Cấp tốc khống chế dịch bệnh ở Cà Mau

NDO -

Tình hình dịch bệnh đang “nóng” từng ngày ở thành phố Cà Mau - nơi được xem là “đầu não” về chính trị-kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau. Trong vòng 10 ngày qua, tổng ca mắc Covid-19 toàn thành phố hơn 2.100, trong đó hơn 1.200 ca cộng đồng. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau họp khẩn cấp xử lý tình hình F0 đang tăng cao ở thành phố Cà Mau.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau họp khẩn cấp xử lý tình hình F0 đang tăng cao ở thành phố Cà Mau.

Với tổng số F0 nêu trên, thành phố Cà Mau trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chỉ riêng trong 6/12, toàn tỉnh có thêm 639 F0 thì thành phố Cà Mau đã có đến 288 ca, chiếm hơn 45% số ca mắc toàn tỉnh. F0 tăng nhanh khiến 17 xã, phường trên địa bàn toàn thành phố chuyển sang cấp độ dịch màu cam (cấp 3).

Tại cuộc họp khẩn vào sáng 7/12 với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, người đứng đầu chính quyền thành phố Cà Mau cho biết, phần lớn ca nhiễm là lao động từ công ty, doanh nghiệp lây lan cộng đồng dân cư. Ngay cả lực lượng làm nhiệm vụ, đến nay đã có 42 cán bộ, công chức thành phố bị lây nhiễm, sau đó lây cho người thân trong gia đình. “Nếu không khống chế được số ca F0 gia tăng thì trong vòng 1 tuần tới đây, nhiều khả năng y tế các xã, phường của thành phố sẽ quá tải”, Chủ tịch thành phố Cà Mau Lê Tuấn Hải nhìn nhận.

Đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 12.300 ca mắc Covid-19 (bình quân 120 ca mắc/100 nghìn dân) và đang điều trị hơn 6.000 ca F0. Trong số đó, điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện là 1.910 ca trong tổng số năng lực tiếp nhận điều trị toàn tỉnh là 2.230 giường. Với thực tế nêu trên thì hiện tại, Cà Mau chỉ còn hơn 300 giường điều trị F0 tại các cơ sở y tế, khả năng sẽ quá tải trong 1 hoặc 2 ngày tới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, sau khi tăng độ phủ vaccine, một bộ phận không nhỏ người dân lơ là, chủ quan, chưa thực hiện tốt 5K, cả việc tụ tập đông người để liên hoan, đám tiệc nhưng không bảo đảm khoảng cách theo quy định… nhưng lực lượng làm nhiệm vụ chậm phát hiện và chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm. Đây chính là nguyên nhân chính làm lây lan nhanh dịch bệnh. “Những tồn tại, hạn chế trên cần phải ngăn chặn, loại bỏ ngay nếu không muốn hệ thống y tế “vỡ trận” và thêm nhiều người bệnh tử vong”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh, UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay những nội dung quy định trong Quyết định 222 của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời cụ thể hóa các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch để phù hợp tình thực tế.

Sở Y tế Cà Mau có nhiệm vụ rà soát lại nguồn nhân lực, vật lực… để điều động về cơ sở, đồng thời giao rõ trách nhiệm mỗi cán bộ y tế cơ sở quản lý, tư vấn, hỗ trợ bao nhiêu F0 điều trị tại nhà, không giao nhiệm vụ một cách chung chung. Với các bệnh viện tuyến tỉnh, cần rà soát lại nhân lực, thiết bị để sẵn sàng đáp ứng bệnh nhân ở tầng 2 và 3, hạn chế thấp nhất số bệnh nhân tử vong.

Ngành chức năng và chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm 5K, bảo đảm khoảng cách, không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết và chủ động trang bị kít test nhanh để tự sàng lọc. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý các trường hợp vi phạm làm lây lan dịch bệnh.

Riêng toàn thành phố Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng, cần áp dụng cấp độ 3 tăng cường, vì tỷ lệ mắc hiện rất cao. Đi kèm với đó là các biện pháp hạn chế người ra đường; tính toán lại số lượng người làm việc tại các cơ quan công quyền; vận động, khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán mang về và thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”; tăng cường tiêu độc, khử trùng và kiểm soát chặt người ra vào chợ…