“Mục tiêu kép” phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế cảng biển

Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu

Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu
Bài 1: Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu -0

Một năm rưỡi qua, trong khi các tuyến vận tải hàng không, đường bộ bị tê liệt vì Covid-19 thì vận tải biển ở Việt Nam lại khởi sắc, giúp vận chuyển tới hơn 90% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, đưa nền kinh tế nước ta trở thành một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương. Đóng cửa cảng biển để dịch không xâm nhập thì quá dễ, nhưng mở cửa cảng để đón những con tàu nhằm thông thương hàng hóa, kết nối giữa Việt Nam với toàn cầu trong đại dịch lại là chuyện không hề đơn giản… Và sáu tháng qua, hơn 27 nghìn lượt tàu xuất, nhập cảnh đã an toàn cập cảng làm hàng ở 40 cảng biển Việt Nam. 

sub1_hh-1624941163222.jpg

Để vừa giúp vận tải biển thông suốt trong mùa Covid-19, lại vừa giữ cho dịch bệnh không tràn từ ngoài biển vào bờ, cũng như từ bờ lên những con tàu, những địa phương ven biển đã phải căng mình chống dịch trong thời gian qua, cũng như cách mà các tỉnh có đường biên giới trên bộ đã làm. Tuy nhiên, cách xử lý vụ việc ở từng địa phương đối với những con tàu mang Covid-19 trở về, có lúc, có nơi vẫn còn lúng túng.

Ngày 24/4 vừa qua, tàu Đại Dương Sea cùng 18 thuyền viên, đi từ cảng Sampit, Indonesia về cảng Bourbon, Long An. Trước khi về đến Long An, tàu dừng ở phao số 0 vùng biển Vũng Tàu để chờ cơ quan chức năng tỉnh Long An lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. 

Bài 1: Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu -0

Theo khai báo y tế của thủy thủ đoàn, có bốn thuyền viên trên tàu có biểu hiện sốt, hải trình của tàu cũng đã đi qua vùng có dịch, vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An đã nhờ CDC Vũng Tàu phối hợp lấy mẫu xét nghiệm trước khi cho tàu nhập cảnh theo quy định. Ngày 26/4, kết quả xét nghiệm cho thấy có 12/18 thuyền viên tàu dương tính với SARS-CoV-2.

Tỉnh Long An lúc đó đang phải trải rộng lực lượng phòng, chống dịch khắp các mặt trận, từ đường biên giới với Campuchia đến đường bộ và người nhập cảnh, nên chưa chú trọng tới nguy cơ dịch Covid-19 từ biển. Tỉnh cũng chưa sẵn sàng lực lượng và cơ sở vật chất để tiếp nhận điều trị và cách ly cho các thuyền viên trên tàu Đại Dương Sea.

Hai ngày phải neo đậu ở phao số 0 không được chữa trị, cách ly, những thuyền viên trên tàu bắt đầu bất ổn và lo lắng. Ngày 28/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị hỗ trợ tiếp nhận điều trị, cách ly y tế đối với các thuyền viên trên tàu Đại Dương Sea. Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng “chân thành xin lỗi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tàu Đại Dương Sea" vì “lúng túng” trong công tác phối hợp, xử lý do đây là tình huống gặp lần đầu.

Phía UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý tiếp nhận và điều trị cho 12 thuyền viên tàu Đại Dương Sea dương tính với Covid-19 mang tính cấp bách và vì lý do nhân đạo.

Ngay trong chiều tối 28/4, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận và đưa 12 thuyền viên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 về Trung tâm Y tế huyện Long Điền điều trị. Sáu thuyền viên còn lại được đưa về cơ sở cách ly Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo dõi, cách ly. Tuy nhiên, do tiếp xúc quá gần trên một con tàu trong thời gian khá dài, không may là năm trong số sáu thuyền viên bị cách ly cũng bị mắc Covid-19 sau đó ít ngày.

Đây không phải là lần đầu phát hiện thuyền viên trên tàu nhiễm Covid-19 khi về đến vùng biển Việt Nam, tuy nhiên đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện số lượng thuyền viên nhiễm Covid-19 nhiều như vậy. Đó cũng là bài học cho các con tàu khi đi đến các cảng quốc tế có dịch cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch, hạn chế tối đa khả năng mang virus trở về đất liền.

Ngay sau khi tiếp nhận các thuyền viên mắc Covid-19 của tỉnh bạn, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã siết chặt công tác phòng, chống dịch xâm nhập từ biển của mình. Đại tá Trần Văn Trường, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trước những diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, lực lượng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung toàn quân số ngăn chặn, không để dịch xâm nhập, bùng phát, nhất là trên tuyến biển.

Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu Lê Văn Thức, với đặc thù địa lý, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không có hoạt động xuất, nhập cảnh qua đường bộ hay đường hàng không mà chỉ có biên giới trên biển và vùng nước cảng biển với hệ thống cảng biển hoạt động sôi động, đa dạng nhất nước. 

Sở hữu hàng trăm km bờ biển, trong đó có rất nhiều bãi tắm nổi tiếng, cùng hệ thống cảng nước sâu Cái Mép / Thị Vải, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tàu, thuyền ra vào, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trước nguy cơ bùng phát dịch rất cao, nếu không có các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt từ xa, nhất là đối với các tàu, thuyền nước ngoài vào ra các cảng biển.

sub2_hh-1624941217381.jpg

Câu chuyện thuyền viên mắc Covid-19 không chỉ xảy ra đối với tàu Việt Nam khi đi ra nước ngoài mà cả tàu nước ngoài vào cảng biển Việt Nam. Hải Phòng có cụm cảng biển lớn thứ hai Việt Nam và lớn nhất miền bắc. Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng (Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch) và các đơn vị liên quan (Hoa tiêu, đại lý, chủ tàu, doanh nghiệp cảng…), tùy theo diễn biến của dịch bệnh, sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực cảng biển Hải Phòng. Nhiều quyết định “cân não” để vừa phòng, chống dịch vừa duy trì xuất, nhập khẩu hàng hóa đã được đưa ra từ sự phối hợp liên ngành này. 

Ngày 29/3/2020, tàu Tianjin Highway quốc tịch Panama, khởi hành từ Thái Lan chở 1.953 xe ô tô đến cảng Hải Phòng. Trong 14 ngày gần nhất, tàu đã cập cảng các quốc gia Singapore, Malaysia, Indonesia, và TP Hồ Chí Minh của Việt Nam. Trên đường đi, vào ngày 31/3/2020, không may thuyền trưởng tàu là ông Petrov Dimitar Stoyanov, 55 tuổi, người Bulgaria tử vong đột ngột dù trước đó vẫn khỏe mạnh, thi thể ông được khử trùng và bảo quản trong hầm lạnh của tàu.

anh1-1624941861120.jpg

Trong tình cảnh hoang mang tột độ, con tàu với 23 thuyền viên còn lại vẫn đi theo hải trình hướng về phía cảng Hải Phòng, với mong muốn chuyển giao được gần 2.000 xe ô tô theo đúng hợp đồng và đưa thi hài của người thuyền trưởng xấu số lên bờ để về nước.

Ở thời điểm đó, dịch Covid-19 mới bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, mục tiêu phòng ngừa dịch từ ngoài vào được đặt lên cao nhất. Chưa ai dám khẳng định người thuyền trưởng chết do nguyên nhân gì. Việc quyết định từ chối không cho tàu cập cảng làm hàng là dễ dàng nhất lúc đó, có thể được viện dẫn bởi vô vàn lý do vì sự an toàn. Nhưng cùng với quyết định dễ dàng ấy, ngân sách Nhà nước sẽ thất thu hơn 200 tỷ đồng tiền thuế.

Bài 1: Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu -0

Trong khi một số cơ quan còn lúng túng chưa biết xử lý thế nào, quyết định có cho tàu cập cảng hay không được đặt lên vai Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, cơ quan trực tiếp xử lý vụ việc. Đêm 2/4/2020, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ gần như thức trắng trước sức ép phải ra quyết định.

Sau nhiều trao đổi bàn bạc với các bên, ngày 3/4/2020, Cảng vụ Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp khẩn giữa các bên nhằm thống nhất các biện pháp cho tàu Tianjin Highway vào cảng Tân Vũ làm hàng. 

Qua đánh giá suy xét, tham khảo ý kiến chuyên gia y tế, hải trình của tàu từ cảng đích không có dấu hiệu về mặt dịch tễ, các thuyền viên trên tàu khai báo không có biểu hiện sốt, ho được đánh giá là triệu chứng của Covid-19, cuộc họp đã đi tới thống nhất: Nếu 23 thuyền viên trên tàu có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, sẽ đồng ý cho phép tàu cập cảng dỡ hàng rồi tiếp tục hành trình, còn thi thể thuyền trưởng vẫn phải bảo quản tại hầm lạnh trên tàu và chuyển theo tàu ra nước ngoài. 

 “Thời điểm đó đường hàng không tại Việt Nam và thế giới đã ngưng trệ vì dịch, không thể đưa thi thể thuyền trưởng về nước. Hơn nữa, việc bảo quản thi thể một người (trong trường hợp chết vì dịch Covid-19) là điều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà cả với các nước khác”, ông Nguyễn Anh Vũ nhớ lại.

Sáng 6/4/2020, tàu Tianjin Highway neo đậu tại khu vực phao số 0 Hòn Dáu. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hải Phòng đã lên tàu làm thủ tục kiểm dịch theo quy định, đồng thời tổ chức phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực làm việc, hành lang và các khoang hàng trên tàu.

12 tiếng sau, mẫu xét nghiệm 23 thuyền viên cho kết quả âm tính, đồng nghĩa với việc hàng hóa được phép bốc dỡ xuống cảng, nhưng các thuyền viên tuyệt đối không được rời tàu lên bờ. Toàn bộ công nhân lên tàu để lái ô tô rời tàu đều phải mặc đồ bảo hộ và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm đó, điều này rất đặc biệt, vì những bộ đồ phòng hộ chưa được sử dụng phổ biến như hiện nay. Và 1.953 chiếc ô tô cũng được “đối xử” một cách đặc biệt, khi cảng Tân Vũ dành hẳn một khu riêng để chứa chúng. Chiều tối 8/4/2020, việc bàn giao hàng đã tiến hành xong, con tàu lại tiếp tục hải trình của mình.

Quyết định cho con tàu tiềm ẩn nhiều nguy cơ ấy vào cảng, vào thời điểm đại dịch mới chớm vào Việt Nam, là một quyết định táo bạo. Nếu không quyết định điều này, không chỉ Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo ra tiền lệ sợ hãi, khó có thể mở đầu cho một giai đoạn bừng sáng của ngành vận tải hàng hải trong đại dịch.

Bài học rút ra từ quyết định cân não ấy, theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, đó là vẫn chống dịch nhưng phải lựa mọi khả năng có thể để phát triển kinh tế.

Có lẽ nhờ những sự mạnh dạn, quyết đoán đó của ngành hàng hải, nên năm 2020, trong khi các loại hình vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thua lỗ, thì kinh tế cảng biển và vận tải biển lại có tăng trưởng dương.

Năm 2020, hệ thống cảng biển Việt Nam đã thông qua sản lượng hàng hóa đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 đạt 22,14 triệu teu, tăng 13% so với năm 2019.

Gần 6 tháng đầu năm 2021, có đến 24.758 lượt tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020; tàu Việt Nam xuất, nhập cảnh đạt 3.070 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Bài 1: Cảng căng mình chống dịch từ những con tàu -0

Hải Phòng những ngày này, đại dịch Covid-19 tưởng như làm ngưng trệ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều khu du lịch, ăn uống phải đóng cửa, nhưng các cảng biển vẫn hoạt động tấp nập. 

 “Không thể đóng, vẫn phải mở cảng, dù có thể có ảnh hưởng, chứ không thể không”, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ nói. 

Trong khi đường hàng không tê liệt, đường bộ cũng đình trệ vì phong tỏa, vận tải biển đang vận chuyển 90% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua các cảng biển. Chỉ cần ách tắc ở các cảng biển, nền kinh tế của cả đất nước sẽ ảnh hưởng. Trên thế giới, nhiều cảng biển phải đóng cửa vì có công nhân mắc Covid-19, hậu quả là giá cước vận tải hàng hải tăng cao đến sáu lần so với trước đây, nếu không cẩn trọng, điều này cũng sẽ xảy ra với các cảng biển ở Việt Nam.

Theo ông Vũ, để lưu thông hàng hóa xuất, nhập cảnh trong đại dịch, phải bổ sung thêm các khâu giám sát, khai báo y tế, làm tăng thêm thời gian chờ nhất định của tàu thuyền, hàng hóa, nhưng cái mình bỏ ra về thời gian, chi phí so với những gì thu nhận được thì kết quả tốt hơn. Nếu mình buông hậu quả lớn hơn nhiều, còn nếu làm chặt quá mức cần thiết thì chắc chắn kết quả hoạt động kinh tế không thể đạt được như thời gian qua, tàu sẽ chọn nước khác, hoặc cảng khác.

Bài 1: Cảng căng mình chống dịch từ những con tàu -0

Với suy nghĩ này, 40 cảng biển ở Việt Nam vẫn đang mở cửa hoạt động bằng tất cả sự cố gắng phòng dịch một cách tốt nhất, không để dịch Covid-19 lây lan từ ngoài vào cảng, từ cảng lên tàu và từ tàu vào đất liền. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Cảng Tân Vũ, nơi có sản lượng hàng hóa thông quan lớn nhất cảng Hải Phòng cho biết, lưu thông hàng hóa qua cảng ngày càng tăng, mỗi lần đến cảng, các thủ tục kiểm soát thân nhiệt, khai báo y tế của lái xe làm kéo dài thời gian hơn vào cầu cảng, nhiều lúc gây ra hiện tượng bị tắc nghẽn. Cảng đã áp dụng giải pháp khai báo điện tử, có password, code để các lái xe khai báo. 

Chủ hàng cũng có thể khai báo ở nhà, xin hạ công (container) bằng điện tử, không nhất thiết phải đến tận nơi làm để làm giảm lượng người đến làm thủ tục, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc phụ trách mảng kinh doanh Cảng Tân Vũ nói thêm: “Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến công tác tiếp xúc khách hàng. Trước đây gặp khách hàng thường xuyên, nhưng giờ đây chúng tôi hạn chế việc tiếp xúc, chỉ họp trực tuyến. Trước đây có thể lên tàu gặp gỡ thuyền trưởng, thuyền phó giờ thì trao đổi bằng email, điện thoại”.

Từ khi áp dụng công nghệ, cảng Tân Vũ đã giảm 30-40% lượng người đến làm thủ tục, trong khi đó, sản lượng hàng hóa xuất, nhập cảnh của 5 tháng đầu năm gần 460 nghìn teu, tăng khoảng 10% so với năm 2020, đạt hơn 50% kế hoạch của cả năm. Lãnh đạo cảng Tân Vũ cho biết, sản lượng hàng hóa qua cảng giờ đây nhiều hơn, tăng trưởng tốt hơn so với trước dịch. Hiện nay, cảng đang chạy “full tải”, nếu không có gì thay đổi thì sẽ đạt 1 triệu teu trong năm nay, đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Là cảng biển nước sâu đầu tiên tại khu vực phía bắc, nằm tại cửa Lạch Huyện, Sông Chanh thuộc địa phận thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), gọi tắt là cảng Lạch Huyện, chuyên đón tàu siêu trọng với công suất thiết kế là 1,1 teu, đi vào hoạt động năm 2018. Đến năm 2019, cảng đã đạt 440 nghìn teu, tăng trưởng 40%. Năm 2020, đạt 600 nghìn teu, tăng trưởng so với 2019 là 60%. Và 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng hơn 30%. Kế hoạch năm nay sẽ đạt 800 nghìn teu. Dự kiến năm 2023 cảng sẽ đạt công suất thiết kế. 

Để phòng, chống dịch, cảng Lạch Huyện, cũng đang chia nhỏ lực lượng công nhân thành các kíp khác nhau, sẵn sàng có kíp thay thế nếu có chuyện gì xảy ra, không để ngưng trệ hoạt động của cảng. 

Bài 1: Cảng căng mình chống dịch từ những con tàu -0

Theo số liệu từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng tàu biển đến và rời khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 7.517 lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng lượng hàng hóa thông qua hơn 39 triệu tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Còn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu Lê Văn Thức cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021 số lượng tàu đến cảng biển Vũng Tàu là 2.801 lượt tàu biển nhập và xuất cảnh; 6.169 lượt tàu hoạt động tuyến nội địa, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 48 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó hàng container 5 tháng đầu năm đạt 3.680.059 teu, tăng 38% so với cùng kỳ 2020). 

Như vậy có thể thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nhưng số lượng tàu và sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020.

Và có thể đánh giá, ngành hàng hải đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong việc thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thuyền viên đi biển: Còn đó nhiều tâm tư

Những chuyến cứu nạn vượt cả sóng biển lẫn “bão” Covid-19

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa

Cảng biển căng mình chống dịch từ những con tàu ảnh 10

Ngày xuất bản: 26-06-2021

Chỉ đạo nội dung:  NGỌC THANH

Thực hiện nội dung: HỒNG VÂN - BÍCH NGỌC

Ảnh: THẢO LÊ - LAM TRẦN

Đồ họa & kỹ thuật: ĐỨC DUY