Cao tốc bắc-nam phía đông hối hả cuối năm

NDO -

Những ngày cuối năm, trên công trường, các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông dường như hối hả hơn, sôi động hơn. Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực tăng mũi thi công, làm ba ca liên tục, phấn đấu đưa dự án về đích đạt và vượt tiến độ chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Nhà thầu huy động nhân lực triển khai thi công cầu Núi Đọ thuộc dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn. (Ảnh: QUANG HƯNG)
Nhà thầu huy động nhân lực triển khai thi công cầu Núi Đọ thuộc dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn. (Ảnh: QUANG HƯNG)

Tuy vậy, chất lượng công trình vẫn là đòi hỏi cao nhất, được đặt lên hàng đầu, quyết không vì mục tiêu tiến độ mà cho phép sơ suất, làm ẩu tại bất kỳ hạng mục nào.

Nỗi lo nền đất yếu

Dự án cao tốc bắc-nam, đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 có tổng chiều dài hơn 63 km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 120km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Được khởi công từ tháng 9/2020, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, không còn vướng mắc.

Giám đốc điều hành Lương Văn Long cho hay, dự án đang bước vào giai đoạn thi công móng, mặt đường. Gói thầu số 11-XL đã triển khai thi công móng cấp phối đá dăm. Các gói thầu còn lại đang chuẩn bị thi công móng mặt, tiến tới thảm bê tông nhựa từ tháng 3/2022. “Đường găng” trong năm 2022 này của dự án chính là công tác đắp nền lớp K95 và móng mặt, chủ đầu tư phải điều hành, tính toán, xây dựng kế hoạch hợp lý về thời gian và kỹ thuật để phần thi công móng mặt không bị dồn vào giai đoạn cuối.

Cao tốc bắc-nam, cuối năm hối hả -0
Thi công dự án Mai Sơn-quốc lộ 45. (Ảnh: Quang Hưng) 

“Trong bối cảnh hiện nay, dự án phải bảo đảm song song hai nhiệm vụ, vừa triển khai thi công đạt tiêu chuẩn, tiến độ, vừa đáp ứng, tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định và hoàn thành dự án trong năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải”, ông Long đánh giá.

Trên toàn dự án, các nhà thầu đang triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu, tổng sản lượng đạt khoảng 3.000 tỷ đồng (hơn 44% giá trị xây lắp theo hợp đồng), cơ bản đáp ứng theo kế hoạch. Hai hạng mục hầm của dự án gồm hầm Tam Điệp vượt tiến độ khoảng 5-6 tháng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4 hoặc tháng 5/2022; hầm Thung Thi đã thông cả hai ống hầm, dự kiến vượt tiến độ 3 tháng.

Theo nhận định của ông Lương Văn Long, tại dự án Mai Sơn-quốc lộ 45, khó khăn, nỗi lo tiềm ẩn lớn nhất về tiến độ và chất lượng dự án chính là xử lý hơn 22 km đất yếu (chiếm hơn 1/3 chiều dài) bởi khó kiểm soát được kết cấu, địa chất ở phía dưới. Mặt khác, công tác kiểm soát vật liệu đầu vào tại mỏ, lấy mẫu theo tần suất tại dự án cần phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc mới giúp loại bỏ các nguồn vật liệu không bảo đảm chất lượng lọt vào dự án.

“Tất cả thông số dữ liệu đầu vào chỉ là giả định trên cơ sở khoan địa chất. Các đơn vị nhà thầu phải liên tục đo đạc, theo dõi để đưa ra quyết định thi công phù hợp, nếu lún hay nghiêng có vấn đề bất thường phải dừng lại để đánh giá. Do đó, chủ đầu tư yêu cầu tư vấn và nhà thầu đặc biệt quan tâm, khắt khe về quan trắc lún, thời gian chờ lún kéo dài 6-12 tháng, nếu không có phương án hợp lý, chắc chắn tiến độ sẽ bị trễ”, ông Long nhấn mạnh.

Tại dự án cao tốc quốc lộ 45-Nghi Sơn (nối tiếp dự án Mai Sơn-quốc lộ 45) do Ban Quản lý dự án 2 là đại diện chủ đầu tư, Giám đốc quản lý dự án Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng bày tỏ lo ngại về nền đất yếu. Nền đất yếu chủ yếu được xử lý bằng bấc thấm, cọc cát và phải bảo đảm thời gian gia tải kéo dài từ 6 tháng tới một năm. Dự án đi qua huyện Nông Cống (Thanh Hóa) dài 20 km là nền đất yếu, thực tế triển khai thi công đã vấp phải nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ, đặc biệt là thời gian gia tải kéo dài.

Chất lượng - ưu tiên hàng đầu

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), hiện nay, một số dự án thành phần cao tốc bắc-nam như đoạn Cam Lộ-La Sơn đã đạt sản lượng thi công hơn 70%; cầu Mỹ Thuận đạt 45,5%; đoạn Phan Thiết-Dầu Giây đạt 25,9%; Cao Bồ-Mai Sơn đạt 99,5% khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 1 này. Dù liên tục thúc ép tiến độ, tuy nhiên, Giám đốc điều hành các dự án cao tốc đều khẳng định, chất lượng dự án mới là ưu tiên hàng đầu bởi ngành giao thông vận tải vừa xảy ra bài học “xương máu” của dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi khiến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý. “Đối với dự án trọng điểm cao tốc bắc-nam, tiến độ có thể chậm do nguyên nhân khách quan, song chất lượng thì tuyệt đối không để bất kỳ lý do gì ảnh hưởng”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định.

Cao tốc bắc-nam, cuối năm hối hả -0
Nhà thầu huy động nhân lực triển khai thi công cầu Núi Đọ thuộc dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn. (Ảnh: QUANG HƯNG) 

Dự án cao tốc quốc lộ 45-Nghi Sơn gồm 3 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng, lần lượt được triển khai từ tháng 7-9/2021. Dù mất một giai đoạn khá dài phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 và thời tiết gặp mưa nhiều, song chủ đầu tư cùng nhà thầu đã nỗ lực bám sát công trường, tranh thủ thi công, bù lấp tiến độ. Đến nay, dự án đã triển khai được hơn 10% khối lượng, đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

Tại công trình cầu Yên Mỹ (huyện Nông Cống), ông Mai Hùng Mạnh, Tư vấn giám sát trưởng gói thầu XL3 cho biết, cầu Yên Mỹ bắt đầu thi công từ tháng 8/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị mặt bằng mất khá nhiều thời gian nên đến tháng 10/2021, các đơn vị mới triển khai cọc khoan nhồi. Theo kế hoạch, đến tháng 5/2023, hạng mục cầu Yên Mỹ sẽ hoàn thành nhưng các nhà thầu đã đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ 2 tháng, phấn đấu hoàn thành vào tháng 3/2023.

Theo kỹ sư Lê Hải Đăng, cán bộ kỹ thuật, đại diện nhà thầu Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), vấn đề khó nhất ở dự án này là thi công dưới lòng hồ và chỉ triển khai thi công được ở một phía nên nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát phải thường xuyên trao đổi về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và huy động nhân lực, thiết bị làm việc 3 ca để bảo đảm tiến độ dự án.

Tại công trường thi công cầu Núi Đọ, dài 1,9 km bắc qua sông Chu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) thuộc gói thầu số 14-XL (dự án cao tốc Mai Sơn-quốc lộ 45), nhà thầu đã huy động khoảng 200 công nhân chia thành 3 ca, tập trung thi công liên tục các hạng mục quan trọng của dự án như đúc dầm, thi công thân trụ, lao lắp dầm. Kỹ sư Thân Văn Sâm, giám sát an toàn gói thầu số 14 của nhà thầu Trung Nam E&C cho biết, cầu Núi Đọ có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2021, phấn đấu hoàn thành tháng 12/2022. Đến nay, dự án đạt khoảng 50% gói thầu, đã lao được một số dầm Super T nối giữa các nhịp phía bờ nam tại xã Tân Châu. “Trong quá trình triển khai, do địa hình trải dài trên sông, các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn về tập kết nguyên vật liệu vào công trường, song với nỗ lực lớn của nhà thầu và Ban Quản lý dự án Thăng Long, các hạng mục khó nhất của cầu như 2 mố thân trụ dưới sông, lao lắp một số nhịp dầm cầu cạn hiện đã hoàn thành và bám sát theo tiến độ tổng thể đề ra”, ông Sâm cho biết.

Cao tốc bắc-nam, cuối năm hối hả -0
Hầm Tam Điệp. (Ảnh: Quang Hưng) 

Tại nhiều cuộc họp và trực tiếp thị sát các công trình giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể luôn nhắc nhở và đưa ra thông điệp yêu cầu các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đặc biệt quan tâm đến chất lượng dự án cao tốc bắc-nam. “Không thi công đốt cháy giai đoạn, không được để lọt bất cứ khâu nào về chất lượng. Tôi luôn nhắc nhở, mỗi dự án luôn có sự giám sát của nhân dân. Chúng ta có thể rút ngắn về thời gian nhưng không thể đánh đổi bằng chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công trường triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh: "Đường cao tốc bắc-nam là dự án trọng điểm quốc gia mà Quốc hội, Chính phủ quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Thực tế chứng minh, cao tốc đi đến đâu, kinh tế-xã hội địa phương đó phát triển, vị thế được nâng lên. Các đơn vị, cơ quan cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, thay đổi tư duy để đẩy nhanh tiến độ, công trình hoàn thành sớm ngày nào, giá trị mang lại lớn chừng đó. Công trình đường cao tốc về đích sớm, hàng vạn dân được hưởng lợi”.