Dự án cầu Ô Môn được triển khai thực hiện theo Quyết định số 1758/QÐ-BGTVT ngày 5/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, Quyết định số 1539/QÐ-BGTVT ngày 22/11/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và Quyết định số 1641/QÐ-BGTVT ngày 14/12/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt dự án đầu tư dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia-giai đoạn 1 (khu vực phía nam). Tổng diện tích ảnh hưởng dự án cầu Ô Môn là 0,53 ha. Vị trí thu hồi đất phục vụ dự án thuộc hai phường Châu Văn Liêm và Thới Hòa (quận Ô Môn).
Mặc dù dự án được khởi công từ ngày 8/4, nhưng hiện nay, tiến độ thi công đã bị chậm nhiều tháng do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ô Môn, có tổng cộng 87 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, trong đó 69 hộ dân đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng; sáu hộ đã phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất, chờ nhận tiền. Có 12 hộ đang niêm yết phương án bồi thường (một hộ đề nghị kiểm tra diện tích đất; ba hộ chưa đồng ý phương án bồi thường).
Ðể đẩy nhanh việc bàn giao đất sạch phục vụ dự án, thành phố Cần Thơ có nhiều công văn đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngày 24/10 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố gửi công văn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ô Môn căn cứ quy định pháp luật về đất đai, văn bản hướng dẫn có liên quan… khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án, bàn giao mặt bằng thi công theo đúng quy định.
Hiện nay, do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bị chậm, tiến độ dự án ảnh hưởng không nhỏ, tác động tiêu cực đến các đơn vị thi công. Ðại diện một nhà thầu tại dự án cho biết: Do thi công cầm chừng, máy móc không được vận hành dẫn đến tình trạng nằm phơi nắng, phơi mưa, hỏng hóc.
Nếu công tác giải phóng mặt bằng vẫn ách tắc, tiến độ công trình rất khó bảo đảm. Bên cạnh đó, cầu cũ nằm trên tuyến đường độc đạo, do đó, trước khi làm cầu Ô Môn mới sẽ phải đập bỏ và phải xây dựng một cây cầu tạm để các phương tiện lưu thông. Nếu cầu tạm không được hoàn thành thì không thể phá cầu cũ, làm cầu mới.
Kiểm tra công trình trong tháng 8, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, trước mắt nhà thầu thi công sẵn sàng máy móc thiết bị, quyết tâm triển khai xây dựng cầu Ô Môn vì đầu tháng 9 sẽ có thêm mặt bằng để thi công cầu tạm và đến hết tháng 9 phải hoàn thành cầu tạm này. Tuy nhiên, đến nay, việc tiếp tục thi công cầu tạm không thể thực hiện được do một hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù.
Theo người dân, họ chưa đồng ý bởi phương án đo đạc và tính giá trị đền bù chưa sát thực tế. “Cầu thang 6,4m, đổ bê-tông mà đền bù 1,2 triệu đồng thì số tiền đó chưa đủ mua gạch. Nhà vệ sinh chỉ đền bù hai triệu đồng cũng thiếu hợp lý. Sân nhà tôi hầu hết đổ bê-tông cốt thép nhưng cơ quan chức năng lại xác định là sân tráng xi-măng.
Bờ kè diện tích khoảng 26m2 nhưng chỉ đền bù 9 triệu đồng, trong khi xây dựng một bờ kè như vậy hiện nay, tính theo giá thị trường mất ít nhất 1 triệu đồng/m2”, một người dân cho biết.
Căn cứ Ðiều 80, Luật Ðất đai năm 2024 quy định về điều kiện thu hồi là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố chưa ban hành quy định đơn giá bồi thường về cây trồng cho nên chưa thể hoàn thành công tác phê duyệt phương án theo quy định.
Trần Văn Mười, Phó Trưởng ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ô Môn
Với trường hợp hộ dân ảnh hưởng vị trí cầu tạm (vị trí then chốt để thi công), qua niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì hộ này chưa đồng ý. Do đó, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn quận rà soát pháp lý, thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi đất đối với hộ này và các hộ còn lại, bảo đảm công tác cưỡng chế thu hồi đất đúng quy định.