụng công nghệ như AI, Deepfake, công cụ ẩn danh… để hoạt động phạm tội và che giấu danh tính gây khó khăn trong truy vết, điều tra.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau, trong đó chủ yếu tập trung vào người cao tuổi, người có thu nhập thấp, nhất là phụ nữ, có cả trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hiểu biết cũng trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Theo nhận định của các chuyên gia, những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp. Khi thực hiện lừa đảo, kẻ gian thường sử dụng những tài khoản ngân hàng do người Việt Nam đứng tên, hoặc tài khoản đứng tên công ty ở Việt Nam để tiếp nhận nguồn tiền chiếm đoạt được. Sau đó, các đối tượng nhanh chóng chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác và chuyển ra nước ngoài, khiến việc thu hồi tài sản bị lừa đảo gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước đã xử lý 22 vụ, 48 đối tượng liên quan, trong đó có vụ việc thiệt hại tài sản lên đến vài chục tỷ đồng.