Vướng mắc trong xây dựng nhà máy đốt rác phát điện

Từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp khởi công xây dựng ba nhà máy đốt rác phát điện (nhà máy điện rác). Thế nhưng, đã hơn ba năm trôi qua, đến nay chưa có nhà máy nào được đưa vào hoạt động theo kế hoạch, do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện...
0:00 / 0:00
0:00
Khu đất được dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Vietstar vẫn chưa thể triển khai xây dựng theo đúng kế hoạch. Ảnh: THANH TÙNG
Khu đất được dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Vietstar vẫn chưa thể triển khai xây dựng theo đúng kế hoạch. Ảnh: THANH TÙNG

Vướng đủ thứ

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn thành phố phát sinh bình quân từ 10.000 - 10.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh vẫn còn khá cao (69%). Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% và đến năm 2030 đạt 100% khối lượng rác thải này sẽ được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Để thực hiện được mục tiêu trên, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai quyết liệt nhóm giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện. Cụ thể là từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã có ba dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) được khởi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020 đầu năm 2021. Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đi vào hoạt động bất cứ một nhà máy đốt rác phát điện nào do gặp một số vướng mắc.

Điển hình cho sự chậm trễ này là ba dự án chuyển đổi nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện do Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (công suất 2.000 tấn rác/ngày), Công ty CP môi trường Tasco (công suất 500 tấn rác/ngày), làm chủ đầu tư và được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Cùng với đó, một doanh nghiệp khác cũng triển khai xây dựng các dự án nhà máy điện rác là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (công suất 3.000 tấn rác/ngày) tại huyện Bình Chánh. Các nhà máy khởi công vào cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành vì vướng cơ chế.

Theo phản ánh của chủ đầu tư là Công ty CP Vietstar, từ năm 2019 khi khởi công xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư nhiều vào hệ thống xử lý rác nhưng đến nay chưa thể đốt phát điện do còn vướng một số loại giấy phép vẫn chưa được cấp. Tổng Giám đốc Công ty CP Vietstar Ngô Như Hùng Việt cho hay, giấy phép quan trọng nhất mà công ty cần là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch này cho phép chủ đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và có thể bán điện được vào mạng lưới điện quốc gia.

Về nguyên nhân, trao đổi ý kiến với phóng viên, Phó Giám đốc Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Việt Nam Lê Văn Tâm cho hay, rào cản chính sách là nguyên nhân chủ yếu cho việc chậm triển khai các dự án điện rác tại Việt Nam nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng. Quy hoạch điện VIII hiện chưa được Chính phủ phê duyệt, trong khi quy định về ưu đãi cho các hoạt động tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu, chưa đồng bộ. Mặt khác, thủ tục đầu tư đốt rác phát điện tại Việt Nam phức tạp. Ngoài ra, thủ tục lấy ý kiến để đưa vào quy hoạch đấu nối điện lưới quốc gia của các dự án điện rác kéo dài, phải lấy ý kiến của bảy - tám cơ quan và mất trung bình bốn tháng khiến nhiều nhà đầu tư “chùn bước”.

Ông Lê Văn Tâm cho biết thêm, việc chậm tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện sẽ dẫn đến hệ lụy phụ thuộc vào việc xử lý rác bằng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính; chậm phát triển năng lượng tái tạo, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các rào cản trong chính sách khiến các dự án nhà máy điện rác khó thu hút các nhà đầu tư do hiệu suất thấp, chỉ khoảng 20-25%, kém hơn nhiều so với đầu tư nhà máy nhiệt điện (từ 40-42%). Trong khi, chi phí đầu tư nhà máy điện rác rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, thường từ 10-20 năm.

Nói thêm về vướng mắc khi triển khai xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) Trần Nguyên Hiền cho biết, đã phát sinh nhiều vấn đề khi các doanh nghiệp chuẩn bị và triển khai các dự án điện rác. Theo đó, đối với các dự án đã khởi công, chủ đầu tư đang triển khai chậm vì chưa có cơ sở pháp lý chuyển đổi công nghệ và tăng lượng rác xử lý; nguồn phát điện chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn. Nếu thuận lợi, phải đến cuối năm 2024, các nhà máy này mới có thể vận hành, phát điện.

Vướng mắc trong xây dựng nhà máy đốt rác phát điện ảnh 1

Các dự án đốt rác phát điện ở Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đang chậm tiến độ.

Bài toán hóc búa

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2024, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố sẽ vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý hiện tại và số rác dư lên đến 9.000 tấn vào năm 2025, do bãi rác Đa Phước đã hết khả năng chôn lấp. Nếu không có nhà máy điện rác, TP Hồ Chí Minh khó đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Góp ý các giải pháp để TP Hồ Chí Minh có thể thu hút nhà đầu tư tham gia dự án và hoàn thành các nhà máy đốt rác phát điện, các chuyên gia cho rằng, chính quyền thành phố cần làm việc quyết liệt hơn với các bộ, ngành trong việc ban hành các loại giấy phép (giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...). Song song đó, thành phố cũng phải có các phương án, kế hoạch đầu ra cho việc bán điện, xử lý tro xỉ phát sinh trong quá trình xử lý rác của các nhà máy...

Trong khi đó, Phó Giám đốc Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Việt Nam Lê Văn Tâm kiến nghị nên sớm cụ thể hóa cơ chế, chính sách để phát triển công nghệ điện rác. Cụ thể là cần phải đưa ra hướng quy hoạch, đầu tư, đưa ra giá mua điện, tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật, phân loại rác... Đồng thời cần sớm phê duyệt quy hoạch điện VIII.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố đặt hàng bổ sung các doanh nghiệp trên tăng lượng rác tiếp nhận mỗi ngày để xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện.

Bên cạnh đó, thành phố đề xuất được kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT). Thế nhưng, loại hợp đồng BLT này chưa được các bộ, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện. Nếu được áp dụng, thành phố có thể kêu gọi thêm một nhà đầu tư khác xây dựng nhà máy điện rác công suất 2.000 tấn/ngày. Trên thực tế, suất đầu tư một nhà máy điện rác công suất 2.000 tấn/ngày là hơn 4.000 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được Công ty cổ phần Vietstar hơn 3.400 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa gần 5.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng hai nhà máy điện rác.

Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành thủ tục về quy hoạch điện, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành công văn kiến nghị Bộ Công thương đẩy nhanh việc phê duyệt bổ sung dự án đốt rác phát điện của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.

Trong khi đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giao Sở Công thương theo dõi, đôn đốc việc phê duyệt bổ sung quy hoạch điện tại các khu xử lý chất thải rắn của thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt sang đốt rác phát điện.

Để các dự án đốt rác phát triển sớm được triển khai, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố (đơn vị nhà nước có chức năng trong hoạt động thu gom rác, xử lý môi trường cho thành phố) gấp rút hoàn thiện hồ sơ, đề án để tham gia vào hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại có công suất 1.000 tấn/ngày. Không chỉ vậy, công ty cần nghiên cứu thêm phương án xử lý lượng rác mới phát sinh hằng năm. Về nguồn vốn đầu tư, công ty cần tính đến yếu tố vay vốn từ nguồn vốn kích cầu của thành phố để được hỗ trợ lãi suất vay, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư dự án. Các giải pháp này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý công nghệ tiên tiến, hiện đại, giúp cho thành phố bảo đảm an ninh rác thải, hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp.