Dưới cái nắng tháng bảy chói chang, in hình trên nền trời xanh ngắt là hàng chục dây văng thẳng băng như những nan quạt khổng lồ xòe hết cỡ từ trên trời "quạt" xuống sóng nước sông Tiền đỏ màu phù sa. Phía dưới, lại là những chiếc phà oằn nặng người, xe từ từ trôi... Một hình ảnh thật ấn tượng. Hiện tại và tương lai vẫn quấn quýt, nhưng cái mới hiển hiện sao thật gần, thật đẹp. Khoảng trống giữa hai "chiếc quạt" đó rồi đây sẽ được lấp đầy vào giữa tháng 8 này để cuối tháng 9 tới, cầu Rạch Miễu sẽ thông xe kỹ thuật, nối hai bờ Bến Tre và Tiền Giang. Bác Tư Bình hồ hởi góp chuyện với tôi trước khi con phà chạm bờ: Ban Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Rạch Miễu khẳng định với báo chí là hơn 95% khối lượng công trình đã hoàn thành. 5% còn lại là lao hai nhịp dầm biên, đổ bê-tông, dây văng của 22 m cuối cùng, lắp đặt hệ thống lan-can, trang trí thiết bị. Hơn 300 công nhân đang thi công miệt mài giữa mùa mưa dai dẳng phương nam... Cây cầu đã trở thành "của mình" rồi nên họ mới nắm kỹ đến vậy.
Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60, cách TP Hồ Chí Minh 70 km, cách ngã ba Trung Lương (QL1A) 3 km và cách thị xã Bến Tre 12 km. Toàn tuyến đường và cầu khoảng 11.130 m nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, đường từ Bến Tre đến Trà Vinh - Sóc Trăng theo quốc lộ 60 sẽ ngắn hơn quốc lộ 1A (qua cầu Mỹ Thuận) 100 km, thời gian đi từ Bến Tre đến thành phố Hồ Chí Minh sẽ được rút ngắn ít nhất là 30 phút... Xứ dừa rồi đây sẽ nhanh chóng hội nhập với toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, với cả nước, với bạn bè gần xa.
Ðó sẽ là bước ngoặt lịch sử, đột phá cho mảnh đất ba dải cù lao Bến Tre (cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hòa) - nơi duy nhất của cả đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cho đến nay vẫn còn biệt lập với đất liền. Thời khẩn hoang đất đai hai bờ sông Tiền được nối với nhau bằng những nhịp chèo dẻo dai của các má, các chị; sau này lại bằng những bồn chồn trông đợi bên này, bên kia do những đoàn xe chật cứng cả hai đầu phà... Khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, ai đó chỉ mất 5 - 7 phút qua cầu thay vì hơn 25 phút ngồi phà "dằng dặc nỗi nhớ thương".
Phát triển kết cấu hạ tầng được Tỉnh ủy Bến Tre xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để khơi dậy toàn lực tiềm năng kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Cùng các công trình, dự án trọng điểm khác như cống đập Ba Lai, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông... cầu Rạch Miễu còn là bệ phóng tạo cho "Dáng đứng Bến Tre" một tư thế mới, hiên ngang và hiện đại. Hơn nữa, dự án cầu Rạch Miễu còn mang ý nghĩa đặc biệt do chính người Việt Nam thiết kế và xây dựng bằng nguồn vốn trong nước. Năm 2002 cầu Rạch Miễu chính thức khởi công. Trước vận hội mới, Bến Tre bắt tay xây dựng hai cụm công nghiệp Giao Long và An Hiệp. Từ đó số lượng các đoàn trong và ngoài nước ghé thăm, tìm hiểu cơ hội rồi quay lại ký hợp đồng đầu tư tăng dần theo sự gia tăng tổng vốn FDI trên địa bàn. Năm 2004 mới khoảng 5 triệu USD thì năm 2006 đã nhảy vọt hơn 23 triệu USD. Năm 2007 tổng vốn kêu gọi đầu tư vào Giao Long và An Hiệp là 329,563 tỷ đồng, tăng 42% so năm 2006, và 69,1 triệu USD đối với doanh nghiệp FDI, tăng 151% so năm 2006. Cũng trong năm này, chỉ số năng lực cạnh tranh của Bến Tre tăng đáng kinh ngạc, đứng hạng thứ 14/64 tỉnh thành, tăng 12 bậc so với năm 2006.
Chị Hồng Thủy là "tuýp" người kinh doanh mới, khá năng động, nhạy cảm đón bắt thời cơ. Mới ngoài 30 tuổi đã là chủ khu du lịch Hương Dừa rộng 5.000 m2 với vườn nhãn, nhà xưởng sản xuất kẹo dừa, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ... đón 15 nghìn lượt khách mỗi năm và một quán "cháo cua đồng" trứ danh nằm ngay cạnh QL 60. Nhắc tới cây cầu của ngày mai, chị cho biết:
- Cầu Rạch Miễu bắc qua không gian sông nước cù lao hữu tình nên khi hoàn thành nhất định lượng khách sẽ đến với Bến Tre đông gấp bội. Nhất là khu vực này, sát ngay đầu cầu dẫn, cửa ngõ vào nội ô thị xã. Sắp tới Hương Dừa mở thêm Resort ngay trong vườn... Ngồi ghe chèo cùng chị vào bến Túc, một trong ba điểm du lịch của ông Mười Hải mà Hương Dừa đang liên kết mới thấy hết sự sôi động của ngành du lịch nơi đây: con rạch mát lạnh, xanh ngát bóng dừa ngược xuôi tấp nập ghe xuồng chở đầy du khách. "Hôm nay riêng điểm du lịch này đón khoảng 500 lượt người", ông chủ Mười Hải nói khi điện thoại di động vẫn réo liên tục. Ông đang "nối tua" với nhiều cơ sở, đơn vị du lịch trong và ngoài khu vực. Phải nói rằng, phóng khoáng, chân tình, thân thiện "rặt kiểu Nam Bộ" cùng với thiên nhiên nguyên sơ, môi trường khoáng đạt là những yếu tố giúp Bến Tre "hút hồn" du khách.
Khai thác thế mạnh vốn có sẽ nhanh chóng giúp Bến Tre đỡ mất sức, lại mạnh lên, cứng cáp hơn khi hội nhập. Các sản vật quê hương có thể thăng hoa thành thương hiệu, sản phẩm kinh tế - văn hóa - du lịch độc đáo, hấp dẫn thương trường, viễn du sang tận trời Âu, biển Á. Người ta đã bàn nhiều đến việc lập "đường băng" mới cho các sản phẩm xứ dừa thăng hoa hơn thời "hậu cầu Rạch Miễu". Ngoài kẹo dừa, Bến Tre còn nức tiếng khắp "lục tỉnh" bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Ðốc... Làng nghề Cái Mơn (huyện Chợ Lách), "đệ nhất cây giống", hằng năm cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây kiểng. Nơi đây cũng có nghề rang trầu và làm "cau tầm vung" (cau để chín khô trên cây, không xắt ra) rất nổi tiếng. Bên dòng Hàm Luông, trong nhà hàng khách sạn Hùng Vương, đầu bếp Long dọn lên đãi khách thực đơn gồm: mắm cá linh kho quẹt ăn với khổ qua đẹt luộc, cá kèo kho tộ, canh cua nấu với mướp và rau mùng tơi. Hôm sau thì năm chén nhỏ xinh xinh với tôm rim, khô cá tra phồng, muối mè... được bày gọn trong một khay tròn. Nấm mối Bến Tre mới thật lạ và "tua săn nấm mối" chắc chắn sẽ khiến du khách ngỡ ngàng, đầy thú vị. Mùa nấm mối thường bắt đầu vào mùng 5 tháng 5 âm lịch và chỉ kéo dài trong khoảng một tháng, khi trời vừa dứt mưa và nắng lóe lên, trải dài trên những vườn dừa cổ. Nấm mối ở đây có hương vị khác và giá cao hơn hẳn "cùng loại" ở miền Ðông; ngọt, thơm ngay khi đưa vào miệng chứ không phải "đắng trước ngọt sau" như cái anh nấm tràm ở Hà Tiên. Gọt khô cho hết đất rồi nhẹ tay rửa sạch cho núm đừng rời khỏi thân; đổ ít dầu, bỏ nấm vào đảo nhẹ, gia vị chỉ cần chút muối và ớt dập nhuyễn là muốn ăn no, bởi nấm thơm, ngọt. Nấm mối có thể chế biến thành nhiều món, món nào cũng ngất ngây thực khách như xào, nấu cháo, bọc giấy bạc nướng, làm nhân bánh xèo... Giá một ký nấm tươi hiện thời là 180 nghìn đồng, khi cao điểm hơn 300 nghìn đồng. "2 triệu đồng/kg nấm mối khô nhưng gom đủ không phải dễ", dì Ba ở chợ Bến Tre trả lời từ tốn, mà tai nghe cứ thấy muốn "choáng".
Ðêm qua phà, nhìn những ánh đèn lấp lánh phát ra từ độ cao hơn trăm thước của công trình cầu Rạch Miễu lại nghĩ đến tập quán "chia đuốc", một trong những đặc trưng văn hóa độc đáo trong đời sống cư dân xứ dừa. Cây đuốc dừa để gọi đò, để trao cho người đi đêm lỡ đường, để bừng sáng hơn trong đêm Ðồng Khởi. Ðuốc dừa gắn bó với con người từ lúc chào đời cho đến khi giã từ nhân thế, chứa đựng ý nghĩa nhân văn, nét đẹp truyền thống, thể hiện tính cộng đồng. Bản sắc văn hóa của người Bến Tre càng tỏa sáng hơn khi bước ra "biển lớn" không chỉ qua lễ hội truyền thống văn hóa hằng năm (1-7). Mảnh đất từng sản sinh, nuôi dưỡng cụ Ðồ Chiểu "Thà đui mà giữ đạo nhà..." cùng người con gái Sương Nguyệt Ánh, chủ bút tờ Nữ giới chung, "Ðem chuông lên đánh Sài Gòn - Ðể cho nữ giới biết con ông Ðồ". Rồi Võ Trường Toản, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký, và sau này là Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phạm Ngọc Thảo, rồi Ca Văn Thỉnh, Diệp Minh Châu, Trần Văn Ơn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thành Trung... Vâng, "ông già Ba Tri" đâu chỉ là giai thoại mà còn là biểu tượng của đức tính cương trực, trọng nhân nghĩa, lẽ phải của dân xứ cù lao.
Mảnh đất này có đến gần 35 nghìn liệt sĩ, hơn 15 nghìn thương binh, 1.936 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 10 nghìn người bị nhiễm chất độc da cam... Những con số đau thương nhưng anh hùng của ba dải cù lao. Lịch sử còn ghi nhận sự sáng tạo vô cùng, "dĩ bất biến ứng vạn biến" của người Bến Tre. Còn đó, đoàn tàu vượt biển ra Bắc đầu tiên, ngay từ 1946, rồi đón tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển, làm đầu cầu tiếp nhận vũ khí xã Thạnh Phong; rồi tay không làm nên Ðồng Khởi, và "đội quân tóc dài" với vị nữ tướng đầu tiên của QÐND Việt Nam Nguyễn Thị Ðịnh... Những điều đó làm nên một Bến Tre, rất riêng và khiến người ta tin vào sự đi lên của xứ dừa. Như hôm nay đây, giữa sông Tiền, trên độ cao hơn một trăm mét, đêm nào người Bến Tre cũng "chia đuốc", tiếp sức cho nhau. Vì nơi ấy, ngày mai sẽ có một cây cầu, cây cầu sẽ nối mọi vùng đất, sẽ thắt chặt thêm mọi tình người. Và hơn thế nữa, đó là cây cầu mà hàng trăm năm rồi, vẫn ngỡ là ước mơ.