Cấp phát thuốc methadone nhiều ngày mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân

NDO -

Sáng 5-4, Cục phòng, chống HIV/AIDS phối hợp Sở Y tế Hải Phòng khởi động triển khai thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Việc cấp phát thuốc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn bảo đảm thời gian cho công việc.

PGS, TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS.
PGS, TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS.

PGS, TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đang được coi là giải pháp ưu việt nhất, đã được triển khai từ năm 1965 và mở rộng ra hơn 80 quốc gia.

Tại Việt Nam, sau hơn 12 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cũng đã bộc lộ một số hạn chế đó là tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực, tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị khá cao.

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã được triển khai từ năm 2008.

Tính đến nay, cả nước có hơn 52 nghìn người bệnh đang được điều trị methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh/thành phố. Độ bảo phủ của chương trình đã đạt tới 28% tổng số người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 80%).

"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Một số người bỏ điều trị do đặc thù công việc như là công nhân nên không có thời gian đi uống thuốc hằng ngày trong giờ hành chính; hoặc lái xe, ngư dân phải đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hằng ngày; hoặc một số người bệnh không thể tuân thủ điều trị do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất…", Phó Cục trưởng cho hay. 

Để giảm vấn đề bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc methadone về sử dụng tại nhà.

Theo PGS, TS Phạm Đức Mạnh, việc cho người bệnh mang thuốc methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn bảo đảm thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị methadone. Việc cấp thuốc methadone cho người bệnh mang về cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như Covid-19.

"Với những lý do đó, Bộ Y tế có chủ trương cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về điều trị. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam nên việc triển khai cần bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng, do vậy chúng ta cần phải triển khai thí điểm", ông Mạnh cho hay. 

Sau một thời gian dài tích cực chuẩn bị kể cả về khung pháp lý, hướng dẫn chuyên môn và được phép của Bộ Y tế, sáng nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp Sở Y tế Hải Phòng tổ chức sự kiện “khởi động cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện” tại TP Hải Phòng.

Cấp phát thuốc methadone nhiều ngày mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân -0
 TS Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng.

TS Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, hiện nay Hải Phòng đang quản lý hồ sơ của gần sáu nghìn người mang HIV/AIDS, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Năm 2008, Hải Phòng cũng triển khai điều trị methadone và đến nay đã điều trị hơn 40 nghìn người, đạt 85%. 

Việc tham gia chương trình triển khai thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị cai nghiện các dạng thuốc phiện là quyết tâm đổi mới công tác cai nghiện ma túy của TP Hải Phòng. Hải Phòng sẽ có 440 bệnh nhân được cấp phát thuốc về nhà. Trong đợt 1, có 25 người bệnh được mang thuốc về nhà từ 1-6 liều/tuần. Sau đó những người này được đánh giá tuân thủ điều trị. 

Anh Đặng Minh Tuấn, bệnh nhân hiện đang điều trị methadone tại cơ sở Lê Chân, Hải Phòng cho biết, chương trình cấp phát thuốc nhiều ngày sẽ giúp cho hành trình điều trị bệnh của anh và nhiều bệnh nhân khác sẽ có nhiều khởi sắc. "Chúng tôi sẽ được làm công việc phù hợp với bản thân mà không phải phụ thuộc việc lấy thuốc điều trị hàng ngày", anh Tuấn nói. 

Trong sáng nay, cùng với Hải Phòng, hai tỉnh khác là Lai Châu và Điện Biên cũng chính thức được lựa chọn khởi động và bắt đầu cấp thuốc cho người bệnh mang về. 

Điện Biên thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh sử dụng tại nhà

Ngày 5-4, tại trung tâm TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Sở Y tế Điện Biên tổ chức chương trình “Khởi động cấp phát thuốc thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện”.

(tin ghép) Điện Biên thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh sử dụng tại nhà -0
 Cán bộ y tế tư vấn, kê đơn cho người bệnh tham gia Đề án cấp thuốc Methadone. (Ảnh: LÊ LAN)

15 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở điều trị Methadone Noong Bua đã qua các khâu xét chọn kỹ càng được cấp thuốc cách ngày. Trong tháng khởi đầu thực hiện, người bệnh được nhận thuốc cách ngày một lần (tức nhận một liều mang về cho ngày hôm sau, một liều uống tại cơ sở). Cơ sở cấp thuốc theo dõi, nếu người bệnh thực hiện tốt, hằng tháng sẽ được tăng liều nhận lên đến sáu liều cho cả tuần.

Theo kế hoạch thực hiện Đề án, từ nay đến hết năm 2021, toàn tỉnh Điện Biên sẽ có hơn 300 người bệnh của chín cơ sở điều trị, cấp phát thuốc thuộc TP Điện Biên Phủ và hai huyện Mường Ảng, Điện Biên được lựa chọn tham gia chương trình.

Thống kê của Công an tỉnh Điện Biên, thời điểm cuối năm 2019, toàn tỉnh có 9.130 người nghiện ma túy; trong đó 182 người nghiện đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh; có 2.514 bệnh nhân đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và 6.438 người nghiện ở ngoài xã hội.

Để hỗ trợ người nghiện ma túy có điều kiện cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế gánh nặng cho gia đình, xã hội từ năm 2011 đến nay, tỉnh Điện Biên triển khai tám cơ sở điều trị (CSĐT) và 35 cơ sở cấp phát (CSCP) thuốc Methadone tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Chà, Tủa Chùa, thị xã Mường Lay, TP Điện Biên Phủ, Trung tâm Chữa bệnh - Lao động xã hội tỉnh, Trung tâm Chữa bệnh - Lao động xã hội Điện Biên Đông.

Trong tổng số bệnh nhân đã tham gia điều trị từ năm 2011 (6.421 bệnh nhân) đến cuối năm 2020 có 3.219 bệnh nhân tự bỏ điều trị do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do gặp khó khăn trong đi lại, vì từ nhà đến các cơ sở điều trị cấp thuốc Methadone quá xa, không có phương tiện đi lại, đa số bệnh nhân không có công việc và thu nhập ổn định, phải đi làm ăn xa trong thời gian nông nhàn, trong khi quy định chỉ cấp thuốc trong ngày đã phần nào ảnh hưởng đến việc tham gia và tuân thủ điều trị. Do vậy, khi triển khai cấp thuốc Methadone dài ngày để người bệnh đem về được đánh giá tạo thuận lợi hơn cho người bệnh và hy vọng kết quả điều trị cao hơn.