Cần thông tin khách quan, có trách nhiệm

NDO - Mưa lũ lịch sử, chưa từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những ngày vừa qua gây ra những thiệt hại rất lớn về vật chất, tinh thần, để lại những hậu quả chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Trong lúc các cấp, các ngành đang nỗ lực ứng phó, khắc phục thì thời gian qua và hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin sai sự thật, không khách quan, thiếu tính xây dựng, thậm chí lừa đảo nhằm trục lợi, gây hậu quả không nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức cứu hộ suốt ngày đêm, không để ai nguy hiểm mà không được cứu
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức cứu hộ suốt ngày đêm, không để ai nguy hiểm mà không được cứu

Ngay từ khi lũ lớn xuất hiện, tỉnh Thái Nguyên đề ra quan điểm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, tinh thần khẩn trương, ưu tiên cao nhất, trước hết và trên hết là cứu người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, theo báo cáo, chỉ có vài trường hợp bị đuối nước do bất cẩn.

Trong lúc nguy nan nhất, tỉnh huy động hơn 7.000 công an, bộ đội, gần 1.000 cán bộ, dân quân và sử dụng tối đa phương tiện, trang thiết bị, lực lượng, phương tiện lớn nhất được huy động từ trước đến nay, không kể ngày đêm, mưa to, lũ xiết để khẩn cấp đưa, hỗ trợ gần 26 nghìn hộ đến nơi an toàn, hộ đê sông Cầu để bảo vệ an toàn tính mạng người dân.

Khi lũ ở thành phố Thái Nguyên rút, là lúc xuất hiện lũ lớn ở hạ lưu sông Cầu, một số lực lượng về huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên làm công việc như đã làm mấy ngày trước ở thành phố Thái Nguyên. Lũ to chưa từng thấy, mực nước cao gần 1 mét so với các mức lịch sử năm 1959 và 2001, người dân coi đó là lịch sử của lịch sử.

Trong hoàn cảnh ngập lụt mênh mông, diện rất rộng lớn, trong đêm tối, ở hầu hết các điểm nguy nan, đều có mầu áo vàng của công an, bộ đội ngâm mình trong lũ cùng xuồng, thuyền cứu dân. Người dân bảo đấy là hình ảnh của hy vọng, nghĩa Đảng-tình dân.

Có vô số cán bộ, đảng viên ở vị trí công tác, theo chức năng của mình, mấy ngày liền chưa một giấc ngủ trọn vẹn, ăn uống vội vàng, khi mì tôm tại cơ quan, khi cơm hộp ở vị trí bám trụ. Có những người đi cứu trợ, không kịp ứng phó cho nhà mình, về nhà thấy nước ngập cả mét, tài sản chìm trong lũ. Người dân cảm thán, sau lũ mời cán bộ, bộ đội, công an về nhà ăn bữa cơm!

Khi có tin một cháu bé sinh năm 2020 ở xóm vùng xa Khe Mong có đông đồng bào H’Mông sinh sống bị đuối nước trong mưa lũ lớn chia cắt, mất sóng điện thoại nên không cách nào liên lạc được, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ, xã Văn Lăng lập tức cử cán vượt rừng vài km vào xóm để nắm tình hình, khắc phục hậu quả, chuẩn bị phương án di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường cho biết: Mưa lũ rất lớn, sạt lở chia cắt nhiều xóm, bộn bề công việc phòng, chống, khắc phục thiên tai nặng nề, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sát cánh, lo tính mạng người dân là trên hết, trước hết; triển khai các giải pháp để bảo vệ thành quả đã đạt được trong nhiều năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chống tái nghèo do thiên tai.

Lo chỗ ở tạm, thức ăn, nước uống cho từng ấy người, đến giờ chưa một lời ta thán, đều đặt trên vai cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau đó, với nghĩa đồng bào, nhiều đoàn cứu trợ từ miền xuôi, nhân dân ở những nơi không bị thiên tai, mang theo xuồng máy, thuyền, bánh mỳ, mỳ tôm, nước uống, phao cứu sinh, nấu cơm tình nguyện cứu trợ, san sẻ trách nhiệm đối với cấp ủy, chính quyền.

Ấy vậy mà những ngày qua và hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin không đúng thực tế, không kiểm chứng, vô cảm, dụng ý xấu, thiếu tinh thần xây dựng, như vỡ đập hồ Núi Cốc; người nọ, người kia không được cứu, bị bỏ đói, khát nước; thậm chí giả danh quyên góp cứu trợ để trục lợi. Thông tin sai lệch đưa ra, một số người thiếu trách nhiệm, "theo đóm ăn tàn", hùa vào và gây hậu quả.

Đó là khi người dân ở vùng hạ nguồn nghe đập hồ Núi Cốc vỡ thì lo lắng, hoang mang; cán bộ, công an đã cố gắng không để sót một ai, đọc thông tin một số dân không được cứu, dù xằng bậy, dù tư tưởng chính trị vững vàng, nhưng cũng cảm thấy bị xúc phạm, tâm tư, bao cố gắng chưa được ghi nhận.

Lũ quá lớn, lên nhanh, diện rất rộng, có thể đối với vài trường hợp, trong đêm tối, lực lượng chức năng chưa đến kịp thời vì còn đang ưu tiên cao độ cứu người già, trẻ em, phụ nữ; hoặc chưa xác định được thông tin chính xác là ở đâu, đang trong tình trạng như thế nào, ban đầu chưa có đủ xuồng, thuyền nên cứu hộ chưa được kịp thời như mong muốn.

Tỉnh Thái Nguyên đồng lòng, quyết liệt, nhất quán cứu người là ưu tiên cao nhất, trên hết, trước hết nên đến thời điểm này, trên địa bàn chỉ vài người bị đuối nước, ít nhất so với các địa phương khác, không có trường hợp nào bị sạt lở thiệt mạng; không có ai bị bỏ sót, thiếu ăn, khát nước.

Trong những ngày qua và hiện nay, thông tin trên mạng xã hội về lũ lụt ở tỉnh Thái Nguyên lớn như lũ, bùng nổ, nhiều chiều, nhiều trạng thái, có khi nhiễu loạn, làm dư luận phân tâm, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa, thiếu thông tin chính thống.

Khi đăng trên mạng xã hội, người dân cần khách quan, trung thực, công bằng; khi tiếp nhận thông tin, người dân cần sàng lọc, đối chiếu, tỉnh táo để có cái nhìn đúng, khách quan, công bằng. Xã hội mong muốn chính quyền cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để đưa thông tin chính thống định hướng dư luận; các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, xử lý nghiêm khắc người đăng tải thông tin sai lệch, bịa đặt, không trung thực, dụng ý xấu, thiếu tinh thần xây dựng, lừa đảo quyên góp, vì môi trường thông tin kịp thời, khách quan, công bằng, công lý và nhân văn.