Cây xóa nghèo ở vùng cao Lào Cai

Thực tế ở vùng cao Lào Cai cho thấy, để nâng cao giá trị cây dược liệu cần phải chế biến sâu. Tuy nhiên, hiện nay, việc chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi tỉnh Lào Cai cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ cây dược liệu đặc hữu.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu ở Hợp tác xã Mạnh Hương.
Đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu ở Hợp tác xã Mạnh Hương.

Về xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, khi hỏi về Hợp tác xã Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương hầu như ai cũng biết bởi đây là doanh nghiệp đang có năm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Anh Nguyễn Tiến Mạnh, dân tộc Giáy, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Đồng bào Giáy có rất nhiều bài thuốc cổ truyền đặc trị các bệnh về gan, bồi bổ sức khỏe phụ nữ sau sinh... Phát huy truyền thống gia đình, tôi quyết tâm lập nghiệp từ cây dược liệu. Thế nhưng, những ngày đầu vợ chồng anh cũng chỉ đi hái lá, đào củ thuốc trên rừng về bán thô cho các nhà thuốc, thương lái dưới xuôi. “Công việc rất vất vả nhưng thu nhập ít do thương lái mua nguyên liệu thô với giá thấp”, anh Mạnh nhớ lại.

Từ suy nghĩ đó, năm 2019, anh Mạnh đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương. Vượt qua bao khó khăn, cả những thất bại ban đầu, đến nay, Hợp tác xã đã có hàng chục sản phẩm dược tinh chế với năm sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có ba sản phẩm từ cây nghệ, đó là: Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, tinh bột nghệ mật ong viên hoàn, tinh bột nghệ đen. Hợp tác xã đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định; bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ gia đình nhờ vào việc trồng cây dược liệu bán cho hợp tác xã.

“Các sản phẩm sau khi được tinh chế giá trị cao hơn rất nhiều lần so với bán thô trước đây. Quan trọng hơn là tận dụng được vùng nguyên liệu giải quyết việc làm cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, khi đầu tư máy móc thì mình chiết xuất được gần như 100% các tinh chất từ nguyên liệu, tránh lãng phí; đây là điều rất quan trọng khi mà nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên ngày càng cạn kiệt”, anh Mạnh chia sẻ.

Từ mô hình trồng, chế biến sâu các sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương cho thấy giá trị của các loại cây dược liệu khi được đầu tư, chế biến sâu thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của cây dược liệu ở Lào Cai.

Thực tế cho thấy, Lào Cai có lợi thế, tiềm năng về cây dược liệu và là nguồn cung ứng dồi dào, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các cơ sở chế biến thuốc và dược liệu của cả nước, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, việc khai thác và phát triển cây dược liệu đã và đang là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới của các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, cần có định hướng rõ ràng và các giải pháp thiết thực để khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng dược liệu của vùng.

Cách đây hơn hai năm, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, với cây dược liệu thì mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 5.000 ha cây trồng dược liệu; sản lượng đạt 28 nghìn tấn với giá trị hơn 900 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Lào Cai hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cây dược liệu như đường giao thông, thủy lợi, cơ sở nhân ươm giống, thu gom và chế biến sản phẩm... còn rất thiếu, chưa đáp ứng quy mô sản xuất lớn, tập trung. Đáng chú ý, hầu hết vùng trồng cây dược liệu là nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới không đồng đều, hạn chế, cho nên việc sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao gặp khó khăn, đòi hỏi phải đào tạo khá tốn kém. Để khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững vùng dược liệu, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Với kế hoạch này, Lào Cai kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược liệu góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sản phẩm thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.

Theo đó tập trung phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu, tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, sản xuất các giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao... “Chúng tôi hy vọng, ngành dược liệu của Lào Cai sẽ có sự phát triển ổn định và bền vững”, ông Duy nhấn mạnh.

Với lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp việc phát triển nhiều loại cây trồng dược liệu; cùng với các cơ chế, chính sách đã và đang được tỉnh Lào Cai ban hành và thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển trồng và chế biến sâu dược liệu, đem lại việc làm và thu nhập ổn định, cao hơn cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.