Cần trang bị kỹ năng phòng ngừa ma túy cho các em học sinh, sinh viên

NDO -

Trước những cám dỗ của ma túy với lứa tuổi học sinh, sinh viên, việc trang bị kỹ năng phòng ngừa ma túy là hết sức cần thiết, là chìa khóa để bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy.

TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo.
TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo.

Đây là những nội dung được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu để triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học ngày 22-6, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hiện nay trên cả nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, gây ảo giác, hoang tưởng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong khi đó, đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên đang ngày càng nhiều. Nó đã gây ra nỗi đau, ám ảnh cho nhiều gia đình, hệ lụy kéo dài đến nhiều năm sau.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các chuyên gia đã có bài tham luận, nhấn mạnh tác hại của ma túy với thế hệ trẻ và đưa ra các giải pháp để ngăn chặn việc này.

Bài tham luận của ông Lê Trung Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy gây ấn tượng với hội thảo. Ông đã kể lại hành trình ra đời của Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy bằng chính những trải nghiệm từng là nạn nhân của ma túy trong sáu năm.

Sau khi thoát khỏi ma túy bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã quyết tâm tìm các giải pháp để làm sao ngăn ngừa tệ nạn này. Viện Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy đã ra đời, đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các giải pháp để phòng chống ma túy trong trường học, ngăn không cho ma túy xâm nhập học đường.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Văn Linh, thống kê mới nhất của Bộ Công an cho thấy nước ta có khoảng 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể cao hơn, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

Còn PGS, TS Mai Văn Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy thì lo ngại hiện nay tội phạm ma túy dùng rất nhiều cách thức tinh vi, ngụy trang để dụ dỗ, lôi kéo đối tượng học sinh, sinh viên. Các em lại thiếu kỹ năng về phòng ngừa ma túy.

Qua thực tế này, ông Hưng cho rằng, việc trang bị kỹ năng phòng ngừa ma túy là hết sức cần thiết, là chìa khóa để bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy. Do đó, với mục tiêu hình thành “vaccine” để phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên, Viện sẽ cùng ngành giáo dục thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, với học sinh THCS – lứa tuổi dậy thì – các em cần được trang bị các kiến thức sơ đẳng về ma túy, kỹ năng phòng ngừa, cách vượt qua tình huống khi bị lôi kéo sử dụng ma túy.

Với học sinh THPT, lứa tuổi vị thành niên, ham hiểu biết, nhưng cũng rất thích những thử thách, vì vậy rất dễ sa vào sự quyến rũ của ma túy. Các em cần nhận thức tác hại và hậu quả khôn lường của nó, từ đó rèn luyện kỹ năng, ý thức của bản thân trong phòng ngừa.

Thời gian tới, Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy cũng sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh trong trường học. Phối hợp thí điểm tại một số địa phương xét nghiệm ma túy có trong nước tiểu của học sinh và triển khai bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy, tập huấn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương và nhiều chuyên gia đều cho rằng, cần đổi mới trong cách tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Trong đó có việc tích hợp kiến thức, nội dung giáo dục này vào các tiết học, với hình thức phù hợp, hấp dẫn. Đặc biệt, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, chung tay của cả xã hội.