Xã Đăk Trăm có hơn 95% số dân là người dân tộc Xơ Đăng. Trước đây, người dân loay hoay trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng sắn nhưng năng suất thấp, thu nhập bấp bênh khiến đời sống của họ rất khó khăn. Với quyết tâm giúp người dân thay đổi tư duy lao động sản xuất, anh A Don đã tìm tòi, nghiên cứu và tiến hành trồng thử nghiệm trên 1,3ha đất của gia đình thì nhận thấy vùng đất này rất phù hợp để trồng mía, cho năng suất cao.
Năm 2021, anh A Don tiên phong thành lập Tổ hợp tác trồng mía Y Du. Để người dân thêm niềm tin vào cây mía, anh A Don đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum để tiến hành ký kết bao tiêu sản phẩm, đồng thời triển khai cụ thể, minh bạch các chính sách của công ty với người trồng mía, như: Hỗ trợ tiền làm đất từ 3,3-4,5 triệu đồng/ha; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha tiền chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng mía; đầu tư có thu hồi giống mía, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được bảo hiểm giá thu mua 850 nghìn đồng/tấn tại ruộng mà người dân không mất tiền vận chuyển mía đến nhà máy.
Để thuyết phục người dân trong làng chuyển đổi cây trồng, xây dựng được cánh đồng mía lớn, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, anh A Don đã thuyết phục các đảng viên của chi bộ mình tại thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm đi đầu làm trước rồi kiên trì tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia.
Bí thư Chi bộ thôn Đăk Rô Gia A Ngực cho biết, sau khi đồng chí A Don trồng thử nghiệm mía thành công, các đảng viên trong chi bộ đã đi đầu chuyển đổi sang trồng mía cùng với vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Trên địa bàn xã dân trí không đồng đều, có người hiểu thì làm theo, người không hiểu thì phải đi vận động rất nhiều lần, có khi cả tháng họ mới nghe. Vụ thu hoạch mía vừa qua, năng suất trung bình đạt từ 70 đến 90 tấn/ha, trừ chi phí mỗi héc-ta, người dân thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng.
"Mấy hộ nghèo tham gia trồng mía từ ban đầu nay đã thoát nghèo. Trước kia, họ làm nhà tạm bợ, nhà tranh bây giờ nhờ có tiền bán mía, người dân đã xây dựng được nhà chắc chắn, khang trang hơn. Khi thấy kết quả như thế, nhiều hộ đã tự động đăng ký làm theo mô hình mới này", đồng chí A Ngực phấn khởi cho biết.
Sau hơn hai năm thành lập, từ vài hộ dân ban đầu, Tổ hợp tác trồng mía Y Du hiện đã thu hút hơn 150 hộ dân tham gia và hình thành được vùng trồng mía nguyên liệu rộng hơn 35ha. Hiệu quả kinh tế mà cây mía mang lại cho người trồng có sức thuyết phục rất lớn với người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trăm Nông Thị Thiệp cho biết, để người dân noi theo, 12 đảng viên của Chi bộ thôn Đăk Rô Gia đều là gương sáng trong lao động sản xuất, nhất là việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Mô hình Tổ hợp tác trồng mía Y Du do đảng viên A Don cùng các đảng viên Chi bộ thôn Đăk Rô Gia xây dựng đang tiếp tục được Đảng ủy xã chỉ đạo nhân rộng sang ba chi bộ thôn Đăk Ring, Đăk Rò và Đăk Mục.
Cùng với lợi ích kinh tế, Tổ hợp tác trồng mía Y Du do đảng viên A Don làm tổ trưởng còn góp phần giúp người dân ở xã Đăk Trăm dần thay đổi được nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như việc tuân thủ quy trình chăm sóc, thu hoạch; nâng cao trách nhiệm của người nông dân khi đã nhận đầu tư, ký cam kết với nhà máy…
Từ hiệu quả xây dựng cánh đồng mía lớn của Chi bộ thôn Đăk Rô Gia, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Đăk Trăm đang triển khai xây dựng cánh đồng dứa và một số loại cây trồng khác nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ thu nhập thấp và bấp bênh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.