12 giờ đêm 23/6, chị Lê Thùy Linh nhận nhiệm vụ lên đường khẩn cấp. Lần này, chị phải thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ thuyền viên trên tàu sau khi nhận được thông tin một giám định viên đi trên chuyến xe biển số 15B 03684 từ TP Hồ Chí Minh về Hải Phòng có lái xe và phụ xe dương tính với SARS-CoV-2, đang trên tàu hành trình từ Cẩm Phả, Quảng Ninh về Hải Phòng.
Ngay trong đêm, Cảng vụ, Biên phòng và Kiểm dịch phối hợp để đưa tàu vào cầu cảng, thực hiện công tác kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với bảy thuyền viên và hành khách trên tàu, phối hợp với cấp cứu 115 đưa F1 đi cách ly tập trung tại cơ sở 2 Bệnh viện Việt Tiệp. 6 thuyền viên còn lại tiếp tục cách ly tại tàu neo tại khu neo Bạch Đằng để chờ kết quả xét nghiệm.
1 giờ 30 phút ngày 24/6, Linh chuyển mẫu về gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hải Phòng và báo cáo lãnh đạo Trung tâm. Đó không phải là chuyến đi làm đêm đầu tiên của chị Linh và các anh chị em Trung tâm và cũng không phải là trường hợp đi lấy mẫu đầy nguy cơ đầu tiên của Linh.
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hải Phòng chỉ có sáu nhân viên xét nghiệm và đều là nữ. Trước đây, công việc của các chị hầu hết thực hiện đi giám sát vệ sinh nước, thực phẩm trên các tàu neo đậu tại cảng. Nhưng dịch ập đến, các nguy cơ liên tục đe dọa cửa khẩu hàng hải, các chị phải nhận nhiệm vụ mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại phao số 0 để kiểm soát các tàu có nguy cơ, những tàu có thuyền viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở… Nhưng hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, tất cả các tàu đến từ bốn nước Indonesia, Ấn Độ, Banglades, Philippines sẽ dừng ở phao 0 để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với toàn bộ thuyền viên trên tàu khi có kết quả âm tính, tàu mới được cập cảng để làm hàng.
Một năm về trước, bác sĩ Lương Thành Trung cũng đã trải qua một đêm thật dài khi nhận nhiệm vụ lên kiểm tra y tế tại con tàu chở ô-tô đang hành trình từ Singapore tới Hải Phòng. Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải gửi tới, thuyền trưởng tàu tử vong không rõ nguyên nhân.
Tàu cập phao số 0 lúc hơn 3 giờ sáng. Trung nhận nhiệm vụ kiểm tra con tàu, điều tra kỹ dịch tễ thuyền trưởng và thuyền viên khác xem có mối nghi ngờ liên quan đến bệnh Covid-19 hay không. Nếu theo chuyên môn khai thác tiền sử, bệnh nhân có thể tử vong không liên quan dịch bệnh, Trung báo cáo cho lãnh đạo Trung tâm để báo cáo lên Sở và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cho tàu vào cập cảng làm hàng.
“Trung bình kiểm tra y tế một con tàu khoảng 30-60 phút thì riêng con tàu này, tôi mất gần 6 giờ đồng hồ để khám xét kỹ cả về điều kiện ăn uống vệ sinh trên tàu, khai thác tiền sử tiếp xúc của từng thành viên, của thuyền trưởng để rút ra kết luận tử vong không loại trừ nguyên nhân truyền nhiễm. Chúng tôi đã báo cáo về Trung tâm không có yếu tố dịch tễ. Con tàu sau đó được cập hàng trả hàng kịp thời”, bác sĩ Trung kể.
Một năm rưỡi năm qua, các bác sĩ tại khoa Kiểm dịch quốc tế phải làm quen với sóng gió. Chặng đường 30 km trên biển di chuyển chừng 30 phút không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhất là những ngày biển động, sóng to. Không một bác sĩ nào có chuyên môn nên tâm lý nặng nề bao phủ. Ai cũng lo chưa lên đến tàu có khi đã say sóng nằm bẹp.
Tròn 10 năm về công tác tại Trung tâm Kiểm dịch TP Hải Phòng, chưa bao giờ, bác sĩ Lương Thành Trung nghĩ, công việc của mình sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy như thế. Tại phao số 0, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế không có địa điểm nghỉ ngơi, không có tàu đưa đón, làm việc thông ngày đêm. Thế nhưng, điều đó chưa là gì với việc tất cả đều phải học kỹ năng đi biển như “đánh cược” với tính mạng của mình, đó là leo lên tàu bằng thang dây. Họ “học mót” cách leo lên tàu thành thục từ các lực lượng khác như hoa tiêu, thủy thủ.
Bác sĩ Trung kể, để bước lên thang dây, không chỉ cần đôi tay khỏe để đu bám vào dây mà còn phải tính được bước sóng. Khi sóng lên, phải nhanh chóng đứng trên mũi ca nô bám đu được bước đầu tiên lên thang. Bước đầu tiên mà hụt, nguy cơ bị rơi là chắc chắn.
Và sự cố ám ảnh lớn nhất đối với bác sĩ kiểm dịch đã xảy ra với một đồng nghiệp của Trung. Khoảng 5 giờ sáng 19/3, bác sĩ Khoa Năng Quyền đã bị rơi xuống biển. “Rất may ca nô của hoa tiêu chưa kịp cập vào mạn tàu và may hơn nữa bác sĩ Quyền biết bơi để nổi lên mặt nước. Nếu hôm đó sóng to, ca nô cập có sự va đập với tàu thì chắc bác sĩ Quyền không thể giữ được tính mạng. Các anh hoa tiêu bảo, tỷ lệ sống sót của những trường hợp rơi thế này không quá 10%”, Trung kể lại. Sau vụ đó, anh em mất một thời gian bị hoang mang, tâm lý.Ngày 8-2-2020, trên tàu có hành trình đi từ nước ngoài về có một thuyền viên bị sốt - một triệu chứng nổi bật của mắc Covid-19. Bác sĩ Trung cùng chị Hòa – khoa xét nghiệm thực hiện nhiệm vụ sàng lọc khẩn cấp. Đó là ngày mùa đông bắc thổi mạnh, sóng to, tàu neo đậu nên rất khó để tiếp cận. Lần đầu tiên leo thang dây, Trung đã bị trượt chân khỏi thang. Nhưng may mắn, anh đã kịp bám vào dây và được lực lượng hoa tiêu hỗ trợ. “Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình. Tim đập rất nhanh nhưng rồi chỉ dám giữ chuyện này cho riêng mình, không cho vợ con biết”, Trung kể. Và rồi, nỗi lo của anh phần nào được xoa dịu khi thuyền viên bị sốt kia không mắc Covid-19.
Cường độ làm việc 24 giờ liên tục, có những ngày 23 tàu xin thông quan kiểm dịch để vào bờ. Đặc biệt vào mùa đông xuân, con nước ban đêm thuận lợi cho tàu bè qua lại, anh và các đồng nghiệp có nhiều đêm liên tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Trung không thể quên sự cố xảy ra với mình vào đêm 2/6/2020, khi anh và một đồng nghiệp làm việc liên tục 17 giờ không nghỉ ngơi. “Cả ngày gần như không ăn uống bữa cơm nào, chỉ ăn tạm bánh ngọt và uống nước. Đêm, trong những chuyến tàu về cuối ca trực, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm dịch an toàn trên tàu, tôi căn bước sóng ca nô dềnh lên cao nhất để bước xuống. Không may, ca nô bị kẹt vào thành tàu không dềnh theo đúng phán đoán, tôi đã trượt chân và ngã trên boong ca nô, hậu quả là đau chân mất vài hôm. Chuyến đó vừa đói vừa mệt, bị hoa mắt không còn nhìn chuẩn. Đó là một bài học rất lớn cho tôi”, Trung kể.
Chính bài học này, sau đó các anh em đã bọc lót cho nhau, hôm nào có nhiều tàu vào bờ sẽ tăng cường thêm một bác sĩ hỗ trợ để thay phiên nhau được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ.
Đó là những câu chuyện của ngày đầu chốt chặn tại phao số 0. Với sự hỗ trợ của lực lượng hoa tiêu về chỗ ăn, nghỉ, được hướng dẫn cách bảo đảm an toàn khi leo thang dây, di chuyển lên tàu.., vài ba tháng sau, các anh em quen dần với guồng công việc. Đến thời điểm này, mọi người tương đối thuần thục với nhiệm vụ của một chiến sĩ kiểm dịch trong thời chiến của đại dịch Covid-19.
Với lưu lượng khoảng 120-130 tấn hàng thông qua mặt cắt cầu bến/năm, Hải Phòng được xem là cảng biển lớn thứ 2 cả nước, sau cảng Sài Gòn. Việc bảo đảm an toàn cho cửa khẩu hàng hải là một nhiệm vụ tối quan trọng. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm y tế an toàn cho cửa khẩu hàng hải, các chiến sĩ áo trắng tại đây còn phải thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các tàu được cập cảng đúng giờ, kịp thời lưu thông hàng hóa.
Đầu tháng 2-2020, các bác sĩ tại khoa Kiểm dịch quốc tế bắt đầu "đóng đô" tại Vùng kiểm dịch (phao số 0), cách thành phố hơn 30km đường biển. Đó là khi Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hải Phòng chuyển đổi phương thức kiểm dịch theo đề nghị của Cảng vụ Hải Phòng, tạo lá chắn thép từ biển không cho dịch xâm nhập vào bờ.
Trung bình, mỗi ngày có 50 tàu lưu thông qua cảng Hải Phòng, trong đó có khoảng 12 - 15 tàu nhập cảnh với khoảng 250-300 thuyền viên. Như vậy, mỗi tháng có hàng nghìn người xuất nhập cảnh đường biển. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh với các nước đang bùng dịch chung quanh mình là một thách thức rất lớn.
Nhiều chuyến tàu đi qua vùng dịch được báo về có trường hợp bị ho, sốt, Giám đốc Thanh yêu cầu nhân viên lấy mẫu xét nghiệm của thuyền viên,, cách ly với các thuyền viên khác trên tàu và yêu cầu tàu cách ly y tế tại phao số 0 đến khi có kết quả xét nghiệm thuyền viên âm tính mới cho tàu vào cảng. Tuy nhiên cũng có trường hợp, thuyền viên trong quá trình làm việc bị mệt, nhiệt độ tăng cao hơn 37 độ C, bằng nghiệp vụ chuyên môn, các nhân viên y tế phải nhận định được tình hình, chịu trách nhiệm trước quyết định cho tàu vào cảng hay không.
15-16 bác sĩ thay phiên nhau nhận nhiệm vụ chốt chặt Vùng kiểm dịch tại Hòn Dáu (phao số 0) để tạo một bước đệm an toàn cho cửa khẩu. Sau khi kiểm dịch, khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm soát chuyên ngành bảo đảm không có vấn đề bất thường, hoa tiêu mới dẫn tàu vào khu vực cảng biển Hải Phòng neo đậu. Tại đó, các hoạt động thương mại diễn ra bình thường nhưng phải trên tinh thần phòng, chống dịch. Thuyền viên không được phép lên bờ, nếu lên bờ sẽ phải cách ly y tế.
Hơn một năm qua, chia sẻ những khó khăn vất vả của các anh em ở tuyến đầu vừa phải chịu sóng gió, vừa đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất kỳ lúc nào, lãnh đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng vẫn luôn động viên các bác sĩ thực hiện nhiệm vụ, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, tiến hành tiêm hai mũi vaccine phòng ngừa.
Đối mặt với đại dịch Covid-19 vẫn liên tiếp làm thế giới chao đảo, nhiều cảng biển bị tê liệt, hơn lúc nào hết, vai trò của kiểm dịch y tế lại được nâng cao lên một mức quan trọng. Hai mong muốn của Giám đốc Nguyễn Minh Thanh đó là có ca nô phục vụ riêng cho đoàn bác sĩ kiểm dịch, và chế độ đãi ngộ của anh em làm nhiệm vụ ngoài biển được nâng cao hơn một mức. “Hoa tiêu leo lên dẫn tàu vào thu nhập đãi ngộ khác hẳn người làm trong bờ nhưng như các kiểm dịch viên vẫn đồng đều hết, lương thưởng như mọi người không có gì đặc biệt. Chúng tôi chỉ muốn có chế độ đãi ngộ tốt hơn chút để anh em có động lực yên tâm công tác”, bác sĩ Thanh nói.
Hơn một năm qua, có nhiều bác sĩ tìm hiểu về Trung tâm khi nơi đây cần tăng cường nhân lực. Nhưng nhiều người đã không lựa chọn gắn bó với nơi này vì công việc nguy hiểm và vất vả. Còn các anh em tại đây, dù đã trải qua muôn trùng khó khăn, thậm chí có người phải suýt đánh đổi cả tính mạng, nhưng không một ai nản chí. Được sự động viên của lãnh đạo Trung tâm cùng với nhận thức được nhiệm vụ lớn lao của mình làm chốt chặn dịch từ cửa biển, tất cả động viên nhau, cùng với các chiến sĩ biên phòng, cảng vụ… đang thực hiện sứ mệnh cao cả, làm lá chắn thép từ biển, bảo vệ cửa khẩu hàng hải được an toàn trong đại dịch.
Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu
Thuyền viên đi biển: Còn đó nhiều tâm tư
Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19
Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa
Ngày xuất bản: 27-06-2021
Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH
Thực hiện nội dung: HỒNG VÂN - BÍCH NGỌC
Đồ hoạ & kỹ thuật: NGUYỄN ĐĂNG
Ảnh: THẢO LÊ - LAM TRẦN