Thực tế này có thể được giải quyết nếu như các đơn vị xử lý rác ở đây (Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa) áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại hơn, thay vì áp dụng phương pháp xử lý truyền thống, lạc hậu như hiện nay.
Mùi hôi rác bay xa 10km
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có diện tích 687ha nằm dọc đường Tam Tân và kênh Thầy Cai (ranh giới địa lý giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An) bắt đầu hoạt động từ năm 2003 với năng lực xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày theo phương pháp tái chế, đốt rác và ủ phân vi sinh.
Công nghệ này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân và môi trường sống chung quanh khi quá trình đốt rác tạo ra các cột khói khổng lồ; quá trình lưu trữ, ủ rác, nước rỉ từ bãi rác chảy ra gây ô nhiễm nguồn nước, ngấm vào đất.
Tệ hại nhất là mùi hôi thối bốc lên gây ra tình trạng ô nhiễm không khí suốt nhiều năm qua, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân 7 xã và thị trấn (Thái Mỹ, Phước Hiệp, Tân An Hội, Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Phước Vĩnh An và thị trấn Củ Chi).
Trước cổng nhà máy xử lý rác công ty Tâm Sinh Nghĩa. |
Theo thống kê, có khoảng 400 hộ dân gần bãi rác nhiều năm qua canh tác nông nghiệp không hiệu quả do nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi của rác thải.
Anh Lương Thành Hiếu, ngụ xã Thái Mỹ cho biết, bà con ở đây “chịu” mùi hôi quen rồi, chỉ tội tụi nhỏ phải chịu đựng mùi rác này thì rất dễ mắc các chứng bệnh về hô hấp.
Vấn đề này bà con ở đây đã kiến nghị, phản ánh nhiều lần rồi nhưng bao năm nay vẫn không thấy nhà máy khắc phục. Chúng tôi cũng không biết phải chịu cảnh này đến bao giờ nữa?
Ông Trần Văn Hòa, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ
Các đợt khảo sát của Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi về môi trường tại khu vực này cũng khẳng định: khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính lên đến 10km. Tương tự, trong các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cử tri nhiều xã cũng đã bức xúc nêu vấn đề này nhiều lần nhưng đến nay các đơn vị xử lý rác tại khu vực này vẫn chưa có những động thái giải quyết.
20 năm qua, nhiều hộ dân ở huyện Củ Chi phải "sống chung" với nạn ô nhiễm không khí phát ra từ hai bãi rác lớn. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày, thành phố phát thải khoảng 9.800 tấn, trong đó khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Củ Chi xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày.
Dự kiến đến năm 2025, thành phố cần xử lý khoảng 12.000 tấn rác/ngày và năm 2030 là khoảng 15.000 tấn rác/ngày. Với thực trạng xử lý như hiện nay, người dân các địa phương ở huyện Củ Chi sẽ còn chịu đựng mùi hôi dài dài.
Mòn mỏi chờ công nghệ xử lý rác mới
Năm 2019, Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã đồng loạt khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có vốn lên đến 5.000 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 1.000 tấn/ngày, còn nhà máy của Vietstar xử lý gần 2.000 tấn/ngày.
Thời điểm đó, người dân chung quanh chứng kiến hình ảnh đó khấp khởi mừng khi nỗi ám ảnh kéo dài nhiều năm sẽ được giải quyết. Thế nhưng, sau lễ khởi công hoành tráng đó, đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do vướng nhiều thủ tục. Điều đó cũng đồng nghĩa, hàng trăm hộ dân ở huyện Củ Chi vẫn tiếp tục với nạn ô nhiễm không khí, điều đã xảy ra hơn 20 năm qua.
Đáng nói, trong khi chờ các đơn vị xử lý triển khai công nghệ xử lý rác hiện đại, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án trồng cây xanh chung quanh nhà máy xử lý rác tại đây nhằm giảm thiểu tác động về môi trường đến người dân.
Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV) |
Dự án này do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý rác thải thành phố (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay “giải phân cách xanh” này vẫn chưa thể triển khai. Thông tin mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, nếu các giai đoạn được thực hiện tiến độ thì cũng phải đến 2026, dự án này mới hoàn thành.
Trước các phản ánh của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực Tây Bắc. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường cũng từng kết luận 2 công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa quá trình xử lý rác không bảo đảm các yêu cầu về môi trường nhưng chậm khắc phục.
Khó đạt các chỉ tiêu về xử lý rác thải do Chính phủ đề ra
Theo Quyết định số 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2022 về Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu tỷ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới như đốt rác phát điện và tái chế phải đạt ít nhất là 80% vào năm 2025.
Đến năm 2030, tỷ lệ này phải đạt 100%. Với thực tế như hiện nay, có thể nói các mục tiêu này khó đạt tiến độ do các dự án xử lý rác hiện đại của thành phố vẫn đang triển khai quá chậm.