Cầu Long Biên “kể chuyện”

NDO - Những tư liệu, tài liệu, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 và Viện Viễn Đông Bác cổ thực hiện lần đầu tiên kể với công chúng những câu chuyện thú vị về cây cầu 120 tuổi này.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình cầu Long Biên bằng tre.
Mô hình cầu Long Biên bằng tre.

Lịch sử từ những viên gạch đầu tiên

Cây cầu lịch sử gắn bó với Hà Nội 120 năm qua, ít ai biết nó lại được khởi đầu từ một ý tưởng của vị Toàn quyền Hà Nội. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer đã yêu cầu trong một thời gian ngắn phải nghiên cứu một cây cầu đi qua sông Hồng ở Hà Nội và nhanh chóng chọn vị trí đặt cầu.

Khi đó, thành phố tách biệt với các tỉnh tả ngạn sông Hồng bởi con sông rộng 1.700m với rất nhiều bãi cát nhanh chóng bồi lên rồi lại biến mất. Việc qua sông đối với người bản xứ luôn khó khăn và tốn kém, đôi lúc còn nguy hiểm. Lưu ý là sông Hồng từ trong lịch sử vốn luôn là một con sông dữ dội, đặc biệt là vào mùa nước cao.

"Rộng như một eo biển, sâu hơn 20m và dâng cao thêm 8m vào mùa lũ, lòng sông luôn luôn thay đổi, khi lở chỗ này, lúc bồi chỗ kia. Một con sông như vậy sao có thể chế ngự được bằng đặt trụ dưới một lòng sông đầy sóng dữ? "- Khi đó, những vị quan có tư tưởng phóng khoáng nhất cũng tỏ ra nghi ngờ và cho rằng đó là quyết định liều lĩnh.

Cầu Long Biên “kể chuyện” ảnh 1

Những công đoạn đầu tiên hình thành nên cây cầu.

Yết thị thông báo tuyển chọn nhà thầu xây dựng cầu Long Biên bắc qua sông Hồng được đăng trên Công báo Đông Dương vào năm 1897. Sau đó, có 6 công ty gửi hồ sơ dự thầu, trong đó, Công ty xâu dựng Daydé & Pillé gửi 2 đồ án A và B. Đồ án B với tổng chi phí gần 5.4 triệu francs với 19 dầm chìa, thiết kế lần đầu tiên được áp dụng trong xây dựng cầu Tolbiac trên tuyến đường sắt Paris-Orleáns.

Daydé & Pillé là công ty có nhiều kinh nghiệm trong các công trình xây dựng nổi tiếng như cầu kênh Briare, cầu Mirabeau, nhà ga Bordeaux-Saint-Jean, cung điện Grand Palais ở Paris…

Cầu Long Biên “kể chuyện” ảnh 2

Mô tả quá trình thi công cầu.

Ngày 12/9/1898, viên đá đầu tiên được đặt xuống khai móng. Việc đóng trụ cầu ở độ sâu trên dưới 30m là công đoạn khó nhất, được thực hiện bằng phương pháp sử dụng máy nén khí do kỹ sư Jaques Triger sáng tạo ra. Các tư liệu, hình ảnh minh họa giúp người xem có thể hình dung ra từng quy trình từ nhấn chìm giếng hơi ép, điều áp, đào đất, đổ bê tông… Các tư liệu trong triển lãm cho thấy, việc xây dựng cây cầu chỉ được thực hiện trong 7 tháng, từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau, dừng thi công trong thời gian lũ lụt.

Ngày 28/2/1902, cây cầu được chính thức khánh thành, làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của một vùng, cải thiện giao thương từ Hà Nội đi các tỉnh tả ngạn sông Hồng.

Chứng nhân lịch sử

Cây cầu 120 tuổi cũng là chứng nhân lịch sử của rất nhiều sự kiện, biến động của Hà Nội. Năm 1902, vua Thành Thái cùng Toàn quyền mới đã lên tàu từ ga Hà Nội mới, chính thức khánh thành cây cầu lịch sử. Cây cầu cũng trải qua nhiều đợt sửa chữa, mở rộng, trong đó có đợt mở rộng đường bộ hai bên thành cầu từ 1,3m lên 2,2m, cho phép nhiều loại phương tiện giao thông di chuyển hơn, có chỗ tránh xe và vỉa hè cho người đi bộ.

Năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai, đốc lý người Việt đầu tiên của thành phố Hà Nội đã đổi tên cầu Doumer thành cầu Long Biên. Những năm 1946, 1947, cầu Long Biên là một trong những địa điểm được cả quân đội Pháp và Việt Nam canh gác.

Năm 1954, cây cầu trở thành chứng nhân lịch sử, khi chứng kiến cuộc “bàn giao” giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Nam sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Quân đội Việt Nam đứng gác đầu cầu, còn lính Pháp lần lượt rút về phía Hải Phòng qua hướng cầu Long Biên.

Cầu Long Biên “kể chuyện” ảnh 3

Cầu bị bom phá trong chiến tranh.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cầu Long Biên cũng chứng kiến những trận đánh ác liệt, và hứng chịu những trận bom dữ dội khiến cây cầu bị phá hỏng nhiều lần.

Cầu Long Biên “kể chuyện” ảnh 4

Hình ảnh cây cầu gãy một nhịp nhìn từ trên cao, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khai thác từ nguồn ảnh quân đội Mỹ.

Năm 1972, Hà Nội đã phải gánh chịu bom đạn của Mỹ trong suốt 12 ngày đêm, cầu Long Biên cũng bị đánh phá và hư hỏng nặng. Trong chiến tranh, những phương tiện cơ giới lớn di chuyển qua cầu cũng khiến cây cầu xuống cấp và phải sửa chữa. Những bức ảnh hiếm hoi về cảnh cây cầu gãy nhịp sau khi bị đánh bom được trưng bày tại triển lãm cùng với các quyết định cũng như hình ảnh những lần thi công sửa cầu.

Cầu Long Biên “kể chuyện” ảnh 5

Những bức ảnh được các nhiếp ảnh gia tặng cho Triển lãm.

Cùng với những câu chuyện chung quanh cây cầu, ký ức của cộng đồng về cầu Long Biên cũng được chia sẻ, giới thiệu tại triển lãm, với những bức ảnh của 5 nhiếp ảnh gia, tranh vẽ của họa sĩ Trần Anh Tuấn, cùng một mô hình cầu Long Biên bằng tre được tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1.

Hà Nội vừa qua những ngày kỷ niệm cuộc chiến đấu 12 ngày đêm khói lửa, và cầu Long Biên cũng là một biểu tượng của cuộc chiến. Những câu chuyện về cầu Long Biên được kể trong triển lãm không chỉ giúp lớp trẻ ngày nay hiểu thêm về cây cầu đã gắn bó với thành phố hơn một thế kỷ qua, mà còn biết thêm một phần lịch sử của Hà Nội.