Cảnh báo sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng

Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa nắng nóng, số lượng người đến các bệnh viện khám hoặc cấp cứu cũng tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp bị sốc nhiệt và đột quỵ não, đột quỵ tim (đột quỵ). Bệnh nhân đa dạng mọi lứa tuổi; nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí thiệt mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện đa khoa Ðống Ða, thành phố Hà Nội tổ chức khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: LÊ TẤN)
Bệnh viện đa khoa Ðống Ða, thành phố Hà Nội tổ chức khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: LÊ TẤN)

Chị Nguyễn Thị H (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: Một buổi trưa đầu tháng 7, trời rất nóng. Khi đang làm việc tại một công trình xây dựng ở quận Ðống Ða, thành phố Hà Nội thì chị bất ngờ chóng mặt, người lảo đảo và ngất đi. Các đồng nghiệp đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội.

Tại đây, các bác sĩ sau khi cấp cứu, thăm khám và cho biết, chị H bị sốc nhiệt nhẹ do tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao. Hơn nữa, chị H vốn là người có tiền sử bệnh huyết áp cao và tiểu đường, nếu không được cấp cứu kịp thời có nguy cơ đột quỵ cao. Sau một thời gian tích cực điều trị, hiện sức khỏe của chị H đã ổn định.

Vào những ngày thời tiết nắng nóng, tại nhiều bệnh viện ở một số địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình,… số lượt người đến khám, điều trị đều tăng cao, trong đó có những trường hợp cấp cứu do sốc nhiệt hoặc đột quỵ.

Những người có nguy cơ cao bị các bệnh này thường là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường; người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao; người hay hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì.

Bên cạnh đó, một số người thường xuyên sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị cao huyết áp,… cũng có nguy cơ cao. Các biểu hiện của người bị sốc nhiệt, đột quỵ gồm: Mặt đỏ, môi và da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp. Sau đó, cơ thể người bệnh có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt từ 390C đến 400C, hôn mê…

Theo tiến sĩ, bác sĩ Ðinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Ðống Ða, thành phố Hà Nội, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 10C. Cả hai tình trạng đột quỵ và sốc nhiệt đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu người bệnh không được xử lý, cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân gây gia tăng các trường hợp sốc nhiệt, đột quỵ là do thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém.

Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, những người làm việc trực tiếp dưới ánh nắng gắt, nhưng không được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ; không uống đầy đủ nước và thực hiện nghỉ ngơi hợp lý; chế độ ăn uống không đầy đủ dưỡng chất cũng làm tăng nguy cơ bị sốc nhiệt, đột quỵ. Những người có tiền sử các bệnh lý tiểu đường, huyết áp,... nhưng không thường xuyên khám sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát đột quỵ định kỳ cũng dễ gặp nguy cơ đột quỵ.

Cảnh báo sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng ảnh 1

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa nắng nóng. (Ảnh: LÊ TẤN)

Ða phần, sốc nhiệt do nắng nóng có thể tự khỏi sau khi người bệnh được nghỉ ngơi, chườm mát cơ thể và uống đủ nước. Trong khi đó, đột quỵ xảy ra bất ngờ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các chuyên gia, khi phát hiện người bị sốc nhiệt phải nhanh chóng sơ cứu hạ thân nhiệt bằng cách đưa người bệnh đến khu vực có bóng mát, cởi bớt quần áo và dùng khăn chườm mát vào các vùng cổ, nách, bẹn hoặc lau toàn thân bằng nước mát. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt. Trường hợp phát hiện người bị đột quỵ có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở, cần thực hiện ngay phương pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong suốt quá trình đợi các nhân viên y tế đến cấp cứu.

Ðể phòng chống sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nắng nóng, mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa như: Hạn chế hoạt động ngoài trời vào thời điểm nắng gắt, nhất là thời điểm từ 12-16 giờ. Trường hợp buộc phải ra ngoài vào thời điểm này, mọi người nên mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành...

Những người lao động ngoài trời nắng cần uống nhiều nước, nhất là nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp và gió quạt thổi trực tiếp gần người. Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, nhất là các loại hoa quả và những thực phẩm giàu chất béo, giảm cholesterol sẽ giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp.

Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng. Trong thời gian nắng nóng, mọi người nên hạn chế các loại hình vận động ngoài trời, ưu tiên tập luyện trong nhà. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, nhất là đối với những người bị các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…