Cha đẻ WWW: Thời đại của những gã khổng lồ internet sẽ qua đi

NDO -

Trong một bức thư đánh dấu 32 năm World Wide Web (WWW) ra đời (vào tháng 3-1989), ông Tim Berners-Lee, người sáng lập ra web cho rằng, trong thời kỳ hậu Covid-19, cần phải ưu tiên để 2,2 tỷ người trẻ trên toàn cầu được sử dụng internet, tham gia trực tuyến trên những trang web.

Ông Tim Berners-Lee, người sáng lập ra web. Ảnh: Reuters.
Ông Tim Berners-Lee, người sáng lập ra web. Ảnh: Reuters.

Bức thư được ông viết chung với bà Rosemary Leith, vợ mình, người đồng sáng lập nền tảng web.

1/3 người trẻ trên thế giới chưa được sử dụng web

Tim Berners-Lee cho biết, "để có một thế giới tốt đẹp hơn" sau thời kỳ Covid-19, cần trao cơ hội tiếp cận internet cho 1/3 những người ở độ tuổi từ 15 đến 24 đang ngoại tuyến.

Ông Berners-Lee viết: “Ảnh hưởng của những người trẻ tuổi được cảm nhận rõ nét từ các cộng đồng của họ và trên mạng trực tuyến. Nhưng ngày nay, chúng ta chỉ thấy một phần nhỏ. Bởi vì trong khi chúng ta nói về một thế hệ “người bản địa kỹ thuật số” (những người sinh ra và sống trong thời đại kỹ thuật số - digital natives), thì vẫn còn quá nhiều người trẻ phải đứng ngoài và không thể sử dụng web để chia sẻ tài năng và ý tưởng của họ”.

“Một phần ba thanh niên không có quyền truy cập internet. Nhiều người khác thiếu dữ liệu, thiết bị và kết nối đáng tin cậy mà họ cần để tận dụng tối đa web. Trên thực tế, theo Unicef, chỉ 1/3 số người dưới 25 tuổi có kết nối internet tại nhà, khiến 2,2 tỷ người trẻ không có quyền truy cập mạng ổn định để học trực tuyến, trong khi học trực tuyến đã giúp rất nhiều người khác tiếp tục con đường học vấn trong thời kỳ đại dịch”, cha đẻ WWW bày tỏ mối lo ngại của mình.

Quyền truy cập vào web phải là quyền cơ bản của người trẻ

"Khi những người trẻ tuổi truy cập trực tuyến, họ thường xuyên phải đối mặt với lạm dụng, thông tin sai lệch và nội dung nguy hiểm khác, đe dọa sự tham gia của họ và có thể buộc họ hoàn toàn ra khỏi các nền tảng", bức thư viết.

Theo ông Berners-Lee, hậu quả của việc loại trừ này ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Cha đẻ WWW: Thời đại của những gã khổng lồ internet sẽ qua đi -0
 Tim Berners-Lee: "Còn quá nhiều người trẻ bị bỏ rơi và không thể sử dụng web để chia sẻ tài năng và ý tưởng của họ". Ảnh: Getty Images.

"Có bao nhiêu bộ óc trẻ xuất sắc sẽ bị bỏ rơi vì khoảng cách phân chia kỹ thuật số? Có bao nhiêu tiếng nói của những nhà lãnh đạo tương lai đang bị chặn lại bởi môi trường mạng internet độc hại? Mỗi người trẻ không thể kết nối sẽ mất đi cơ hội cho những ý tưởng và sáng tạo mới có thể phục vụ nhân loại", ông nói.

“Hãy tưởng tượng có bao nhiêu người có thể giải quyết những thách thức quan trọng nếu họ có thể truy cập vào một trang web an toàn và lành mạnh", ông băn khoăn.

Còn bà Rosemary Leith cho rằng, tương tự như giáo dục, quyền truy cập vào web phải là quyền cơ bản của những người trẻ tuổi.

“Nếu một nửa thế hệ thanh niên không thể sử dụng các công cụ phát triển mạnh mẽ trong thế giới kỹ thuật số để học các kỹ năng mới, điều hành doanh nghiệp, xây dựng cộng đồng, tham gia tranh luận dân chủ, thì toàn xã hội sẽ bỏ lỡ tài năng, ý tưởng và thành quả”, bà nói.

Đã đến lúc cần thay đổi sự thống trị của các gã khổng lồ internet

Tỷ lệ trung bình của công dân toàn cầu được truy cập internet là khoảng 50%. Tỷ lệ này tăng lên 70% với những người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 25. Ông Berners-Lee lập luận rằng, đặt mục tiêu kết nối mọi người trẻ trên thế giới vào web sẽ thu về nhiều lợi ích.

Ông cũng cho rằng chi phí làm được điều này tương đối rẻ so với chi phí của nhiều chương trình chính phủ được triển khai trong 12 tháng qua. Ông ước tính khoản đầu tư 428 tỷ USD trong thập kỷ tới sẽ cung cấp cho mọi người một kết nối băng thông rộng chất lượng.

“Số tiền đó chỉ tương đương 116 USD/người chia cho 3,7 tỷ người trên thế giới vẫn ngoại tuyến đến ngày hôm nay”, ông tính toán.

Ông Berners-Lee coi khoản đầu tư như vậy là khoản trả trước cho các thế hệ tương lai, vì nó sẽ mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc dưới hình thức tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế xã hội.

Tuy nhiên, chỉ có quyền truy cập vào web hoặc công nghệ là không đủ. Theo ông Berners-Lee, điều này nên đi đôi với việc bảo đảm là web phải "hữu ích, không có hại, không độc quyền".

Những sự cố nổi tiếng như tranh chấp giữa Facebook và Australia dẫn đến việc mạng xã hội này chặn nguồn cấp tin tức ở nước này đã khiến nhiều người dân và chính phủ phải kiểm tra lại mối quan hệ của họ với các công ty truyền thông xã hội và internet khổng lồ.

Ông Tim Berners-Lee cho rằng, sự thống trị của những gã khổng lồ internet là một “mốt” lỗi thời không nên tồn tại.

Bức thư kết thúc bằng một động lực thúc đẩy các công ty công nghệ hiểu được những trải nghiệm và nhu cầu riêng của những người trẻ tuổi. Nó cũng kêu gọi các công ty làm việc với những người trẻ tuổi để cùng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tôn trọng quyền của họ.

Ông đề nghị, các chính phủ sẽ cần phải thông qua các luật có hiệu lực quản lý công nghệ và yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có trách nhiệm.

Được biết, ông Berners-Lee năm nay 65 tuổi, đang làm việc trong một dự án có tên Solid, nơi dữ liệu cá nhân được kiểm soát bởi chính người dùng, thay vì các nền tảng như Facebook.

World Wide Web, gọi tắt là WWW, mạng lưới toàn cầu, là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể truy cập (đọc và viết) thông tin qua các thiết bị kết nối với mạng internet. Đây là một hệ thống thông tin trên internet cho phép các tài liệu được kết nối với các tài liệu khác bằng các liên kết siêu văn bản, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin bằng cách di chuyển từ tài liệu này sang tài liệu khác.

Thuật ngữ này thường được hiểu nhầm là từ đồng nghĩa với internet. Nhưng web thực ra chỉ là một trong các dịch vụ chạy trên internet.

Nhà khoa học người Anh Tim Berners-Lee được cho là đã phát minh ra World Wide Web khi làm việc cho Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) vào tháng 3-1989.

World Wide Web là trung tâm cho sự phát triển của thời đại thông tin và là công cụ chính mà hàng tỷ người sử dụng để tương tác trên internet.