Đây cũng là hoạt động nhằm tri ân những công lao, xương máu của hơn 1,2 triệu liệt sĩ cùng hàng triệu thương binh, bệnh binh trong cả nước nói chung và những người con của thành phố Cảng và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong đấu tranh giành và giữ nền độc lập của Tổ quốc.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, biết bao thế hệ những người con của thành phố Hải Phòng đã xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và công sức, máu xương của họ đã đắp lũy, xây thành cho hòa bình và độc lập của Tổ quốc hôm nay.
Cầu truyền hình trực tiếp đã đưa mọi người theo chuyến hành trình đi suốt dọc chiều dài đất nước, từ thành phố Cảng Hải Phòng đến những mảnh đất Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ác liệt; vào với thành cổ Quảng Trị - nơi cỏ non vẫn mát xanh giữa nắng gió và đạn bom trong 81 ngày đêm khói lửa; và theo bước chân của “Tiểu đoàn Cát Bi” - với 631 người con của Hải Phòng đã xuất quân và tham gia các trận chiến tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định và huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) cách đây 55 năm…
Và những lời kể xúc động của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, những ký ức nóng bỏng của các chiến sĩ “Tiểu đoàn Cát Bi” trên chiến trường Tây Ninh năm xưa như nhắc nhở mỗi chúng ta sự quý giá của độc lập, tự do và niềm tự hào của mẹ Tổ quốc, của mỗi chúng ta đối với sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh.
Đã có biết bao người con Hải Phòng sát cánh cùng với quân dân Quảng Trị và các chiến sĩ từ mọi miền đất nước viết nên “Bản hùng ca Thành cổ” 81 ngày đêm. Hàng trăm chiến sĩ Hải Phòng đã ngã xuống và nhiều người lính đã để lại một phần cơ thể nơi đây. Năm nào những cựu chiến binh Hải Phòng cũng không quên về thăm đồng đội - “những người nằm dưới cỏ” và cũng là về để tìm lại chính mình tuổi 20…
Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Hải Phòng - người chiến sĩ Thành cổ trong trận chiến ác liệt năm xưa đã chia sẻ về các trận chiến sinh tử, kỷ niệm may mắn trở về gia đình sau nhiều năm đã được công nhận là “liệt sĩ”… Ông và các đồng đội sống sót vẫn liên tục lặn lội khắp chiến trường với đau đáu tìm và đưa được các đồng đội đã ngã xuống trở về với quê mẹ…
Các nhân chứng chia sẻ những kỷ niệm lịch sử - những điều không thể lãng quên. |
Bác sĩ Trần Văn Bản - một trong số 110 chiến sĩ của Tiểu đoàn Cát Bi may mắn trở về sau các trận chiến ác liệt trên chiến trường Tây Ninh. 521 người con Hải Phòng đã nằm lại mảnh đất này. Ông đã chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc và xúc động trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và người dân Tây Ninh…
Chúng ta hôm nay không bao giờ quên điều đó. Lịch sử sẽ không lãng quên các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập của dân tộc, tự do cho đất nước, ấm no cho nhân dân trong các cuộc kháng chiến, cũng như trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bình an cho nhân dân hiện nay. Đó là thông điệp được đưa ra trong chương trình cầu truyền hình.
Trong suốt những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Hải Phòng và tỉnh Tây Ninh đã có nhiều hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh.
Cùng với đó, hoạt động phối hợp, tìm kiếm để quy tập các hài cốt các liệt sĩ trên các chiến trường vẫn được các đồng đội và các địa phương chung tay, góp sức với mong muốn làm vơi đi nỗi khắc khoải đợi mong của các gia đình liệt sĩ…