Cánh chim đầu đàn trên núi cao Quan Hồ Thẩn

Ở vùng núi cao "đá nhiều hơn đất" Quan Hồ Thẩn, huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) bốn mùa sương phủ, nhắc đến Tráng Seo Xà, già làng ở đây bảo: "Nó giỏi lắm, là cánh chim đầu đàn của thanh niên và người dân bản ta đấy".
0:00 / 0:00
0:00
Tráng Seo Xà bên vườn lê của gia đình ở xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).
Tráng Seo Xà bên vườn lê của gia đình ở xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Con đường bê-tông nhỏ, len lỏi giữa núi cao và thung sâu mùa bạt ngàn hoa lê phủ trắng núi đồi dẫn chúng tôi đến nhà Bí thư Đoàn xã Quan Hồ Thẩn là Tráng Seo Xà, dân tộc H’Mông.

Vừa ở nương về, chân ủng còn lấm đất, chàng trai ngoài 30 tuổi, vạm vỡ, nở nụ cười đôn hậu: "Mình vừa ở đồi lê về, tranh thủ mưa đêm ẩm vun gốc, bón thêm phân cho lê đậu quả".

Trong căn nhà mới xây còn thơm mùi sơn, nhìn ra 3ha lê Tai Nung VH6, với những gốc lê mập mạp, đang cho thu hoạch năm thứ sáu, mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ bán quả và hoạt động tham quan du lịch cảnh quan nông nghiệp cộng đồng, mới thấy cách nghĩ mới và quyết tâm kiến tạo cuộc sống, vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương của thủ lĩnh thanh niên vùng núi cao Quan Hồ Thẩn thật đáng ghi nhận.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công đoàn Hà Nội, Tráng Seo Xà trở về quê ở thôn Lao Chải lập nghiệp. Anh tham gia công tác thanh niên ở địa phương, sau đó được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Quan Hồ Thẩn. Với trách nhiệm và tình cảm với quê hương, bằng kiến thức đã được học và sức trẻ, Tráng Seo Xà luôn xung kích đi đầu, dám nghĩ dám làm, tìm cách thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nhận thấy đất dốc, thiếu nước tưới nhưng bù lại khí hậu lạnh, nhiều sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn thích hợp với cây lê Tai Nung VH6 đã được trồng khảo nghiệm thành công ở Bắc Hà (Lào Cai), anh tiên phong đưa giống này về Quan Hồ Thẩn.

Từ thành công của mình, với hàng trăm gốc lê hằng năm thu hoạch bán ra thị trường được hàng chục triệu đồng, Tráng Seo Xà vận động và hỗ trợ giống, kỹ thuật cho hàng chục đoàn viên, thanh niên khác, như Tráng Seo Sênh, Sùng Seo Sèng , Cư Seo Dùng, Thào Seo Lù… trồng lê thay vì trồng ngô, mở rộng diện tích loại cây này. Đến nay toàn xã Quan Hồ Thẩn có hơn 200ha, với hàng nghìn cây lê đang trổ hoa và kết trái ngọt, trở thành "thủ phủ" lê ngọt của huyện Si Ma Cai và tỉnh Lào Cai.

Từ việc du khách các nơi tìm đến mùa hoa nở trắng đồi để thưởng ngoạn, anh đề xuất tổ chức "Lễ hội hoa lê" hằng năm, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tìm đến du ngoạn mỗi mùa hoa nở trắng núi đồi; kéo theo đó, bà con bán sản vật địa phương, đồ lưu niệm, làm dịch vụ du lịch để có thêm thu nhập.

Mới qua hai lần tổ chức, xã Quan Hồ Thẩn xa xôi và gian khó trên núi cao mờ sương đã thu hút hàng nghìn du khách, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho đồng bào nơi đây làm du lịch.

Quá trình công tác từ thực tiễn, Bí thư Đoàn xã Tráng Seo Xà đã tự đúc kết về các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp ở địa phương.

Anh chia sẻ: "Thanh niên xã Quan Hồ Thẩn đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, giúp cho cấp ủy, chính quyền có nhiều phương án và nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện các giải pháp, phương thức hoạt động, nhằm huy động tối đa sức trẻ làm giàu ngay trên quê hương mình".

Trò chuyện với "cánh chim đầu đàn" của tuổi trẻ vùng cao Quan Hồ Thẩn, tôi được biết thêm, Tráng Seo Xà là một trong hai cán bộ Đoàn của tỉnh Lào Cai, một trong 100 cán bộ Đoàn trên cả nước vinh dự được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. "Điều tâm đắc và quý nhất đối với tôi, đó là được cùng các bạn trẻ làm việc và cống hiến cho quê hương, được thấy quê mình ngày càng khởi sắc, tươi đẹp hơn", Tráng Seo Xà chia sẻ, ánh mắt sáng lên, tràn đầy niềm tin.