Cuộc thi nhan sắc Hoa khôi Nam Bộ 2022 giới thiệu có 5 Hoa hậu, Á hậu quốc tế ngồi ghế Ban giám khảo; không đăng ký biểu diễn nghệ thuật nhưng Ban tổ chức lại đưa bài hát Chiều Tây Đô (sáng tác của Nhạc sĩ Lam Phương bị cấm theo Nghị định 144 quy định về các điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn) lên sân khấu. Còn Ngày hội văn hóa, ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay tại Làng Du lịch sinh thái Ông Đề lại đưa cả các loại thuốc đông y, tinh dầu, rượu xoa bóp… vào danh sách món ngon gây tranh cãi.
Xin phép một đằng, làm một nẻo
Hai sự kiện văn hóa, du lịch có quá nhiều “sạn” chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng đã gây chú ý trong dư luận. Trên các nền tảng mạng xã hội, các diễn đàn có nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc sau khi đến tham quan Ngày hội văn hóa, ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay tại Làng Du lịch sinh thái Ông Đề ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Nhiều du khách cho rằng, nếu nói ngày hội có 1.000 món ăn ngon thì “nổ” quá. Trả lời một kênh truyền hình tại sự kiện trên, một nam du khách bày tỏ: “Khi mua vé vào cổng rồi mình thấy như khách hàng bị lừa. Nếu như tổ chức lần sau phải tốt hơn, chứ không phải cho những gian hàng vào đây rồi bán không kiểm soát”.
Cổng chào Làng du lịch sinh thái Ông Đề. |
Chiều 11/11, ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Dấu Ấn Việt, đơn vị quản lý Làng Du lịch sinh thái Ông Đề, Ban Tổ chức Ngày hội văn hóa, ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay khẳng định, không có bộ tiêu chí nào để đánh giá món ngon tại sự kiện. Mặc dù là ngày hội văn hóa ẩm thực nhưng cũng không có một cuộc thi món ngon nào được tổ chức, mà chỉ có cuộc thi về gian hàng đẹp.
“Ban tổ chức có mời hơn 70 đơn vị có gian hàng tại sự kiện tham gia cuộc thi món ngon nhưng chỉ có một, hai đơn vị đăng ký. Còn việc nói món ngon là theo cảm tính và cảm nhận của từng người, chứ không có tiêu chí nào cả”, ông Phúc thừa nhận. Theo danh sách 1.000 món ngon do ông cung cấp thì có cả các loại thuốc đông y như: nhục thung dung, đương quy, tinh dầu, bột nghệ, rượu xoa bóp, các loại vải sợi, móc khóa…
Còn tại vòng chung kết Hoa khôi Nam Bộ 2022 do Công ty cổ phần Giải trí tiếp thị truyền thông Tân Thành Công tổ chức cũng không ít “sạn”. Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra đêm thi, đại diện Ban tổ chức khẳng định sẽ mời 5 Hoa hậu, Á hậu quốc tế ở 5 châu lục ngồi vào ghế Ban giám khảo. Nhưng đêm chung kết chỉ có sự hiện diện của một Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Di sản quốc tế 2015 làm giám khảo quốc tế.
Bài hát Chiều Tây Đô được Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2022 tự ý đưa lên sân khấu biểu diễn. |
Đặc biệt, Ban tổ chức không hề xin phép biểu diễn nghệ thuật trong đêm chung kết nhưng MC đã giới thiệu ca sĩ và vũ đoàn múa lên sân khấu biểu diễn nhạc phẩm “Chiều Tây Đô”. Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ có mặt tại sự kiện đã lập tức yêu cầu Ban tổ chức dừng và loại bỏ tiết mục khỏi chương trình.
Tăng cường quản lý các sự kiện “ao làng”
Nhiều khán giả có mặt tại đêm chung kết Hoa khôi Nam Bộ 2022 đã tỏ ra thất vọng với chương trình được giới thiệu, quảng bá là uy tín, chất lượng, tầm cỡ. Tuy nhiên, các sự cố liên tục xảy ra khiến khán giả bức xúc, bỏ về. Đặc biệt là phần âm nhạc và âm thanh bị gián đoạn, có lúc mất âm thanh hơn 5 phút. Khi các thí sinh trình diễn phần dự thi trên sân khấu, MC không giới thiệu thông tin về họ tên, số đo, cân nặng, chiều cao của họ. Trong phần công bố thể lệ thi ứng xử cũng bị MC đọc sai, sau đó phải đính chính…
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn, trước 2 ngày diễn ra đêm chung kết, Thanh tra Sở chủ trì mời đơn vị tổ chức là Công ty Cổ phần Giải trí Tiếp thị Tân Thành Công làm việc để nhắc nhở thực hiện theo đúng các quy định liên quan. Tại buổi làm việc, công ty này không có thông tin về việc thực hiện nội dung biểu diễn nghệ thuật trong đêm chung kết.
Công ty có hành vi vi phạm khi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Vì thế, thanh tra Sở ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức.
Về việc cấp phép Ngày hội văn hóa ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay tại Làng Du lịch sinh thái Ông Đề, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền Lê Thanh Tùng thừa nhận, đã thiếu chặt chẽ trong khâu thẩm định hồ sơ thủ tục. “Đơn vị tôi chỉ nhận được thông báo tổ chức ngày hội văn hóa ẩm thực chứ không có danh sách 1.000 món ngon kèm theo. Đặc biệt là chúng tôi cũng “quên” không chất vấn đơn vị tổ chức về tiêu chí đánh giá món ngon”, ông Lê Thanh Tùng nói và xin rút kinh nghiệm.
Ông Tùng cũng cho rằng, việc dễ dãi trong cấp phép đối với ngày hội trên là vì mục tiêu quảng bá du lịch của huyện Phong Điền. Nhưng trên thực tế, hơn 70 gian hàng tham gia ngày hội không có 1 gian hàng riêng để giới thiệu đặc sản ẩm thực của huyện. Ông Lê Hải Phúc cũng nói rằng, mục tiêu của sự kiện là để quảng bá hình ảnh của Làng Du lịch sinh thái Ông Đề nói riêng và du lịch huyện Phong Điền nói chung. Những món ngon ấn tượng tại Ngày hội văn hóa ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay được ông Phúc chia sẻ là “mì Quảng” và “bún nước lèo Sóc Trăng”.