Bức họa "Hòa bình muôn năm" được đăng trên số đặc biệt ngày 25/7/1954 của báo Nhân đạo. Bản gốc (khổ: 65,5cm x 55,5cm) hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử tại thành phố Saint Denis, ngoại ô phía bắc Paris. |
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, báo Nhân đạo luôn sát cánh và ủng hộ Việt Nam, là ngọn cờ đầu trên mặt trận tuyên truyền, vận động và tập hợp sự ủng hộ của những người cộng sản và những người Pháp yêu chuộng hòa bình cũng như bạn bè quốc tế hướng về đất nước Việt Nam kiên cường và anh dũng. Một trong những bạn bè quốc tế luôn mong đợi hòa bình sớm được lập lại ở Việt Nam là danh họa Pablo Picasso (1881-1973).
Sinh ngày 25/10/1881 trong một gia đình nghệ thuật truyền thống ở thành phố cảng Malaga thuộc miền nam Tây Ban Nha, ông là một họa sĩ và nhà điêu khắc, thường được biết tới với tên Pablo Picasso hay Picasso. Là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất thế giới trong thế kỷ 20, ông cùng với Georges Braque là hai người sáng lập trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc. "Chim bồ câu" là đề tài mà Picasso ấp ủ từ thời niên thiếu, qua đó ông muốn gửi gắm tất cả tâm hồn và khát vọng tự do, khát vọng hòa bình. Những con chim bồ câu hòa bình của Picasso như tiếng nói hòa bình đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và góp phần thức tỉnh tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Picasso không chỉ là một danh họa mà còn là chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội. Picasso luôn đứng về phía nhân dân lao động, những người cùng khổ và đấu tranh chống lại áp bức, bất công, chống lại chủ nghĩa phát-xít, đế quốc. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, ông rất đồng cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Với Picasso, những bức tranh chim bồ câu chính là bản tự sự về cuộc đời và những cảm xúc về hòa bình, rồi trở thành biểu tượng của hòa bình, của khát vọng hòa bình. Hình ảnh chim bồ câu ngậm cành ô liu đang bay của Picasso được sử dụng ở Đại hội thế giới vì hòa bình ở Paris năm 1949, rồi sau đó được trao Giải thưởng quốc tế vì hòa bình năm 1955.
Tháng 10/1944, Picasso trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (PCF), từ đó biết nhiều thông tin về sự đô hộ, áp bức của thực dân Pháp cũng như lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh kiên cường của người dân Việt Nam, nơi có người đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc.
Theo lời kể của Ban Biên tập báo Nhân đạo, Picasso là người rất quan tâm tới cuộc kháng chiến của Việt Nam chống thực dân Pháp. Đó cũng là lý do ông đã có thể nhanh chóng khắc họa rõ nét người Việt Nam đội nón ăn mừng hòa bình lập lại trong bức họa "Hòa bình muôn năm".
Bức họa đặc biệt này được thực hiện theo đề nghị của Ban Biên tập báo Nhân đạo để chào mừng việc ký kết Hiệp định Geneva, dự kiến được đăng trên trang nhất của số báo ra ngày 1/8/1954, nhưng rồi xuất hiện sớm hơn trên số Chủ nhật đặc biệt ngày 25/7/1954.
Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử ở thành phố Saint Denis, ngoại ô phía bắc Paris gần Tòa soạn báo Nhân đạo, nơi lưu giữ và từng tổ chức nhiều triển lãm tranh của Picasso trong đó có bức họa "Hòa bình muôn năm", xác định với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp như sau: Picasso, một thành viên nhiệt tình của Phong trào Hòa bình ở Pháp, đã vẽ bức họa "Hòa bình muôn năm" vào tháng 7/1954 nhân dịp ký kết Hiệp định về việc chấm dứt chiến sự ở Đông Dương năm 1954.
Trong bức họa "Điệu Sardane hòa bình," Sardane là điệu nhảy truyền thống của người dân ở xứ Catalan (Tây Ban Nha) khi mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn trong điệu nhạc được phát ra từ tổng hợp nhiều loại nhạc cụ (cobla). |
Bức họa "Hòa bình muôn năm" chúc mừng Việt Nam được lấy ý tưởng từ bức họa "Điệu Sardane hòa bình" mà ông đã vẽ vào ngày 20/9/1953, được lưu giữ ở Bảo tàng làng Céret (nay là thành phố) ở Pháp giáp biên giới Tây Ban Nha. Ông từng lưu trú ở đây trong những năm 1911, 1912, 1913, rồi 1953, thường xuyên gặp gỡ và đàm đạo với những người cộng sản Pháp ở khu vực này. Vào ngày 20/9/1953, Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp ở thành phố Céret đã tổ chức một buổi gặp để vinh danh Picasso. Tại đây ông đã vẽ bức họa "Điệu Sardane hòa bình" dành tặng Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp ở Céret. Vài năm sau đó, bức họa này được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại của thành phố Céret.
Sau Hiệp định Geneva, khi Mỹ can thiệp Việt Nam, ông cũng đã dùng ngôn ngữ hội họa tiếng phản đối cuộc chiến tranh đẫm máu và biểu thị tình cảm của mình đối với nhân dân Việt Nam. Ban Biên tập báo Nhân đạo cho biết: Với tình cảm sâu đậm và ủng hộ khát vọng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành lại hòa bình và độc lập, Picasso đã có ý tưởng và hoàn thiện rất nhanh để gửi đăng trên số đặc biệt của báo Nhân đạo mừng sự kiện lịch sử này.
Với bức họa của Picasso đăng trên trang nhất số đặc biệt ra ngày 25/7/1954, báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp cũng có bài xã luận gửi gắm lời chúc mừng thật nức lòng như vậy: Tất cả chúng ta đều chung một niềm hạnh phúc. Hoà bình muôn năm! Hạnh phúc muôn năm!