Thậm chí có nhiều thông tin, hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép được tung ra kèm lời bình khiếm nhã đã gây ra sự hoang mang trong dư luận. Nhiều cá nhân, tổ chức còn cố tình giật tít gây sốc bằng những ngôn từ mang tính kích động, tạo ra sự hiểu nhầm và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Một số nội dung được các đối tượng phản động, chống đối xuyên tạc, chỉ trích chính quyền, lực lượng công an nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Nhiều đối tượng bị xử phạt
Trước tình trạng nhiều cá nhân đăng tải thông tin sai lệch về vụ việc ở Đắk Lắk, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận khiến các cơ quan chức năng của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý. Các hành vi vi phạm phổ biến là đăng tải video không đúng sự thật về vụ việc trên Tiktok để câu like; cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin bịa đặt, xuyên tạc; đăng tải thông tin kích động gây mất an ninh trật tự, xúc phạm danh dự lực lượng công an nhân dân và các lực lượng khác đang trong quá trình tham gia truy bắt các đối tượng hoặc sử dụng tài khoản Facebook để bình luận vô căn cứ…
Đến nay, lực lượng công an các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp đăng tải tin giả, tin sai sự thật liên quan đến vụ việc gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk trên mạng xã hội. Ngày 13/6, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với L.Q.C (trú tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) và N.H.T (trú tại thành phố Hà Tĩnh) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk.
Cùng ngày, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Nam có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.R (38 tuổi, ở thành phố Hội An, Quảng Nam) về hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân. Ngày 16/6, Công an huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đã xử phạt 5 triệu đồng đối với N.C.C (30 tuổi, trú tại thôn 4, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) về hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Trước đó, C sử dụng tài khoản Tiktok cá nhân đăng tải nhiều video không đúng sự thật về vụ tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin với các tiêu đề câu like như “Cận cảnh Bộ Công an đã điều chiến đấu cơ Su30 đến Đắk Lắk để tiêu diệt bọn khủng bố”, danh sách danh tính các đối tượng… làm nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng. Qua kiểm chứng, những hình ảnh, video trên là hình ảnh của buổi diễn tập tháng 4/2023. Tại cơ quan công an, C thừa nhận do sự thiếu hiểu biết, ham “câu” like, follow nên đã lấy video máy bay quân sự và các hình ảnh không rõ nguồn gốc trên mạng, viết caption và đăng tải…
Đây là 4 trong hàng chục trường hợp đăng thông tin thất thiệt, tin giả, tin sai sự thật về vụ việc ở huyện Cư Kuin trên mạng xã hội. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, hầu hết các trường hợp vi phạm đều thừa nhận do bản thân chưa tìm hiểu kỹ, nhận thức hạn chế cho nên đã sử dụng tài khoản cá nhân đăng tải, chia sẻ những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín của chính quyền, lực lượng công an, đồng thời tự nguyện gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hiệp cho biết: Vụ việc xảy ra ở huyện Cư Kuin đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Vì vậy, người dân tuyệt đối không được đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, thông tin chưa được kiểm chứng... lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mọi hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt, thông tin kích động bạo lực, thông tin miêu tả tỉ mỉ những hành vi tội ác... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đấu tranh, phản bác tin xấu, độc
Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc gây mất an ninh trật tự ở địa phương, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo ra sự hiểu nhầm và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Một số nội dung được các đối tượng phản động, chống đối xuyên tạc, chỉ trích chính quyền, lực lượng công an nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước tình hình đó, huyện đã kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ trên địa bàn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, nhất là trong thời điểm chúng đang triệt để lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byăk cho biết: Để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có thư kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, không đăng tải, chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng và gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không tin, không theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình để xuyên tạc, lôi kéo, chống đối chính quyền địa phương gây mất an ninh chính trị...
Có thể thấy rằng, tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong thời đại số. Tuy nhiên, khi tham gia mạng xã hội là để khai thác những thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau nhưng rất cần tránh việc bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin. Vì vậy, mỗi công dân là một chiến sĩ trên mặt trận thông tin, cần đấu tranh, phản bác đối với những thông tin giả, tin không đúng sự thật.
Bởi lẽ, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia không phải trách nhiệm của riêng ai mà là sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Khi phát hiện thông tin không đúng sự thật cần tẩy chay, không chia sẻ, dẫn về trang cá nhân của mình, tránh gây tình trạng hoang mang dư luận; đồng thời có trách nhiệm sàng lọc, tiếp nhận thông tin sao cho phù hợp, bảo đảm yếu tố chân thực, phủ nhận, phản bác những luồng thông tin giả mạo, sai sự thật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng, sau khi xảy ra vụ việc nêu trên, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an và Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cùng các cơ quan, ban, ngành, địa phương; nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ hết mình của nhân dân trên địa bàn huyện, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng công an đã bắt, vận động đầu thú và khởi tố 85 đối tượng tham gia vụ việc.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng quyết định truy nã đặc biệt 5 bị can liên quan đến vụ việc về tội danh: “Khủng bố nhằm chống phá chính quyền nhân dân”. Cùng với đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã kịp thời thực hiện các chế độ chính sách, tổ chức thăm viếng, chia buồn, động viên người nhà các đồng chí cán bộ xã, công an xã hy sinh, bị thương và người dân bị tử vong. Đến nay, đời sống của nhân dân đã bình yên, bà con ổn định tư tưởng, tiếp tục học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh… xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.