Cao tốc và cơ hội mới của Lâm Đồng

Qua phân tích, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, các địa phương có đường cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, đời sống nhân dân được nâng cao, đồng thời tạo thế và lực mới cho các địa phương. Điều đó cũng là ước vọng, khát khao của chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm cuối trên tuyến cao tốc Liên Khương-Brenn, tỉnh Lâm Đồng.
Điểm cuối trên tuyến cao tốc Liên Khương-Brenn, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương; trong đó đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện tại địa phương đang nỗ lực, quyết tâm cao đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công dự án, dự kiến vào tháng 9/2023.

Hiện thực hóa khát vọng

Dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140km. Đây là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, kết nối tỉnh Lâm Đồng-Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này có bốn làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Hai dự án cao tốc qua địa phận Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026.

Đây là tuyến đường ước mơ, khát vọng bấy lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, nhằm giải tỏa sự “ngột ngạt”, quá tải của tuyến Quốc lộ 20 hiện nay, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông, giao thương nhanh chóng và tạo động lực phát triển trên nhiều lĩnh vực. “Cao tốc Dầu Giây-Liên Khương là ước mơ và khát vọng của nhân dân và chính quyền địa phương. Khi tuyến cao tốc hình thành, đi vào hoạt động sẽ định hình tương lai phát triển mới, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo tỉnh Lâm Đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chia sẻ.

Tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang đi đến giai đoạn hoàn tất thủ tục để tổ chức lễ khởi công, từng bước hiện thực hóa giấc mơ cao tốc lên đại ngàn nam Tây Nguyên, tạo dấu mốc quan trọng trên hành trình xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng, “định vị” giá trị địa phương trên bản đồ thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Duy Lạng, cựu cán bộ ngành giao thông vận tải Lâm Đồng, cho rằng: “Dự án cao tốc là thông tin rất vui với người dân địa phương.

Bởi, sự trắc trở về giao thông sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và cả động lực đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Đường cao tốc có khả năng mở khóa giá trị thị trường, các yếu tố nền tảng của xã hội sâu rộng”. Tương tự, với những cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề khác, khi được hỏi về giá trị của tuyến cao tốc đều khẳng định: “Tuyến cao tốc này khi hoàn thành, sẽ định hình “tương lai mới” của Lâm Đồng”.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương sẽ tạo làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch và phát triển đô thị; tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm chi phí logistics…

“Cao tốc sẽ tác động thay đổi cơ cấu kinh tế, ngành du lịch-dịch vụ sẽ tăng đột biến trong tương lai. Đặc biệt là các loại hình dịch vụ cao cấp, có xu hướng phát triển mà trước đây chưa khai thác, như công nghiệp văn hóa, điện ảnh, âm nhạc; công nghiệp thời trang và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp...”, Tiến sĩ Phạm S dự báo.

Cần “gỡ khó” để triển khai dự án

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, quy hoạch giao thông vận tải vùng Tây Nguyên được nghiên cứu dựa trên tiềm năng, lợi thế và nhất là điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng này, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về năng lực vận tải. Trong đó, tập trung các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn, nhằm rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang này.

Dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư năm 2022. Tuyến đường dài khoảng 66km (đoạn qua Lâm Đồng là 55km); dự kiến tổng mức đầu tư là 17.200 tỷ đồng, gồm vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn sở hữu các nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng và vốn huy động khác.

Dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương dài 73,6km, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng, gồm vốn Nhà nước là 7.761 tỷ đồng, vốn sở hữu các nhà đầu tư là 1.764 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn khác. Tuy nhiên, cả hai dự án cao tốc này đều đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, cần sớm được “khơi thông”.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn, về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu mới đây, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc nêu ra những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Đoàn công tác ghi nhận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ chín vấn đề; trong đó có các kiến nghị liên quan đến hai dự án đường cao tốc nêu trên, như đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương cho dự án xây dựng cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, với số vốn 2.000 tỷ đồng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP), tỉnh đề nghị xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng.

Tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút nguồn vốn huy động khác từ các nhà đầu tư, hoặc các ngân hàng và tổ chức tín dụng, nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi dự án.

Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương. Cùng những vướng mắc liên quan thời hạn cho vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP.

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với một số gói thầu tư vấn thuộc dự án, như thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, tư vấn thăm dò khoáng sản để cấp phép khai thác các mỏ vật liệu...