Chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép ở Đồng Nai

Thời gian gần đây, tình trạng xây dựng trái phép ở Đồng Nai đã được ngăn chặn, giảm sâu số vụ vi phạm so với ba năm trở về trước. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, nhất là những nơi phát triển công nghiệp, việc xây nhà trái phép vẫn diễn ra phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Cưỡng chế phá dỡ 16 phòng trọ xây trái phép dưới đường dây điện cao áp ở thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.
Cưỡng chế phá dỡ 16 phòng trọ xây trái phép dưới đường dây điện cao áp ở thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.

Ngoài tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình vi phạm, thì việc xác định rõ trách nhiệm, xử lý cán bộ có liên quan để xảy ra xây dựng trái phép được ngành chức năng tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện.

Xây dựng trái phép vẫn phức tạp

Huyện Nhơn Trạch nằm ở trung tâm khu tam giác kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng với sự phát triển nhanh, thu hút nhiều khu công nghiệp, một lượng người từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, làm việc, thì nhu cầu chỗ ở tăng cao. Điều này, dẫn đến việc xây dựng trái phép nhà ở, phòng trọ trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp.

Dưới hai đường dây điện cao thế 220kV và 110kV, các dãy nhà xây dựng trái phép mọc lên nhan nhản trên các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 18, 19, khu phố Mỹ Khoang, thị trấn Hiệp Phước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Hiệp Phước, Trần Văn Hà cho biết, chỉ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 năm 2021, tại khu vực này có 6 trường hợp xây nhà ở, phòng trọ trái phép trên đất trồng cây lâu năm, với tổng diện tích hơn 4.600m2.

Dù chính quyền địa phương đã lập biên bản đình chỉ, đề nghị chủ các công trình tạm ngưng thi công và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, việc lén lút xây dựng vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ vẫn diễn ra.

Ủy ban nhân dân thị trấn Hiệp Phước đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt và thực hiện cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu.

Chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép ở Đồng Nai ảnh 1

Cưỡng chế tháo dỡ một ngôi nhà xây dựng trái phép ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa.

Đến nay, việc cưỡng chế mới thực hiện được hai trường hợp ở thửa đất số 512, 513 tờ bản đồ số 18, còn lại bốn công trình đang trong quá trình xử lý “Mặc dù địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng và thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép vẫn diễn ra phức tạp”, đồng chí Hà nói.

Xã Vĩnh Thanh, nằm ở phía tây nam của huyện Nhơn Trạch, tiếp giáp rừng Sác. Vùng quê vốn yên bình này cũng nóng lên tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép, nhất là thời điểm trước năm 2022, khi nhiều người dân từ nơi khác đến quay cuồng với cơn “sốt” đất.

Chỉ tay về khu vực chiếc cầu bê-tông vừa được cưỡng chế, tháo dỡ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huỳnh Thế Vinh cho biết, khu vực đất thuộc tờ bản đồ số 68, 70, thuộc ấp Chính Nghĩa giáp với rừng Sác, vốn là các đầm nuôi tôm của người dân địa phương.

Thế nhưng, từ năm 2021, nhiều công trình hạ tầng ngang nhiên mọc lên, với mục đích để phục vụ phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp. Ngoài hai cây cầu bê-tông, trên diện tích các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 68, 70, xã Vĩnh Thanh, một tuyến đường được mở rộng, đổ bê-tông, ô-tô có thể đi vào từng thửa đất.

Đến nay, ngành chức năng đã tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên toàn bộ diện tích. “Việc để các công trình xây dựng không phép nhưng chậm phát hiện là trách nhiệm của địa phương. Quá trình xử lý lại thiếu kiên quyết, dẫn đến kéo dài, nguyên nhân chính do thiếu cán bộ tham mưu lĩnh vực địa chính-xây dựng”, ông Vinh cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, Nguyễn Hữu Thành, hiện nay tại địa bàn những xã giáp ranh với các khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở rất lớn, trong khi trước đây việc thu hút đầu tư ít quan tâm vấn đề nhà ở. Điều này, dẫn đến những năm gần đây việc xây dựng nhà ở, nhà trọ trái phép trên đất nông nghiệp phức tạp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay huyện Nhơn Trạch đang thực hiện đồ án quy hoạch đô thị mới đã được phê duyệt, nên khối lượng công việc càng nhiều, do đó, việc phát hiện, xử lý vi phạm đất đai, xây dựng có nơi còn chậm: “Để ngăn chặn xây dựng trái phép, phân lô bán nền đất nông nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch đã ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong đó, quy trách nhiệm cụ thể của các phòng, ban, chính quyền cơ sở và cán bộ liên quan đối với vấn đề này phải cao hơn trước”, đồng chí Thành nói.

Hiện nay tại địa bàn những xã giáp ranh với các khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở rất lớn, trong khi trước đây việc thu hút đầu tư ít quan tâm vấn đề nhà ở. Điều này, dẫn đến những năm gần đây việc xây dựng nhà ở, nhà trọ trái phép trên đất nông nghiệp phức tạp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, Nguyễn Hữu Thành

Trong khi đó, tại thành phố Biên Hòa, tình trạng xây dựng trái phép đã giảm, sau khi Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quyết liệt trong chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm; đồng thời, thay thế bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân ở các phường để xảy ra xây dựng trái phép, phân lô bán nền phức tạp, nhưng không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố đã xử phạt, cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu hơn 230 trường hợp: “Tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc xây dựng trái phép vẫn còn diễn ra, nhưng nhỏ lẻ, lén lút. Chúng tôi kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm và với cán bộ buông lỏng, tuyệt đối không có bao che, nể nang hoặc né tránh”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, Huỳnh Tấn Lộc cho biết.

Xử lý cán bộ nếu để xây dựng trái phép

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng các công trình vi phạm liên tục giảm. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 113 công trình vi phạm (thuộc thẩm quyền xử lý cấp tỉnh), giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn vẫn còn diễn ra, tập trung nhiều ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, như thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do một số vướng mắc trong quá trình vận dụng pháp luật, thì yếu tố chủ quan là việc quản lý xây dựng của chính quyền cấp xã, huyện chưa được thường xuyên, đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng ở từng địa bàn.

Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thời gian tới được xác định là, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm công trình vi phạm. Cùng với đó, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân được phân công nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, nhưng buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong các cuộc làm việc gần đây với các sở, ngành, địa phương, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu, phải sớm hoàn chỉnh quy hoạch và nhất thiết quản lý theo quy hoạch. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn xây dựng trái phép. Nếu để kéo dài vừa gây phức tạp, lại tốn nhiều thời gian, công sức xử lý hậu quả và nguy cơ phá vỡ các quy hoạch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.

“Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nào để xảy ra xây dựng trái phép, không phép phức tạp sẽ bị thay thế. Khi để các công trình xây dựng trái phép xảy ra thì cán bộ đó năng lực kém hoặc đã bị vô hiệu hóa. Nếu không thay thế sẽ không còn thể hiện nghiêm minh pháp luật được nữa”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thời gian tới được xác định là, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm công trình vi phạm. Cùng với đó, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân được phân công nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, nhưng buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trở lại câu chuyện vi phạm ở thị trấn Hiệp Phước và xã Vĩnh Thanh của huyện Nhơn Trạch, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, Thái Bảo vừa ký văn bản yêu cầu, rà soát, tổ chức thanh, kiểm tra việc quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đất đai, xây dựng.

Trước đó, sau khi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, xây dựng.

Tuy nhiên, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhận thấy, kết quả báo cáo kiểm tra của một số sở chưa phù hợp thực tế những sai phạm đang diễn ra, chưa xác định trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.

Vì vậy, để chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo đảm an toàn lưới điện cao áp, không để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa hình thành các khu dân cư trái quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển đô thị mới Nhơn Trạch, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra và báo cáo kết quả trước ngày 28/2.