Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1985. Đây là cây cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và thi công trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, vật lực để làm công trình cầu lớn.
Từ khi được nhận bàn giao về thành phố quản lý, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan đã 2 lần thực hiện kiểm định cầu vào các năm 2013 và 2021. Kết quả kiểm định gần đây nhất, cầu chính vẫn bảo đảm khả năng chịu lực HL93 (mức cao nhất áp dụng cho cầu đường bộ hiện nay). Cánh gà hai bên cầu vẫn đủ khả năng chịu lực H6 (6 tấn) trong phạm vi 3,5m. Phần móng, trụ cũng đủ khả năng chịu lực.
Theo ông Hoàng Việt Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giao thông vận tải (một trong hai đơn vị tham gia kiểm định cầu Chương Dương vào cuối năm 2021), cho biết, thông thường khoảng 5-10 năm, mỗi cây cầu sẽ được kiểm định 1 lần. Trong lần kiểm định vừa qua, cầu Chương Dương đã được kiểm tra tổng thể tất cả các bộ phận như: trụ, gối cầu, mặt cầu, dàn thép trên-dưới, khe co giãn, độ võng của cầu,... nhằm phát hiện hư hỏng tích lũy theo thời gian. Từ đó, các đơn vị tư vấn, nhà thầu xác định được phần hư hỏng để lên phương án sửa chữa.
Để đánh giá chính xác khả năng chịu tải cũng như các hư hỏng của cầu, hai đơn vị kiểm định đã huy động tổng cộng 50 kỹ sư cùng thiết bị máy móc đo đạc hiện đại, trong đó sử dụng 6 xe tải, mỗi xe có khối lượng 27-30 tấn đậu tại 3 điểm gần nhau để thiết bị máy móc đo đánh giá độ võng của cầu. Kết quả kiểm định đã được báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội để đề xuất thành phố lập dự án cải tạo, sửa chữa cầu.
Mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. |
Mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Sau gần 40 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu và khe co giãn đã bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Cầu Chương Dương hiện tại đã xuất hiện một số hư hỏng như bản mặt cầu xuất hiện ổ gà và bong tróc lớp bê-tông phủ mặt cầu ở một số vị trí; bên cánh gà cũng đã hư hỏng, lớp bê-tông bị bong tróc làm lộ phần cốt thép; xuất hiện han gỉ tại nhiều vị trí…
Những nội dung này đã được Sở Giao thông vận tải báo cáo thành phố và được phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa. Hiện Sở Giao thông vận tải đang tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế sau bước thiết kế cơ sở (thiết kế bản vẽ thi công).
“Dự kiến, dự án sửa chữa cầu sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2026, hiện tại cầu vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản hoạt động bình thường”, ông Trần Hữu Bảo nói.
Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trên cầu Chương Dương
Trong ngày 9/9, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát các cầu vượt sông, nghiêm cấm phương tiện đi qua các cầu yếu.
Ban An toàn giao thông yêu cầu Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là cầu vượt sông trên địa bàn thành phố đang quản lý. Với các cầu yếu có nguy cơ gặp sự cố, đơn vị chức năng cần khẩn trương thực hiện ngay biện pháp cấm người và phương tiện lưu thông; phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian cấm lưu thông.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp công an và các đơn vị chức năng hướng dẫn, phân luồng phương tiện qua các vị trí kết cấu hạ tầng giao thông gặp sự cố do ảnh hưởng bão số 3. Cùng với đó, chính quyền cơ sở thực hiện rà soát và có phương án tổ chức giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông xảy ra sự cố do ảnh hưởng bão, nhất là tại các vị trí cầu yếu và điểm úng ngập cục bộ.