Chấn chỉnh việc mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội

Về hiện tượng người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội tại một số địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị tăng cường tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động. Các cơ quan liên quan cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được phản ánh của một số địa phương về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan vừa ký Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động.

Thứ nhất, trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là vi phạm nguyên tắc "trung thực" theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động, đây là trường hợp hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

Thứ hai, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. 

Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: "Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp động lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toàn án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự".

Với nội dung trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động.

Đồng thời, các cơ quan cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời phối hợp cơ quan chức năng của địa phương rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Lao động và việc làm
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực