Chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp ở Đồng Nai

NDO -

Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, với khoảng 1,2 triệu công nhân. Do đó, trước việc dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, xuất hiện ở một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, hai địa phương giáp ranh với Đồng Nai nên những ngày này ngành chức năng và các doanh nghiệp đang tập trung cao độ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, quyết tâm không để dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất.

Tặng khẩu trang cho công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch.
Tặng khẩu trang cho công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch.

Tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam, khu công nghiệp, Amata, xe ô-tô trước khi vào nhà máy được khử khuẩn; công nhân bắt buộc phải đeo khẩu trang, được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay và giãn cách trong quá trình làm việc tại các phân xưởng. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Công Đoàn cho biết, những biện pháp trên được thực hiện trong những ngày này, nhằm không để dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất.

Ngoài ra, Công ty thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, các Tổ an toàn Covid-19 và chuẩn bị thực hiện phương án bố trí người lao động tạm trú trong nhà máy. “Chúng tôi đã lên phương án, chuẩn bị lều, phòng tắm, máy lạnh, máy giặt, chăn mền cho những công nhân ở lại Công ty. Trong đó, lều đã mua xong, còn lại máy lạnh, máy giặt khi phương án được ngành chức năng đồng ý sẽ nhanh chóng trang bị”, ông Nguyễn Công Đoàn cho biết.

Đồng Nai ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp -0
 Công ty TNHH Daikan Việt Nam bố trí công nhân làm việc giãn cách trong các xưởng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có ba doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chấp thuận để người lao động được tạm trú trong nhà máy, đó là: Công ty Cổ phần GreenFeed chi nhánh Đồng Nai (khu công nghiệp Sông Mây); Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam (khu công nghiệp Long Thành) và Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo (khu công nghiệp Biên Hòa 2).

Đối với Công ty Cổ phần GreenFeed chi nhánh Đồng Nai, sau khi thống nhất giữa lãnh đạo Công ty, Công đoàn cơ sở và người lao động, doanh nghiệp đã đề xuất phương án cho 105 lao động ở lại trong khuôn viên nhà máy. Để thực hiện điều này, Công ty sẽ test Covid-19 cho tất cả cán bộ công nhân viên, khi có kết quả âm tính mới được ở lại. Về chỗ ở, doanh nghiệp tận dụng nhà xưởng, phòng, kho để làm nhà tạm, bố trí thành các nhóm nhỏ, tránh tụ tập đông người. Ngoài ra, các nhu cầu thiết yếu khác của người lao động khi ở lại trong nhà máy cũng được bảo đảm. Cũng theo phương án của doanh nghiệp này, những trường hợp ở lại sẽ được hỗ trợ 100 nghìn đồng/ngày. 

Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp, Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt coi trọng việc phòng dịch thời điểm này. Bởi, trường hợp dịch không may xảy ra trong doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động, chuỗi sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, khi tiếp nhận đề nghị của các doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã nhanh chóng đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận phương án để người lao động tạm lưu trú tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, ăn, ở, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự. Cùng với đó, số lượng người lao động bố trí tại một điểm phải phù hợp với không gian, tránh việc bố trí quá đông công nhân tại một địa điểm. Điều này, đòi hỏi các ngành liên quan phải tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Về phía Ban Quản lý các khu công nghiệp, Đồng Nai đã chủ trì, xây dựng một bộ tiêu chí để áp dụng cho các doanh nghiệp có phương án bố trí người lao động tám trú trong nhà máy.

Đồng Nai ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp -0
Khai báo y tế tại chốt kiểm soát Covid-19 trên quốc lộ 1A, giáp ranh giữa Đồng Nai - Bình Dương. 

Tỉnh Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp thu hút 1.629 doanh nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với khoảng 1,2 triệu công nhân. Trước diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, xuất hiện ở một số nhà máy tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, hai địa bàn giáp ranh với Đồng Nai nên nguy cơ rất cao dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đánh giá, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất chủ động, đồng hành với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, ngành Y tế đang phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định phương án cho người lao động tạm lưu trú tại doanh nghiệp.

Đồng thời hướng dẫn ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập 121 tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp: “Ba ngày gần đây tỉnh Đồng Nai ghi nhận 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Do vậy, cùng với nhanh chóng điều tra, truy vết, khoanh vùng, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm soát, cách ly người về từ vùng dịch. Để hạn chế lây nhiễm từ các địa phương với nhau và ngăn chặn dịch xâm nhập vào các nhà máy, tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để cùng nhau phối hợp, hạn chế đi lại lúc này. Bởi lẽ, trường hợp dịch xảy ra trong các khu công nghiệp, ở Đồng Nai sẽ rất khó chống đỡ”, ông Phan Huy Anh Vũ cho hay.

Có thể nói, ngoài việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của ngành chức năng, sự đồng hành của doanh nghiệp, thì hơn lúc nào hết mỗi người lao động cần nâng cao hơn nữa ý thức thực hiện các biện pháp phòng dịch tại nhà máy, nơi lưu trú và hạn chế việc di chuyển, nhất là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, hai địa phương đang là tâm dịch của cả nước.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan