Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác tới thành phố Lin, miền bắc nước Pháp, xe chúng tôi bị cảnh sát "tuýt còi" khi vừa qua rào chắne của trạm thu phí. Thì ra trước đó, do mải vui chuyện, ngắm những cánh đồng hoa cải dầu vàng ươm hai bên đường cao tốc, anh bạn đồng nghiệp đã nhấn ga vi vu tới 159 km/giờ, vượt quá giới hạn tốc độ tối đa cho phép (130 km/giờ). Ðành "chấp nhận" mức phạt 96 euro (khoảng hai triệu đồng) và trừ hai điểm trên bằng lái (trong tổng số 12 điểm, nếu hết thì treo bằng vĩnh viễn) song, anh băn khoăn không đủ tiền mặt nộp phạt mà chỉ có thẻ tín dụng. Chàng cảnh sát trẻ tuổi đưa ra một biên lai, mỉm cười nói rằng: "Hãy ra cửa hàng thuốc lá mua tem phạt, ra bưu điện mua tem thư, còn ngành bưu chính Pháp sẽ phục vụ các bạn!".
Ðời sống công nghiệp tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp, với đúng nghĩa "thời gian là vàng bạc" đã đưa ngành dịch vụ bưu chính phát triển mạnh và việc luôn có phong bì, tem trong nhà không còn là một lời khuyên nữa.
Tại Pháp, tất cả các loại phí trong gia đình như tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền điện thoại, thuế vệ sinh, thuế nhà ở, phí truyền hình, đặt mua báo,... hầu như đều được thanh toán qua ngành bưu chính. Mỗi loại biên lai gửi đến đều kèm theo một phong bì in địa chỉ nơi gửi lại, hoặc có địa chỉ sẵn trên biên lai, bạn chỉ việc gửi kèm theo tấm séc với số tiền tương ứng, dán tem và bỏ vào thùng thư. Còn nếu không trả bằng séc, bạn cũng phải ra bưu điện để trả tiền mặt, "đổi" lấy "séc bưu điện", có tính thêm phí.
Nhiều gia đình do trong ngày đi làm, nhân viên ngành điện, nước, ga không vào ghi số công-tơ được, chủ nhà có thể ghi vào mẫu (được gửi đến qua thư) số tiêu thụ, ngày tháng cập nhật và gửi đến nhà cung cấp. Tính tự giác cùng với việc kiểm tra định kỳ chặt chẽ, xử phạt nghiêm không cho phép có sự gian lận, lần lữa. Ngay trên tờ biên lai vi phạm luật giao thông cũng ghi rõ, nếu không nộp phạt trong từng khoảng thời gian nhất định, số tiền phạt sẽ tăng dần theo cấp số nhân và cuối cùng là cưỡng chế, xử phạt theo pháp luật. Việc đi siêu thị phải mua một tập phong bì từ 50 đến 100 chiếc (có loại dán sẵn tem), hay ra bưu điện mua hàng chục con tem về nhà "dự trữ" không còn là điều xa lạ với người Pháp.
Ra đời tại Anh ngày 1-5-1840, con tem đầu tiên trên thế giới có "nhiệm vụ" ban đầu là để "người gửi phải trả tiền chuyển thư", chứ không phải người nhận như trước đó. Dù chỉ cách Anh mỗi eo biển Măng-sơ, mãi đến năm 1849, Pháp mới phát hành con tem đầu tiên có mệnh giá 20 xu. Sau hơn 150 năm, ngành bưu chính Pháp nay trở thành một tập đoàn lớn với 17.000 điểm bưu điện trên cả nước, mang hai mầu vàng, xanh lơ quen thuộc. Từ ngày 1-10-2006, giá một con tem ở Pháp là 0,54 euro (khoảng 11.000 đồng), đối với bưu phẩm dưới 20 gam.
Việc chuyển thư từ, chuyển gói hàng, chuyển phát nhanh và đặc biệt là dịch vụ ngân hàng bưu điện đem lại cho Tập đoàn La Poste (Bưu điện Pháp) doanh thu hàng tỷ euro (năm 2005 là 19,3 tỷ euro, trong đó lãi ròng 557 triệu euro) và tăng trưởng 3-4%/năm. Công đoàn "bưu tá" cũng lớn mạnh và trở thành một lực lượng quan trọng trong xã hội Pháp. Chính ứng cử viên trẻ Ô-li-vi-ê Bơ-dăng-xơ-nô của Liên đoàn Cộng sản Cách mạng (LCR), từng tham gia nhiều cuộc tranh cử Tổng thống Pháp và luôn dành số phiếu ủng hộ khá ấn tượng (xấp xỉ 4%), xuất thân là một người đưa thư. Ðời sống của các bưu tá được chăm lo và đây cũng là tầng lớp lao động ít đình công nhất ở Pháp, có lẽ một phần bởi ý thức được sự thiệt hại vô cùng to lớn khi làm tê liệt dịch vụ bưu chính. Hiện nay nhân viên ngành bưu chính Pháp chủ yếu phản đối dự định của Nhà nước muốn tư nhân hóa lĩnh vực này.
Biên lai phạt giao thông trên đã được "giải quyết khẩn cấp" khi chúng tôi tới Lile. Các loại tem thuế, tem phạt theo nhiều mức tiền được bán tại các cửa hiệu thuốc lá, mua dán vào góc biên lai, bỏ vào phong bì, dán tem bưu điện rồi gửi tới địa chỉ đã được cảnh sát hướng dẫn. Vậy còn trừ điểm trên bằng lái? Vài ngày sau khi trở về Paris, anh bạn tôi nhận được một lá thư của cảnh sát giao thông Pháp, thông báo số bằng lái của anh lưu trong hồ sơ điện tử đã bị trừ hai điểm, cùng vô số cảnh báo những hình phạt khác nếu tái phạm.
Sự thuận tiện và thân quen của mỗi chiếc phong bì tem, với những dịch vụ vừa bắt buộc, vừa khuyến khích người dân sử dụng nhưng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, không chỉ góp phần phát triển một lĩnh vực quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội mà còn giảm bớt phiền hà cho mỗi người dân.
Nếu ngành bưu chính nước ta phát triển được như vậy, sẽ không còn cảnh bữa cơm gia đình những chiều cuối tháng bị cắt ngang vì tiếng chuông cửa và "bác cho xin tiền điện", "anh cho thu tiền nước", "chị ơi, đóng tiền điện thoại". Bởi câu trả lời của chúng ta khi đó sẽ là: "Anh, chị hãy về chờ ngành bưu chính Việt Nam phục vụ!".