Cần thay đổi để vực dậy

Trận thua Indonesia tối 26/3 là thất bại thứ ba liên tiếp của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển cùng khu vực trong ba tháng vừa qua cùng kết quả không mấy thành công ở các giải đấu buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải thỏa thuận với ông Philippe Troussier rời ghế huấn luyện viên trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Một pha "thủng lưới" của đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) trong trận thua Indonesia 0-3. (Ảnh VFF)
Một pha "thủng lưới" của đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) trong trận thua Indonesia 0-3. (Ảnh VFF)

Vấn đề quan trọng nhất mà dư luận quan tâm chính là những giải pháp của VFF để vực dậy tinh thần và chuyên môn của đội tuyển Việt Nam.

Nếu coi thời kỳ đỉnh cao của đội tuyển Việt Nam là dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo (đạt tốp 100 thế giới) thì vị trí thứ 115 hiện tại là một khoảng lùi lớn. Nhưng, quan trọng hơn cả là từ vị thế của một đội bóng hàng đầu Ðông Nam Á, đội tuyển Việt Nam hiện chỉ còn là cái bóng trước các đối thủ lớn như Thái Lan và Indonesia.

Mỗi đội tuyển bóng đá quốc gia đều có lúc thịnh, lúc suy, nhưng nhìn vào hiện tại thì bóng đá Việt Nam dường như "đang rơi" nếu như không muốn nói là "rơi tự do". Không phải ai cũng chấp nhận thực tế đáng buồn này, trong đó rõ ràng có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp.

Trong khi các cầu thủ "thế hệ vàng" thời thầy Park như: Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu... ở thời kỳ đạt phong độ đỉnh cao còn thường xuyên ngồi ghế dự bị trong đội hình các câu lạc bộ tại Nhật Bản, Pháp… thì lứa cầu thủ kế cận hiện nay thậm chí còn chưa bắt kịp các lão tướng đã sắp hết thời.

Dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, lúc được coi là mạnh nhất, đội tuyển Việt Nam vẫn phải chấp nhận một lối chơi rình rập, thiên về phòng ngự để chờ cơ hội phản công chứ chưa từng làm được điều mà đội tuyển Thái Lan đang sở hữu đó là sự chủ động, áp đặt lối chơi.

Ở thời điểm này, các đội tuyển Thái Lan và Indonesia đều đang sở hữu dàn cầu thủ thể lực, thể hình khá tốt và họ đang là trụ cột của các đội bóng chuyên nghiệp ở Nhật Bản, Hà Lan, Italia... Trong khi đó, các cầu thủ Việt Nam, nhất là những cầu thủ mũi nhọn trên hàng công của đội tuyển quốc gia hiện vẫn chưa được trọng dụng trong câu lạc bộ của họ ở V.League bởi các vị trí này phần lớn dành cho những ngoại binh.

Ðể gây dựng lại đội tuyển Việt Nam cần có thời gian. Ðầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp ngoài yếu tố đi tắt là nhập tịch cầu thủ thì đòi hỏi phải có quá trình với nhiều yếu tố tổng hợp và khá tốn kém.

Dưới thời huấn luyện viên Philippe Troussier, đội tuyển Việt Nam cũng có những trận đấu khá ấn tượng trước các đối thủ mạnh như Nhật Bản và Iraq, trong đó sử dụng chủ yếu dàn cầu thủ trẻ. Nhưng "cuộc cách mạng" này bị xem là nửa vời khi vị "thuyền trưởng" người Pháp phải một mình chống lại áp lực của dư luận và nhất là các cổ động viên và ông đã buộc phải gọi lại những cầu thủ như Công Phượng trở về chỉ để có mặt trong đội hình chứ về chuyên môn thì rất khó đòi hỏi tiền đạo chỉ toàn ở vị trí dự bị này.

Câu hỏi đặt ra là nếu huấn luyện viên Park Hang-seo tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thì liệu khẩu hiệu "get-out" mà cổ động viên đã giương lên trên sân Mỹ Ðình có xảy ra không? Thực tế, dù có vị chiến lược gia người Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại thì bóng đá Việt Nam vẫn khó tránh khỏi sa sút.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi để xảy ra tình trạng này. Việc nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với ông Philippe Troussier cũng chỉ xoa dịu dư luận và khiến mọi người cho rằng thành tích kém cỏi của đội tuyển là do cá nhân ông.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan hơn, để vận hành cỗ máy đội tuyển bóng đá Việt Nam một cách hiệu quả, chỉ đổ cho trách nhiệm cá nhân huấn luyện viên là chưa đủ. Về mặt chuyên môn, người hâm mộ không hiểu tại sao Quang Hải phải ngồi ghế dự bị khi đang có phong độ khá tốt ở V.League 1, song với một huấn luyện viên chuyên nghiệp như ông Troussier thì chắc chắn đã rất rõ thực lực của cầu thủ này.

Với việc thua Indonesia cả hai trận trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam hầu như không còn cơ hội đi tiếp và sẽ phải dự vòng đấu loại cho Giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup), như vậy coi như phải làm lại từ đầu.

Ở các trận đấu sắp tới, khi đội tuyển nước ta đã không còn mục tiêu giành điểm thì đó sẽ là cơ hội tốt để các cầu thủ trẻ được thử sức. Song, điều đó cần sự đồng thuận và có kế hoạch dài hạn từ các cơ quan quản lý thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Là một tổ chức có nguồn thu lớn, những thành viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hầu như nhận quyền lợi và chịu trách nhiệm chính về hệ thống đào tạo và thi đấu của bóng đá Việt Nam hiện nay. Bởi thế, thất bại của đội tuyển bóng đá Việt Nam thì chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Trước thực trạng sa sút này Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần xem lại toàn bộ hệ thống đào tạo và thi đấu đang vận hành để khắc phục những bất cập hiện nay.

Với đội tuyển bóng đá Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao hiện tại, trước hết cần gắn kết các cầu thủ và động viên tinh thần thi đấu của họ.

Ở một đất nước yêu bóng đá như Việt Nam nhưng cũng lại quá nhiều huấn luyện viên bóng đá nghiệp dư ở các cấp thì việc tiếp nhận sự góp ý, làm sao để chắt lọc những yếu tố tích cực cũng là cái khó của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nói chung và Ban huấn luyện đội tuyển bóng đá Việt Nam nói riêng.

Mục tiêu trước mắt của bóng đá Việt Nam là có được đội hình cũng như lối chơi mà đội tuyển Thái Lan đang sở hữu, sau đó mới hướng tới trình độ của những nền bóng đá phát triển hàng đầu của châu lục. Trong khi các nước có nền bóng đá mạnh hơn Việt Nam đã có guồng máy hoạt động được xác định là rất hiệu quả và tích cực thì đòi hỏi những người làm bóng đá Việt Nam phải nỗ lực gấp bội mới lấp được khoảng trống này.