Cây làm giàu trên đất Trấn Yên

Những ngày này, về xã đặc biệt khó khăn Hồng Ca, nơi có vùng tre măng tập trung gần 1.300 ha, dọc đường vượt dốc Khuôn Bổ, Hồng Lâu, rồi dốc Đồng Ruộng vào Khe Ron, cứ cách đoạn chúng tôi lại gặp những bao tải măng tươi chất cao, vừa được bóc trên nương chuyển xuống, chờ thương lái đến thu mua. Vào vụ năm nay mưa nhiều, măng mọc đều, báo hiệu một mùa măng no ấm.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Sổng A Cảnh, bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thu hoạch măng tươi.
Anh Sổng A Cảnh, bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thu hoạch măng tươi.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận bản Khe Ron Vàng A Sò cho hay, toàn bản có 118 hộ đồng bào H’Mông với hơn 660 khẩu, hiện có 64 ha tre măng bát độ, hơn 260 ha quế; đời sống nhờ có cây măng, cây quế mà khấm khá hơn rất nhiều.

Năm 1987, các hộ dân di cư từ xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu về Khe Ron lập bản mới. Ban đầu, người dân phát rừng tự nhiên làm nương ngô, trồng lúa nương, đời sống khó khăn, trẻ em không được đến lớp, cái đói diễn ra mỗi khi giáp hạt, bởi chủ yếu tự cung tự cấp. Trước tình hình trên, Đảng bộ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã khảo sát đánh giá, tập trung chăm lo cuộc sống cho đồng bào như xây dựng nhà trường, làm đường giao thông, kéo điện lưới... về bản.

Năm 2005, đưa cây tre bát độ (lấy măng) vào trồng dọc các khe suối có độ ẩm cao, cây phù hợp thổ nhưỡng sinh trưởng tốt, trở thành “cây xóa nghèo” ở vùng cao Hồng Ca. Nhờ có chính sách đúng, quyết liệt trong hành động đi cùng với làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay xã Hồng Ca có gần 1.300 ha tre măng, năm 2022 thu hơn 8.000 tấn măng tươi, người dân thu về gần 50 tỷ đồng, là nguồn lực giữ vững tiêu chí nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn.

Là một trong những hộ trồng tre măng bát độ đầu tiên của xã, gia đình ông Hà Văn Liên, ở thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành, hiện có 15 ha măng bát độ đang cho thu hoạch và 5 ha trồng mới. Trung bình hằng năm, gia đình thu hoạch hơn 100 tấn măng tươi.

Hiện giá thu mua ở mức hơn 6.000 đồng/kg măng tươi, gia đình ông với ba lao động thường xuyên, mỗi ngày lên nương bóc măng tươi bán được gần năm triệu đồng. Vào chính vụ, ông Liên còn thuê thêm người thu hoạch măng, để măng không bị quá lứa. Nhờ đó, gia đình có cuộc sống sung túc, các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, trở thành niềm mơ ước của nhiều người vùng đồng bằng.

Ông Hà Văn Liên cho rằng, hiện cây măng là cây chủ lực nhất, sau hai năm trồng đã cho thu bói, từ năm thứ ba trở đi là cho măng nhiều. Để cây măng sinh trưởng tốt, không phải mất tiền mua phân bón, chỉ cần phát quang bụi tre, tỉa cây phù hợp, khi thu hoạch cần để lại vài cây măng để làm giống cho vụ sau.

Hiện, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre măng nguyên liệu tập trung hơn 4.200 ha, tập trung nhiều tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh; trong đó, diện tích kinh doanh cho thu hoạch hơn 3.360 ha, sản lượng măng thương phẩm hằng năm đạt trung bình 30.000 tấn. Ước tính sản lượng vụ măng bát độ năm 2023 đạt 32.500 tấn, giá trị thu nhập ước đạt 200 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên Trần Đông cho biết: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, tre bát độ được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực. Mục tiêu đến hết năm 2025, diện tích sản xuất hàng hóa đạt quy mô 5.000 ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP khoảng 1.000 ha.

Trấn Yên đang thu hút, mời gọi đầu tư các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có hai cơ sở chế biến măng xuất khẩu là Ymazaki Việt Nam và Công ty TNHH Vạn Đạt. Việc xây dựng được nhà máy chế biến ngay trong vùng nguyên liệu là điều đặc biệt ở một tỉnh miền núi. Hiện, huyện Trấn Yên tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước duy trì, mở rộng vùng nguyên liệu măng tre bát độ, mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần bao tiêu sản phẩm măng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.