Cảnh báo thị trường sầu riêng “sập giá”

Các doanh nghiệp thu mua chế biến sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang lên tiếng cảnh báo tình trạng thị trường tiêu thụ sẽ biến động trong vài tuần tới, nếu giá bán sầu riêng tại các vườn tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay. Hiện tại, đang là thời điểm vào chính vụ của sầu riêng, cho nên biến động giá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu mua chế biến trên toàn địa bàn, và người nông dân trồng sầu riêng sẽ tổn thất nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.
Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.

Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk hơn 10 ngày trước đã tổ chức hội nghị chuyên đề để cảnh báo tình trạng này, hy vọng giữa các doanh nghiệp thu mua, thương lái và người nông dân có được tiếng nói chung, nhằm giúp diễn biến thị trường thay đổi tích cực hơn.

Biến động giá tiêu cực

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm (phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột), một trong những đầu mối tiêu thụ nông sản cho biết, đã mấy tuần qua, giá bán sầu riêng tại các vườn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giữ ở mức hơn 80.000 đồng/kg loại A.

Không ít thương lái thu mua xuất hiện ngay từ đầu vụ, đã đặt vấn đề “mua non” với người nông dân ở mức cao. Điều này ăn khớp tâm lý nhiều bà con nông dân, liên quan những thông tin tình hình xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã được khai thông, khiến người nông dân tự tin sẽ bán được sầu riêng giá cao. Đây là nguyên nhân giá sầu riêng thị trường bị “kéo” lên cao, vượt xa giá bình quân mọi năm.

Một số đầu mối kinh doanh sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, đây là hiện tượng thường thấy mỗi năm khi vào vụ thu hoạch nông sản tại các địa bàn. Đánh vào tâm lý người nông dân thích giá bán cao, các thương lái sẽ chốt mua non sầu riêng từ rất sớm.

Song, do sầu riêng là nông sản có thời vụ nhất định, nên khi các thương lái cố tình tổ chức thu hoạch chậm, sầu riêng đồng loạt chín rụng, các vườn sẽ trở nên “quá tải”, buộc người nông dân phải bán đổ, bán tháo để “giải phóng vườn”. Thương lái theo đó sẽ tùy ý ép giá. Ghi nhận những năm qua, có thời điểm vào vụ sầu riêng, giá mua của thương lái tại vườn chỉ còn vài nghìn đồng/kg, gây tổn thất nặng nề cho nông dân.

Hiện trạng này lại tái diễn với mùa sầu riêng năm nay và còn ở mức độ nguy hiểm hơn, khi bà con nông dân đồng loạt tin vào các thông tin giá bán sẽ cao nhờ có đơn hàng xuất khẩu và thương lái chấp nhận giá cao. Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk lo lắng: Nếu các vườn sầu riêng hiện nay vẫn chưa chịu chuyển biến giá bán, cảnh báo nguy cơ thị trường sầu riêng “sập giá” trong thời gian tới là rất cao, tổn thất của bà con nông dân theo đó sẽ rất lớn.

Cần những động thái tích cực

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm phân tích, thực tế chi phí trồng sầu riêng chuyên canh ở các hộ nông dân lâu nay đã được tính toán dao động từ 14.000-22.000 đồng/kg. Tại các vườn chuyên canh đã ổn định quy trình chăm sóc, chi phí bỏ ra của người nông dân trong vụ còn thấp hơn.

Do đó, nếu bán ra với giá 40.000 đồng/kg loại A, người nông dân đã có lãi. Vào những thời điểm khan thiếu nông sản như mất mùa, trái vụ, bà con nông dân bán được đến mức 60.000 đồng/kg đã thu lãi cao, hoàn toàn yên tâm sản xuất.

Với mức giá bán này, các doanh nghiệp thu mua có thể tập trung hàng về, tổ chức chế biến xử lý với chi phí tầm 25.000 đồng/kg nữa. Theo đó, doanh nghiệp có thể giữ giá bán ra cho các thương lái xuất khẩu ở mức dưới 80.000 đồng/kg loại A, là một mức giá hợp lý. Nếu vượt khung giá này, chắc chắn các thương lái sẽ từ chối thu mua, và thị trường sẽ “vỡ trận”.

“Thực tế trong những tuần qua, doanh nghiệp chúng tôi đã tiếp xúc một số đầu mối đơn hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, và đã ghi nhận mức chấp nhận ký kết mua sầu riêng không vượt quá 90.000 đồng/kg. Đối chiếu mức giá này với giá bán tại các vườn, rõ ràng việc thực hiện các hợp đồng là bất khả thi.

Do đó, doanh nghiệp đang rất lúng túng không biết sẽ điều đình với các nông hộ như thế nào. Đáng lo hơn, nếu để đến cuối vụ, lượng sầu riêng thu hoạch tăng lên, doanh nghiệp cũng không đủ năng lực, nhân lực xử lý chế biến kịp cho các đơn hàng nữa”, bà Nguyễn Thị Thái Thanh chia sẻ.

Ông Vũ Đức Côn nhìn nhận, câu chuyện mâu thuẫn giá bán nông sản không hề mới và nguy cơ hiện tại với trái sầu riêng cần được cảnh tỉnh nghiêm túc hơn từ chính các cấp quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Tốt nhất, ngành nông nghiệp thông qua các tổ chức hiệp hội, cần sớm hình thành những cơ chế hợp tác, gắn kết kế hoạch sản xuất chuyên canh của người nông dân với cơ cấu đơn hàng phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Chỉ khi nào người nông dân và các doanh nghiệp thật sự cùng nhau “định vị” được những biểu giá mua bán hợp lý, mùa vụ sầu riêng nói riêng và các loại nông sản Tây Nguyên nói chung mới thoát khỏi nguy cơ bất ổn. Ở đây, chữ tín trong hợp tác kinh doanh là rất quan trọng và cần có sự can thiệp hỗ trợ từ các tổ chức hiệp hội, để người nông dân yên tâm và các doanh nghiệp có kế hoạch bền vững.

Cũng theo ông Côn, xét về lâu dài, để ổn định thật sự thị trường nông sản xuất khẩu, thị trường nông sản Tây Nguyên rất cần được tổ chức, đầu tư chuyên sâu về chế biến nông sản. Chính quyền các địa phương cần sớm có các chính sách ưu đãi minh bạch, tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án nhà máy chế biến thực phẩm, qua đó làm đa dạng hóa năng lực chế biến, tinh chế các loại nông sản thực phẩm trên địa bàn.

Riêng về sầu riêng, Đắk Lắk hiện là tỉnh có diện tích trồng loại trái cây này đứng đầu cả nước. Chỉ tính trong hơn một năm qua, do tác động thông tin thị trường sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người nông dân địa phương đã phát triển trồng mới hơn 7.000 ha sầu riêng, đưa diện tích sầu riêng của tỉnh vượt hơn 22.000 ha.

Theo đó, dự kiến sau 5 năm nữa, sản lượng sầu riêng được thu hoạch vào mùa vụ của Đắk Lắk sẽ tăng hơn 200.000 tấn/năm. Đây là một khối lượng hàng hóa nông sản lớn, đòi hỏi ngay từ bây giờ Đắk Lắk cần phải có một chiến lược phát triển sản xuất và thương mại hợp lý cho loại nông sản giá trị này.