Mía đã thật sự là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hàng nghìn hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên.
Vị ngọt Da Dù
Da Dù là một trong bốn thôn dân tộc thiểu số của xã Xuân Lãnh huyện miền núi Ðồng Xuân đang đổi thay từng ngày. Ðiều dễ nhận thấy khi lần đầu đặt chân đến vùng đất này là nhà ở của bà con hai bên đường, toàn nhà xây kiên cố, cần ăng-ten, chảo vệ tinh bắt sóng truyền hình chĩa lên trời tua tủa. Vào thăm nhà nào cũng thấy đầy đủ xe máy, ti-vi, điện thoại cầm tay...
Năm nay, niềm vui của 286 hộ dân trong thôn Da Dù như được nhân đôi, vì vụ mía bán được giá cao nhất từ trước đến nay (830 nghìn đồng/tấn tại ruộng). Theo trưởng thôn Mang Thái, diện tích mía của Da Dù nhiều nhất xã Xuân Lãnh với 350 ha, 100% số hộ tham gia trồng mía, nhà nào ít cũng vài sào, có nhà trồng 5 đến 10 ha. Bà con rất phấn khởi. Nhà cô giáo mầm non Mang Thị Út có hai ha mía, vừa bán được 54 triệu đồng; trưởng thôn Mang Thái có 4,5 ha, bán được 103 triệu đồng. Cao nhất là ông Mang Bụi, trồng tám ha, vừa bán mía được 200 triệu đồng. Nhiều hộ dân có mức thu nhập từ 90 đến 150 triệu đồng từ vụ mía này.
Mía được mùa, đời sống ngày một ấm no, người Chăm Hroi nơi đây ai cũng biết ơn già làng Mang Thôn. Hơn mười năm trước, khi nghe Ðảng, Nhà nước, chính quyền vận động chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, già làng Mang Thôn tiên phong dỡ đất đưa cây mía lên đồi, năm đầu trồng vài sào, sau đó mở rộng diện tích lên hơn bốn ha. Từ cây mía, nhà Mang Thôn dần dần có của ăn, của để. Vừa làm, già làng Mang Thôn vừa vận động bà con làm theo, dần dần Da Dù trở thành đất mía. "Năm nay 75 tuổi rồi, không làm nữa, đất trồng mía cho con rể làm, vụ này mới bán hai đám được 65 triệu thôi". Cái bụng của già làng Mang Thôn càng vui hơn khi vụ mía năm nay được mùa, được giá. Hằng ngày những chiếc xe tải chất mía cao ngất từ khu sản xuất chạy ngược, chạy xuôi qua làng trong tiếng cười nói rộn ràng của người dân. Mía chở về xuôi, đổi lại là những chuyến hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống dân làng ngày một no đủ.
Bí thư Ðảng ủy xã Xuân Lãnh, Hồ Nam Khánh cho biết, mía là cây trồng chủ lực của địa phương. Toàn xã có 1.760 ha đất gieo trồng, riêng diện tích mía một nghìn ha. Toàn xã có 2.214 hộ, đến cuối năm 2009 chỉ còn 650 hộ nghèo. "Nhờ cây mía, Xuân Lãnh thoát ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, bà con rất phấn khởi. Ðảng bộ xã đang chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới, theo chiến lược phát triển kinh tế địa phương sẽ nâng diện tích mía lên 1.500 ha trong thời gian tới" - Bí thư xã Xuân Lãnh Hồ Nam Khánh nói.
Giàu lên từ đất mía
Nói đến nghề trồng mía ở huyện Sơn Hòa, ai cũng biết đến vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Bàn và Nguyễn Thị Minh Quế ở thôn Nguyên Trang, xã Sơn Nguyên. Như bao người khác, sau chiến tranh, gia tài của hai vợ chồng chỉ có chiếc ba-lô và chiếc xe đạp được phân phối. Tại vùng đất Sơn Nguyên, trải qua hàng chục năm vật lộn với khó khăn, hôm nay gia đình ông bà đã thành triệu phú. Với 24 ha đất canh tác, ông Bàn trồng mười ha mía, diện tích còn lại trồng rừng và cây công nghiệp ngắn ngày, đồng thời nuôi bò lai. Mỗi năm, gia đình ông Bàn bán 650 tấn mía, thu về 500 triệu đồng.
Huyện Sơn Hòa là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của Phú Yên với diện tích 8.650 ha, chiếm gần một nửa diện tích mía cả tỉnh. Cách đây hơn mười năm, Sơn Hòa có 57,68% số hộ đói nghèo, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội, Sơn Ðịnh, KRông Pa có tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 60% đến 80%. Ðến cuối năm 2009, Sơn Hòa chỉ còn gần 17% số hộ đói nghèo. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa cho rằng, có được như ngày hôm nay là nhờ huyện có những giải pháp, những bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là cây mía đã được coi là "cây xóa đói, giảm nghèo".
Theo tính toán, với giá mía như hiện nay, tổng nguồn thu của người trồng mía tại huyện Sơn Hòa năm 2010 ước đạt 350 tỷ đồng. Sơn Hòa hiện có nhiều xã có hơn một nghìn ha mía như xã Sơn Hà 1.445 ha, Sơn Nguyên 1.320 ha, Sơn Phước 1.763 ha. Cuộc sống nông dân thật sự giàu lên từ cây mía. Vùng đất đồi núi khó khăn này ngày càng xuất hiện nhiều "vua mía" với khối tài sản bạc tỷ, như cựu chiến binh Trần Văn Bàn, Ðoàn Ðắc Miên ở xã Sơn Nguyên; Huỳnh Quang Bình, Ma Ý người dân tộc thiểu số buôn Suối Cau xã Sơn Hà.
Ðồng hành cùng người trồng mía
Hiện nay diện tích 18.500 ha mía ở Phú Yên ổn định. Tỉnh Phú Yên có ba nhà máy đường với tổng công suất 7.250 tấn mía/ngày. Công ty TNHH Công nghiệp KCP-Việt Nam (100% vốn Ấn Ðộ), cách đây mười năm, từ một nhà máy sắp phá sản đã được tỉnh Phú Yên tạo điều kiện chuyển nhà máy từ Thừa Thiên - Huế vào trung tâm huyện Sơn Hòa. Từ đây, đầu ra cho cây mía đã được giải quyết căn bản. Trước kia, khi chưa có nhà máy, đến mùa thu hoạch, nông dân ép thủ công, nhiều vùng không thu hoạch hết mía, phải đốt bỏ. Khi công ty KCP nâng công suất ép từ 2.500 tấn lên 5.000 tấn mía tươi/ngày đã thu mua hết sản lượng mía cho nông dân. Theo Tổng Giám đốc Công ty K.V.S.R Xúp-bai-a, sự phát triển của KCP dựa trên cơ sở gắn bó và coi trọng lợi ích của người trồng mía, phát triển vùng nguyên liệu. KCP đã sản xuất tại Phú Yên được 3,8 triệu tấn mía, trả cho nông dân 1.635 tỷ đồng, đầu tư 320 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu, nộp 120 tỷ đồng cho ngân sách, đóng góp 12 tỷ đồng cho phát triển nông thôn và hoạt động xã hội từ thiện. Hoạt động của KCP tại tỉnh Phú Yên đã góp phần thúc đẩy và ổn định tăng trưởng kinh tế tại 41 xã miền núi Phú Yên, tạo thu nhập chính cho khoảng bảy nghìn hộ nông dân và 500 lao động trực tiếp, gián tiếp làm lợi cho hàng nghìn hộ nông dân làm dịch vụ nông nghiệp và vận chuyển. Hiện nay, các nhà máy đã và đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng đầu tư giống, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Ðào Tấn Lộc cho biết, Nghị quyết Ðại hội tỉnh Ðảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2006 - 2010) đề ra đến năm 2010, Phú Yên phát triển và ổn định vùng chuyên canh mía 18.500 ha, sản lượng mía đạt một triệu tấn. Trong những năm tới, tỉnh giữ ổn định diện tích mía đã có, tập trung các công tác khuyến nông, xây dựng các công trình thủy lợi mở rộng diện tích mía có nước tưới, đầu tư giống mới... phấn đấu nâng năng suất mía lên hơn 100 tấn/ha (năng suất mía bình quân hiện nay của tỉnh mới chỉ đạt 55 tấn/ha).
Hiệu quả sản xuất từ ngành mía đường ở tỉnh Phú Yên khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi. Ðến nay, vùng miền núi tỉnh Phú Yên có bước phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 11,5%, GDP bình quân đầu người hơn tám triệu đồng (năm 2009), tăng gấp 2,7 lần so với năm 2003, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 19,3% năm 2005 xuống còn 9,2% năm 2010.