Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về thăm xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, vùng tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Nay, vùng đồi, núi là chiến khu anh hùng trong kháng chiến đã được bao phủ bởi mầu xanh của rừng nguyên sinh và các loại cây ăn quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Hầu hết tuyến đường giao thông nội xã đã được bê-tông hóa rộng thoáng, thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Anh Katơ Chinh, cán bộ nông nghiệp xã Phước Bình, cho biết: Nhờ nằm trên độ cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu mát, đất rộng và được đội ngũ kỹ sư của Vườn Quốc gia Phước Bình bám cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo mô hình kinh tế vườn-rừng, cây bưởi da xanh trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân; từ vài hộ trồng, đã tăng lên hàng trăm hộ.
Nhiều năm trước, mấy héc-ta đất của gia đình ông Katơ Quỳnh ở thôn Hành Rạc 2, chủ yếu trồng ngô, khoai, đậu để có lương thực cho gia đình.
Năm 2010, hưởng ứng chuyển đổi cây trồng mới theo “Chương trình vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa đem lại năng suất cao, thu nhập khá” của địa phương, gia đình ông đã tiên phong trồng cây bưởi da xanh trên diện tích gần 7.000m2, được Vườn Quốc gia Phước Bình hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc…
Đến năm 2015, thu hoạch lứa đầu tiên, mỗi quả nặng từ 1,5-2kg, thương lái thu mua tận vườn từ 30-35 nghìn đồng/kg. Năm đó, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm 2016, ông đã nhân rộng diện tích trồng bưởi da xanh lên 1,2ha.
Cuối năm 2021, giá bưởi bán tại vườn là 40 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu nhập gần 300 triệu đồng. Ông Katơ Quỳnh chia sẻ: “Nhờ thu nhập cao từ cây bưởi da xanh, tôi đã xây dựng căn nhà mới khang trang, giá trị hơn 500 triệu đồng để vui đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Nay, đời sống tốt hơn trước rất nhiều”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên Phòng Hợp tác Quốc tế của Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, năm 2006, đơn vị đưa giống cây bưởi da xanh về trồng thử nghiệm. Đến năm 2010, vườn bưởi cho thu hoạch lứa quả đầu tiên đạt năng suất cao, quả to tròn, màu da láng mượt,… Các chuyên gia khẳng định đây chính là cây giúp đồng bào Raglai xóa nghèo.
Năm 2012, bưởi da xanh được nhân giống cho người dân trồng đại trà. Đến nay, đã nhân rộng mô hình vườn-rừng lên 200ha (có hộ trồng hơn chục héc-ta), năng suất bình quân 2 tấn/ha/tháng, đem lại thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Xã Phước Bình được ví là “vương quốc” bưởi da xanh của tỉnh Ninh Thuận.
Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết: “Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại xã Phước Bình đạt hơn 19 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,42%; 6/6 thôn được công nhận thôn văn hóa, xã được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, đầu năm 2023, đơn vị đã triển khai công tác đánh giá thực địa 23ha trồng đầu tiên của xã Phước Bình, để có cơ sở đề nghị Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng, để hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường ngoài nước theo đường chính ngạch.
Qua kiểm tra, các hộ tham gia mô hình đã đáp ứng đủ 7 tiêu chí quan trọng, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chí số 4 về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi được cấp mã số vùng trồng không chỉ mở ra hướng đi mới cho cây bưởi da xanh tại xã Phước Bình mà còn tạo cú huých cho khoảng 400ha bưởi da xanh của toàn tỉnh Ninh Thuận.
Chị Katơ Thị Sín, ở thôn Gia É, nói: “Nếu được cấp mã số vùng trồng thì sản phẩm bưởi da xanh Phước Bình có nguồn gốc rõ ràng, thuận lợi để xây dựng thương hiệu riêng, tạo đầu ra ổn định, bà con càng nâng cao thu nhập, đời sống càng khấm khá hơn”.
Hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Phước Bình tăng cường phối hợp với Vườn Quốc gia Phước Bình tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp nâng cao trong chăm sóc bưởi da xanh theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan triển khai việc quảng bá, thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh đến xã kết nối với người dân đưa sản phẩm bưởi da xanh vươn ra các thị trường khác.