Cảnh báo về kịch bản không suôn sẻ về tăng trưởng toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới, mức tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990. IMF cảnh báo, nếu không cải thiện, tốc độ tăng trưởng chậm lại sẽ là "đòn giáng mạnh" vào các quốc gia có thu nhập thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Hội nghị mùa xuân thường niên của Hội đồng Thống đốc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF năm 2023 được tổ chức tại Washington (Mỹ) từ ngày 10 đến 16/4.

Tại cuộc gặp năm nay, các quan chức ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính, giám đốc điều hành khu vực tư nhân cùng giới chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề toàn cầu rất "nóng" hiện nay, đó là triển vọng kinh tế thế giới, nỗ lực giảm đói nghèo, nâng cao hiệu quả viện trợ. Cuộc gặp của giới chuyên gia tài chính năm nay được dự báo rất khó khăn trong bối cảnh loạt ngân hàng tại Mỹ và châu Âu sụp đổ, chia rẽ địa chính trị sâu sắc tiếp tục đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.

Phát biểu ngay trước thềm hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021, nền kinh tế thế giới hứng chịu cú sốc nghiêm trọng từ cuộc xung đột ở Ukraine. Tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đã giảm gần một nửa, từ 6,1% xuống còn 3,4%. Ðà tăng trưởng được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm 2023. IMF dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức dưới 3% vào năm 2023.

IMF cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm quốc gia. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á, là những điểm sáng về động lực tăng trưởng. Ấn Ðộ và Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023. Trong khi đó, hoạt động kinh tế chậm lại ở Mỹ và Khu vực đồng Euro, nơi lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng. Khoảng 90% số các nền kinh tế tiên tiến được dự báo có tốc độ tăng trưởng giảm trong năm 2023.

Ðối với các nước có thu nhập thấp, chi phí đi vay tăng cao đúng thời điểm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ suy yếu. Mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở các nước có thu nhập thấp tiếp tục thấp hơn mức tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi. Ðó là một "đòn giáng" nặng nề, khiến các quốc gia có thu nhập thấp càng khó bắt kịp tốc độ phát triển.

Các hành động chính sách tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ cùng sự phối hợp hành động giữa các thể chế đã góp phần ngăn chặn một kết quả tồi tệ hơn có thể xảy đến. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lạm phát vẫn ở mức cao. Ðiều này gây tổn hại triển vọng tăng trưởng của tất cả các khu vực, đặc biệt là đối với những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Nỗ lực giảm nghèo và chữa lành những "vết sẹo kinh tế" do khủng hoảng Covid-19 gây ra càng khó khăn.

Khoảng 15% số các quốc gia có thu nhập thấp đã lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ, 45% số quốc gia khác đối mặt tình trạng dễ bị tổn thương do nợ nần chồng chất.

Chính bất đồng trong việc tái cơ cấu nợ góp phần tạo nên thách thức. Theo báo cáo của IMF, khoảng 15% số các quốc gia có thu nhập thấp đã lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ, 45% số quốc gia khác đối mặt tình trạng dễ bị tổn thương do nợ nần chồng chất. Khoảng một phần tư số các nền kinh tế mới nổi cũng gặp rủi ro cao và trong tình cảnh "gần như vỡ nợ".

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF chỉ ra các ưu tiên hành động giúp thế giới dần thoát khỏi tình trạng đa khủng hoảng hiện nay, trong đó có việc thúc đẩy năng suất và tiềm năng tăng trưởng thông qua cải cách cơ cấu, đẩy nhanh cuộc cách mạng kỹ thuật số, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nguồn nhân lực và tăng cường hội nhập. Chỉ riêng việc thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng có thể giúp tăng trung bình 35% sản lượng kinh tế ở các quốc gia có tỷ lệ cao về bất bình đẳng giới.

Thực tế cho thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần có bước thay đổi trong hợp tác quốc tế để giảm tác động của sự phân hóa kinh tế và căng thẳng địa chính trị. Không chỉ cướp đi sinh mạng của người vô tội, chiến tranh còn làm trầm trọng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mang nạn đói tới nhiều nơi hơn và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trong thương mại và tài chính.