“Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc

Đọc sách:

“Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc

NDO - Cuốn tiểu thuyết “Cậu bé mặc váy” của nhà văn David Walliams mang đến thông điệp sâu sắc về định kiến và lòng bao dung qua câu chuyện đầy thú vị về cậu bé Dennis với sở thích đặc biệt là mặc váy. Bạn đọc nhỏ tuổi sẽ thích thú khi thấy một phần tính cách “nổi loạn” của mình trong câu chuyện, đồng thời cũng cảm nhận được giá trị về lòng bao dung và hạnh phúc thực sự. Cuốn sách là món quà ý nghĩa cho các bạn nhỏ nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6.

“Cậu bé mặc váy” do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, kể cho ta câu chuyện về cậu bé Dennis - một đứa trẻ đáng thương. Sau khi mẹ bỏ đi, Dennis và người anh trai tên John sống cùng bố trong căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô. Bố cậu là người nóng tính, khô khan và thô lỗ. Ông không thích những cái ôm và hiếm khi thể hiện tình cảm với con cái. Công việc bận rộn của một tài xế xe tải đường dài khiến ông không có nhiều thời gian dành cho hai con.

Bởi nhớ mẹ và thèm khát những cái ôm của cha, cậu bé Dennis đã có sở thích bị coi là “kỳ lạ”, ấy là xem tạp chí thời trang Vouge - tờ tạp chí bị “đóng khung” là dành cho nữ giới và bị đuổi học bởi đã “mặc váy”.

“Khác biệt” bởi nỗi khát khao tình thương

Nếu sở thích mặc váy và xem tạp chí Vouge của Dennis bị coi là “khác biệt” thì có lẽ sự khác biệt này của cậu đến từ nỗi nhớ thương mẹ và niềm mong mỏi tình cha đến tội nghiệp.

 “Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc ảnh 1
David Walliams là một cái tên khá quen thuộc với độc giả nhí Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như: Nha sĩ yêu quái, Lũ trẻ hư nhất Quả Đất 1 & 2, Bánh mỳ kẹp chuột, Ông nội vượt ngục, Băng cướp lúc nửa đêm… " Cậu bé mặc váy" là tác phẩm đầu tiên nhà văn này viết cho độc giả nhỏ tuổi.

Dennis nghĩ rằng cuộc sống không có mẹ hẳn sẽ là một cuộc phiêu lưu như thế nào đó…. Nhưng rồi, khi thời gian kéo dài từ nhiều ngày thành nhiều tuần, từ các tuần sang các tháng, rồi nhiều tháng nối thành nhiều năm, cậu nhận ra cuộc sống ấy chẳng phiêu lưu chút nào. Nó chỉ toàn nỗi buồn.”

Có người đã từng nói, khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, người thiệt thòi nhất chính là những đứa con. Câu này đúng và thật đúng với Dennis. Mẹ bỏ đi để lại khoảng trống không gì có thể thay thế trong lòng một đứa trẻ như Dennis. Nhưng cậu bé đồng thời chịu sự cô đơn trong khoảng trống thứ 2 – khoảng trống từ tình cha.

Mẹ bỏ đi, bố Dennis đem sự hằn học trút vào những tấm ảnh của mẹ. Ông đốt sạch như để cố xóa bỏ sự hiện diện của người phụ nữ ấy trong đời mình, và thậm chí là trong đời của những đứa con. Phải cố gắng lắm Dennis mới giữ lại được một bức ảnh của ba mẹ con. Nếu không có nó, cậu sợ rằng đến một ngày nào đó cậu sẽ quên mất gương mặt của mẹ. “Trong ảnh, mẹ mặc một chiếc váy rất đẹp…”

Và bao nỗi nhớ mẹ trong Dennis được cậu bé giải tỏa bằng những tờ tạp chí thời trang Vouge. Dennis sưu tầm những cuốn tạp chí thời trang. Cậu say sưa ngắm các cô người mẫu duyên dáng mặc những chiếc váy lộng lẫy và bắt đầu mường tượng về hình dáng của mẹ nếu được khoác lên mình những bộ trang phục đẹp như vậy.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, một cậu bé lại thích đọc những trang tạp chí về thời trang thì quả là sẽ khiến nhiều người thấy lạ lẫm và nảy sinh nghi hoặc. Nhưng nếu biết rằng, Dennis đã xem những cuốn tạp chí đó bằng một nỗi nhớ mẹ đong đầy mà bất lực thì chắc chắn mọi nghi hoặc sẽ biến thành thương cảm - một sự thương cảm đến day dứt dành cho đứa trẻ tội nghiệp.


Ở nhà Dennis, nói chuyện về bóng đá thì dễ hơn nói chuyện về cảm xúc.


Sự cô đơn bao trùm cuộc sống của Dennis và cậu bé vẫn ngày ngày “chắt chiu tình thương” như vậy đó.

Tương tự như vậy, Dennis đã bao lần khao khát một cái ôm từ bố - một cử chỉ của tình yêu mà cậu vốn thường được nhận từ mẹ, mà nay không được. Bố hầu như chẳng bao giờ thể hiện tình yêu với những đứa con theo cách chúng muốn, trái lại chỉ cho chúng những giận dữ vô cớ cùng sự hằn học với mẹ lũ trẻ.

Ở nhà Dennis, nói chuyện về bóng đá thì dễ hơn nói chuyện về cảm xúc”.

Lần hiếm hoi bố ôm Dennis vào lòng là khi ba cha con đang xem câu lạc bộ địa phương thi đấu.

“Nhưng ngay khi trận đấu kết thúc và trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc, cứ như thể cái âm thanh đó cũng đồng thời báo hiệu họ phải quay trở về với chính sách không-ôm-ấp.”

 “Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc ảnh 2

Phải chăng chỉ có bóng đá mới khiến cha con cậu bé gần nhau hơn, mới kiếm tìm được cái ôm trong lòng cha, nên Dennis cũng rất thích bóng đá. Cậu là chân sút cừ khôi trong đội bóng của trường. Dù bị cảm nặng, Dennis vẫn cố gắng ra sân trong trận tứ kết, bởi chỉ có chiến thắng mới giúp đội bóng vào vòng trong, và có lẽ chỉ có chiến thắng mới khiến bố cậu bé vui và để ý tới cậu hoặc thậm chí trao cho cậu cái ôm mà cậu luôn mong ước.

Định kiến và bao dung

Cuộc sống của Dennis có lẽ sẽ cứ như vậy, cô đơn nhưng không biến cố, nếu như chung quanh cậu không xuất hiện những con người với quan điểm trái chiều tác động đến cậu bé.

Lisa - cô bạn thân của Dennis - người ủng hộ hết sức việc cậu xem tạp chí thời trang Vouge với suy nghĩ: không có lý do gì con trai không được xem nó. Lisa cũng mê thời trang. Họ có thể cùng nhau ngồi nói chuyện hàng giờ về vải vóc, chất liệu và kiểu dáng của những bộ đầm trong tạp chí.

 “Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc ảnh 3

Lisa từng khẳng định với Dennis rằng: “Cậu có thể là bất kỳ ai cậu muốn.”

Một hôm, Lisa đưa ra một ý tưởng táo bạo. Cô bé gợi ý Dennis mặc đồ nữ đến lớp, giả làm nữ sinh người Pháp đang tham gia chương trình giao lưu văn hóa.

Thật không may, thầy hiệu trưởng đã phát hiện ra chuyện này. Và “dù cho có thể nhìn thấy một giọt nước mắt đang ứa lên trong mắt Dennis thì thầy hiệu trưởng Hawtrey vẫn tiếp tục công kích:

- Ăn vận thế này, rồi còn trang điểm và đi giày cao gót. Thật kinh tởm… Tôi không muốn một kẻ suy đồi như cậu ở trong trường của tôi.”

Dennis bị đuổi học và trở thành trò cười của cả trường. Không chỉ bị bố mắng, cậu đối mặt với nguy cơ phải bỏ lỡ trận đấu quan trọng của đội bóng.

Lisa và thầy hiệu trưởng Hawtrey là hai nhân vật mấu chốt cho ‘biến cố’ cuộc đời của Dennis. Có thể nói, nếu thầy hiệu trưởng là hiện thân của định kiến, của những quan niệm cứng nhắc, thiếu sự thông cảm với hoàn cảnh thực tế, thì Lisa là hiện thân cho lòng bao dung, cho sự độ lượng và cái nhìn khoáng đạt với tất cả những gì đang tồn tại như là sự hiển nhiên vốn có của nó.

Khi Lisa ủng hộ cho sở thích đọc tạp chí thời trang, thậm chí là sở thích mặc váy và ý định giả gái của Dennis, thì thầy hiệu trưởng đã chấm dứt tất cả bằng một mệnh lệnh hà khắc là đuổi học, điều này có nghĩa là hành động giả gái của Dennis là điều gì đó không thể chấp nhận được.

Nếu như Lisa đến với Dennis như một món quà sưởi ấm trái tim cô đơn nơi cậu bé, thì thầy hiệu trưởng lại như một đòn giáng vô tâm, khắc nghiệt vào trái tim đầy tổn thương của Dennis.

Nếu như Lisa đến với Dennis như một món quà sưởi ấm trái tim cô đơn nơi cậu bé, thì thầy hiệu trưởng Hawtrey lại như một đòn giáng vô tâm, khắc nghiệt vào trái tim đầy tổn thương của Dennis.

Thật may, cuối cùng, lòng bao dung, sự rộng lượng cũng mang hạnh phúc đến cho người xứng đáng.

Dù nghịch ngợm và đôi lúc hơi bướng bỉnh, Dennis thực chất là một đứa trẻ có trái tim ấm áp, hiểu chuyện và rộng lượng. Chẳng vậy mà, không biết bao lần bố đã nổi nóng vô cớ với cậu bé, nhưng Dennis chưa từng giận ông. Cậu biết rằng sau khi mẹ bỏ nhà đi, cũng như cậu, bố đã chịu rất nhiều tổn thương. Thế nên, Dennis luôn an ủi bố mỗi khi cậu cảm nhận thấy ông đang buồn.

Khi phát hiện tờ tạp chí Vouge mà Dennis giấu dưới đệm với hình ảnh một người mẫu mặc chiếc váy hoa in trên trang bìa, bố Dennis bất chợt nhớ đến hình bóng người vợ và trong một thoáng ông dường như sắp khóc. Chính lúc ấy, “Dennis khẽ nói: ‘Không sao đâu bố’ và từ từ đưa tay ra đặt lên tay bố. Cậu nhớ từng làm vậy với mẹ khi bố làm mẹ khóc.

Rõ ràng, Dennis rất yêu bố, đó là tình yêu của một con người nhỏ bé nhưng trái tim thì đầy bao dung và rộng lớn, một tình yêu chất chứa tình thân và khát khao được hồi đáp.

 “Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc ảnh 4

Chính sự bao dung ấy, cùng những lời nói ấm áp của cậu bé như một phép màu đối với ông bố cục cằn, giúp xoa dịu nỗi đau và sự hằn học trong ông, khiến ông học cách quên đi câu chuyện buồn trong quá khứ để sống một cuộc đời khác, một cuộc đời ý nghĩa hơn với gia sản lớn nhất là hai đứa con. Cuối cùng, ông đã dành cho hai cậu con trai tình yêu thương mà chúng khao khát bấy lâu.

Ông đã đến xem trận đấu bóng của Dennis - việc mà ông chưa từng làm trước kia, ngay cả khi cậu mặc váy, đá bóng và chiến thắng trên sân cỏ, với niềm tự hào căng tràn lồng ngực: “Sims. Và nó là Dennis Sims. Con trai tôi… Và tôi là bố nó, và tôi vô cùng tự hào.

Lúc về nhà, ông thò tay vào túi áo, lôi ra tấm ảnh cả nhà chụp trên bãi biển và rằng: “Bố không nỡ đốt nó, con trai. Chỉ là bố quá đau lòng khi nhìn những bức ảnh như thế này… Nhưng bức ảnh này là của con, Dennis ạ. Con giữ nó nhé”. Ông đã chấp nhận thực tại đau thương và nhận ra hạnh phúc thực sự, tài sản lớn nhất trong cuộc đời mình chính là hai đứa con.

Hay trước khi tiếp tục ra khỏi nhà cho chuyến chở hàng tiếp theo, ông không quên gửi lại cho hai đứa con những lời nói ngập tràn tình yêu - điều mà bấy lâu ông chưa từng nói hay làm: “Bố rất tự hào vì các con, con biết đấy. Dù có làm gì hai đứa vẫn mãi là con bố. Hai đứa là tất cả của bố”.

Chính tình bạn, sự bao dung của Lisa, của Darvesh và ngay cả của mẹ Darvesh trước sở thích mặc váy "khác biệt" của Dennis đã khiến cậu bé cảm thấy ấm áp và dũng cảm đối mặt với những định kiến hà khắc đang bủa vây.

"Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Cậu ấy vẫn là bạn cháu." Darvesh đã tới tận nhà và gửi lời động viên Dennis như vậy khi cậu bạn buồn bã, thất vọng vì bị đuổi học.

 “Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc ảnh 5  “Cậu bé mặc váy”: Tình thương và sự bao dung là cầu nối của hạnh phúc ảnh 6

Câu chuyện đặc biệt lôi cuốn trẻ em với một vài chi tiết rất hài hước, mang đậm phong cách văn chương của David Walliams, đó là việc thầy hiệu trưởng Hawtrey bị phát hiện giả gái khi ra quầy báo mua cuốn tạp chí, mà cũng chính bởi bị phát hiện vì sự “khác biệt” ấy của mình mà thầy phải cho Dennis quay lại trường học và tiếp tục chơi bóng đá; hay bác Raj - người bán báo vui tính cũng giả gái bán báo để làm cuộc sống của mình trở nên thú vị hơn. Mặc dù là những chi tiết mang tính hài hước, nhưng ẩn sau đó lại là thông điệp đầy nhân văn về định kiến và việc phá bỏ định kiến.

Như chính bác Raj từng nhận xét: “Những người hay vội vàng đưa ra đánh giá,… là thường tồi tệ hơn nhiều so với người bị họ đánh giá”. Phải chăng, định kiến chính là một sự quy chụp và bình phẩm quá vội vàng mà nên được xóa bỏ để nhường chỗ cho lòng bao dung và hạnh phúc.

Chỉ vẻn vẹn gần 200 trang sách, bằng giọng văn dí dỏm mà sâu sắc, David Walliams đã kể một câu chuyện với đầy đủ bi hài, nhẹ nhàng mà thâm thúy, để lại bài học cho các bạn nhỏ về lòng bao dung, về ước mơ, về tình bạn, tình thân; cũng là lời nhắn nhủ sâu sắc tới các bậc phụ huynh về sự quan tâm và cái nhìn rộng lượng dành cho con cái. Tình thương và sự bao dung sẽ là cầu nối của hạnh phúc.

back to top