Cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch

Tòa án nhân dân tỉnh Ðắk Lắk vừa đưa ra xét xử công khai 100 bị cáo trong vụ khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân xảy ra vào đêm 10, rạng sáng 11/6/2023 trên địa bàn huyện Cư Kuin. Theo dõi phiên tòa, đồng bào các dân tộc ở Ðắk Lắk đồng tình với mức án của Hội đồng xét xử tuyên phạt đối với từng bị cáo theo đúng quy định pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Mục sư Y Tuân Mlô, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk (ngoài cùng bên phải) lên án hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại huyện Cư Kuin.
Mục sư Y Tuân Mlô, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk (ngoài cùng bên phải) lên án hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại huyện Cư Kuin.

Qua vụ án đã giúp đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nhận thức rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp và bình yên.

Bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Trong thời gian Tòa án nhân dân tỉnh Ðắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai các bị cáo trong vụ án khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân xảy ra ở huyện Cư Kuin, hằng ngày già làng Y Dhêc Ayun ở buôn Kwăng A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ đều dành thời gian theo dõi diễn biến phiên tòa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo già làng, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở Tây Nguyên. Già làng Y Dhêc cho rằng, hình phạt mà tòa đã tuyên đối với từng bị cáo gây ra vụ việc là đúng người, đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Việc xét xử và bản án nghiêm minh đối với những kẻ khủng bố, chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân vừa buộc chúng đền tội, vừa có tác dụng răn đe, giáo dục với những ai đang mộng tưởng và có ý đồ chính trị đen tối, chống chính quyền, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Bản án cũng thể hiện sự khoan hồng của Ðảng, Nhà nước đối với các đối tượng đã nhận ra việc làm sai trái, vi phạm pháp luật và ăn năn hối cải. “Vụ án này là bài học xương máu, là sự cảnh tỉnh đối với những ai còn mộng tưởng về một “Nhà nước Ðêga” như các đối tượng phản động tuyên truyền, rêu rao”, già Y Dhêc chia sẻ.

Ông Y Ngoét Kbuôr ở buôn Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, bản án dành cho các bị cáo là hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, nếu các bị cáo mà tỉnh táo, cảnh giác, suy nghĩ thấu đáo, không nghe, không tin, không làm theo sự tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, kích động của các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài thì không có sự việc đau lòng như ngày hôm nay.

Trong lúc đất nước ta đang ổn định, kinh tế phát triển và đời sống người dân nói chung, trong đó có người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày càng đi lên, vậy mà chỉ vì sơ suất mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ, xúi giục của các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài, các bị cáo đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc sống bình yên của buôn làng để mang tội với Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Ðến nay, vụ án đã được xét xử, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và tính nhân văn, nhân đạo của Ðảng và Nhà nước ta. Mong rằng, đồng bào các dân tộc ở Ðắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trực tiếp tham dự phiên tòa với tư cách đại diện cho cơ quan bị hại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) Nguyễn Kim May cho rằng: Việc đưa các bị cáo ra xét xử và bản án phán xét của tòa đối với từng bị cáo là phù hợp, đúng người, đúng tội, vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện sự khoan hồng, tính nhân văn của Ðảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên tòa thì vừa thấy giận, lại vừa thương. Giận vì các bị cáo đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề, để lại sự đau thương, mất mát không có gì bù đắp được cho các gia đình bị hại. Thương vì phần lớn các bị hại đều ở vùng sâu, vùng xa, trình độ, nhận thức còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn nên bị các đối tượng phản động lưu vong lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, kích động, thậm chí một số bị cáo bị đe dọa buộc phải tham gia vụ việc.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều nhận ra việc làm vi phạm pháp luật của mình, ăn năn, hối cải, xin lỗi các gia đình, cơ quan, đơn vị bị hại và Ðảng, Nhà nước, mong pháp luật khoan hồng giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Nhiều bị cáo đã lên tiếng kêu gọi các đối tượng đang còn lẩn trốn ở nước ngoài hãy thức tỉnh và quay về chịu trách nhiệm trước các hành vi tội ác đã gây ra, xóa bỏ tư tưởng “li khai tự trị” để giữ gìn khối đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam…

Luật sư Dương Lê Sơn, Ðoàn Luật sư tỉnh Ðắk Lắk tham gia bào chữa cho một số bị cáo cho rằng, pháp luật đã quy định, ai có công thì được thưởng, ai có tội thì bị xử lý. Ðối với những kẻ khủng bố, có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân là phản bội đất nước, phản bội nhân dân, cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật. “Qua theo dõi trực tiếp phiên tòa và mức hình phạt đối với các bị cáo, theo tôi là đúng người, đúng tội, đúng luật pháp.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã cân nhắc, xem xét từng tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo biết ăn năn hối cải, biết nhận ra sai phạm của mình, đã thể hiện sự nhân văn, tạo cơ hội làm lại cuộc đời cho các bị cáo. Chính sự công minh, sáng suốt, công tâm của phiên tòa, các bị cáo đã tâm phục, khẩu phục và được dư luận đồng tình với án phạt mà các bị cáo gây ra”, Luật sư Dương Lê Sơn khẳng định.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

Theo kết quả điều tra cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy, chỉ vì trình độ học vấn thấp, nhận thức lạc hậu và những khó khăn trong đời tư mà các bị cáo đã nghe theo lời xúi giục, kích động của các đối tượng Fulro lưu vong ở nước ngoài thành lập cái gọi là “Lính Ðêga” rồi dụ dỗ, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin gia nhập tổ chức phản động này để hoạt động nhằm chống lại chính quyền nhân dân.

Theo sự chỉ đạo của các đối tượng lưu vong ở nước ngoài, các đối tượng trong nước đã thành lập tổ chức, xây dựng lực lượng, vừa nhận tiền từ nước ngoài gửi về, vừa vận động những người tham gia góp tiền để mua vũ khí, huấn luyện, chờ cơ hội để hoạt động chống phá với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Ðêga”. Chỉ vì với mộng tưởng “li khai tự trị” mà nhóm đối tượng đã liều lĩnh, manh động tấn công khủng bố vào trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, gây ra hậu quả hết sức nặng nề, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk, gây phẫn nộ trong nhân dân.

Mục sư Y Tuân Mlô, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk cho biết, qua theo dõi kết quả phiên tòa xét xử các đối tượng tham gia gây ra vụ việc ở huyện Cư Kuin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành điều tra, truy tố và xét xử công khai, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Với vai trò là một mục sư, hơn ai hết, mục sư Y Tuân Mlô hiểu rất rõ về bản chất, nguồn cơn dẫn tới tội ác mà nhóm bị cáo đã gây ra vào tối 10, rạng sáng 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin. “Bất kể ai khi tham gia khủng bố, gây ra tội ác, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo... đều phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khung hình phạt bản án đưa ra cho thấy vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện được tính ưu việt, nhân văn, nhân ái, sự khoan hồng của Ðảng, Nhà nước và pháp luật cho những người biết nhận ra lỗi lầm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, mục sư Y Tuân Mlô chia sẻ.

Cũng theo mục sư Y Tuân Mlô, để xảy ra sự việc đáng tiếc ở huyện Cư Kuin có một phần trách nhiệm của các mục sư trong Ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk vì chưa sâu sát với tín đồ của mình. Quan điểm của Ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk là kịch liệt lên án và không chấp nhận những việc làm vi phạm pháp luật như vậy.

Ðường hướng của Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam đề ra là “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc”. Vì vậy, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk yêu cầu mục sư quản nhiệm các chi hội, điểm nhóm Tin lành trên địa bàn tỉnh cần sâu sát hơn với các tín đồ, tuyên truyền, vận động tín đồ nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo sự xúi giục, kích động của các đối tượng phản động; đồng thời chấp hành các chủ trương, đường lối, pháp luật của Ðảng, Nhà nước; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể thi đua thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống buôn làng bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Trong những ngày cuối năm Quý Mão này, đi trên những con đường nhựa, đường bê-tông rộng rãi, sạch đẹp băng qua những nương rẫy cà-phê trổ hoa trắng xóa thơm ngát dẫn về các buôn làng ở Ðắk Lắk, không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đã rộn ràng. Năm nay, giá cà-phê tăng cao cho nên gia đình nào cũng chuẩn bị đón Tết tươm tất, phấn khởi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, các già làng cũng như mục sư Y Tuân Mlô đều khẳng định, từ sau ngày đất nước được giải phóng đến nay, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chăm lo đời sống về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Nhờ đó đến nay, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thôn, buôn nào cũng có đường nhựa, đường bê-tông; xã nào cũng có trạm y tế, trường học được xây dựng kiên cố, khang trang; phần lớn các gia đình xây dựng được nhà cửa kiên cố và có máy cày, xe máy, nhiều gia đình mua sắm được ô-tô phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Cùng với chăm lo đời sống vật chất, Nhà nước cũng đã có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tôn trọng công dân có quyền theo hoặc không theo bất kỳ tôn giáo nào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, không vì một lý do gì mà người dân nghe theo các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lôi kéo, xúi giục, kích động nhằm chống lại chính quyền nhân dân và phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và cuộc sống bình yên của đồng bào mình, đất nước mình.