Chiều 24-8, tại Di tích Hải Vân quan, Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Bảo tàng lịch sử quốc gia tổ chức công bố sơ bộ kết quả khai quật Di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia Hải Vân quan (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Theo đó, sau năm tháng tiến hành nghiên cứu, và khai quật khảo cổ tại Di tích Hải Vân quan trên diện tích gần 900m2, khai đào tại bốn mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của Di tích Hải Vân quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố. Ngoài ra, đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đồn trú tại đây.
Phát lộ phần nền móng nguyên bản nền móng cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan thời Nguyễn.
Cụ thể dấu tích kiến trúc Hải Vân quan thời Nguyễn là Cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan (THĐNHQ) và dấu vết bậc cấp, đường đi. Cổng THĐNHQ với kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nền bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp.
Phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng THĐNHQ. Lối đi này rộng 4,8m, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây của ngọn Hải Vân Sơn. Ban đầu, hai bên lối đi chỉ tạo thành vách ta - luy, nhưng có thể do bị sạt lở sau các trận mưa bão nên đã được kè đắp bằng đá núi để chống sói lở và bảo đảm an toàn cho người đi đường. Phía trong (phía tây nam) cổng THĐNHQ, kết quả khai quật cũng đã làm rõ dấu tích bậc cấp đi từ cổng Hải Vân Quan lên. Mặc dù đã bị đào phá trong giai đoạn quân đội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đồn trú, nhưng qua nghiên cứu có thể xác định bậc cấp này khởi thủy được xếp bằng đá núi, dài 7,4m, rộng 5,5m, gồm 10 bậc, mỗi bậc rộng 0,7m.
Cổng Hải Vân quan hiện nay vẫn còn giữ nguyên kết cấu với kích thước cao 6,45m, rộng 7,9m, lòng cổng rộng 3,48m, được xây cuốn vòm bằng gạch vồ, chân bó đá Thanh, nền lát đá sa thạch. Các phát lộ về Dấu tích kiến trúc cổng phụ, Hệ thống tường thành, Dấu tích pháo nhãn, Vết tích kiến trúc nhà Trú Sở, Vết tích kiến trúc nhà Vũ Khố... Các nhà khảo cổ cũng đã thu thập được một số các loại hình di vật, bao gồm vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn. Bên cạnh đó là các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Kiến nghị tôn tạo nguyên trạng Di tích Hải Vân quan thời Nguyễn.
Qua kết quả này, các nhà khảo cổ học đề xuất cần thiết kế tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan và các công trình bên trong khu di tích. Phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng Thần công, bậc cấp, đường đi qua hai cổng. Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan, thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích; Nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ, cải tạo không gian mặt bằng chung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch, kết nối các địa phương.
Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia ngày 14-4-2017.