Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, có rất ít dự án PPP được chấp thuận do còn nhiều “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển hình thức PPP. Vì vậy, cần sớm tháo gỡ và có thêm nhiều giải pháp để hướng tới mục tiêu thu hút hiệu quả dòng vốn tư nhân chung tay đầu tư hạ tầng quốc gia, tránh tình trạng Luật PPP thì mở nhưng chính sách khác vẫn đóng.
Tìm cách thúc đẩy các dự án
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Luật PPP từ khi ra đời đã khắc phục được 3 “căn bệnh nan y” của vấn đề đầu tư công trong triển khai xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Đó là: chậm tiến độ; đội vốn; chất lượng còn những nghi ngại.
Cùng với đó, Luật PPP đã giúp cụ thể hóa việc thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng ở Việt Nam. Song đến nay, dường như phương thức PPP chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, mặc dù dư địa cho việc huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các dự án công cùng Nhà nước còn rất lớn.
Ngoài những yếu tố khách quan (như chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao...), những bất cập về chính sách, về nguồn lực được bố trí và trong thực thi chính sách là nguyên nhân chính làm hạn chế việc áp dụng mô hình PPP tại Việt Nam trong những năm qua.
USAID phối hợp VCCI tổ chức đào tạo về PPP cho giảng viên các trường đại học ngày 6 và 7/4 vừa qua. |
Chính vì vậy, ngay từ đầu quá trình dự thảo Luật PPP, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã rất quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng Luật PPP. Đến nay, hỗ trợ của USAID tập trung vào giới thiệu các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất của quốc tế về PPP cho Chính phủ Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao tiếng nói của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu của VCCI và USAID khuyến nghị, cần có sự đồng bộ về mặt hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ thực hiện quy định pháp luật cùng các quy định khác bảo đảm và kích thích nhu cầu đầu tư của các chủ đầu tư và việc thu lại lợi nhuận. Những mong muốn này phải được thể chế hóa ngay trong hợp đồng các dự án PPP bởi trong nền kinh tế thị trường, hợp đồng kinh tế là văn bản pháp lý cao nhất để xử lý các tranh chấp.
Hoan nghênh USAID tiếp tục tăng ngân sách hỗ trợ phát triển Việt Nam
Ông Gregory Leon, Giám đốc Văn phòng quản trị Nhà nước và tăng trưởng kinh tế - USAID tại Việt Nam cho rằng, hợp tác theo phương thức công-tư chính là phương tiện để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong tương lai. Thông qua đó, Nhà nước và tư nhân sẽ có thêm sự liên kết bền chặt, từ đó tạo nên yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế quốc gia bền vững.
Trong một vài năm trở lại đây, USAID cùng VCCI đã xây dựng nhiều phương án toàn diện cùng với sự tham gia của các bộ, ngành nhằm hỗ trợ cho các hợp tác PPP. Bao gồm các sự hỗ trợ tư vấn của chuyên gia về việc xây dựng Luật PPP đầu tiên của Việt Nam và cũng đã được Chính phủ Việt Nam thông qua vào năm 2020.
Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP, tìm kiếm phương thức hợp tác công-tư hiệu quả trong các dự án PPP, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án PPP... Từ đó thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tích cực hợp tác tham gia vào các mối quan hệ đối tác công-tư hiệu quả nhằm nâng cao vị thế quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Gregory Leon, Giám đốc Văn phòng quản trị Nhà nước và tăng trưởng kinh tế - USAID tại Việt Nam. |
Sự hợp tác giữa USAID và VCCI sẽ củng cố thêm nữa những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường thuận lợi để có được nguồn vốn đầu tư vào các dự án có triển vọng tại Việt Nam. Từ đó giúp nhận diện các rào cản về pháp lý và những khó khăn thực tế để kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật PPP tại Việt Nam và thúc đẩy nguồn lực của tư nhân trong phục vụ phát triển kinh tế bền vững.
Ông Gregory Leon, Giám đốc Văn phòng quản trị Nhà nước và tăng trưởng kinh tế - USAID tại Việt Nam
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, PPP là mô hình cả Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi, cùng phát triển; giúp thúc đẩy, cải thiện mạnh mẽ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất đến người dân, tạo dựng mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ. Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư rất mong đợi khi những điều khoản trong Luật PPP vốn được thiết kế để tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm tới.
Đồng thời, hợp tác PPP sẽ kích thích tăng trưởng nhu cầu phát triển trong nước, giúp tiếp cận các công nghệ xây dựng và công nghệ quản lý mới trên thế giới. Việc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại thông qua hình thức PPP cũng sẽ thúc đẩy kinh tế liên vùng, phát triển ngành năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững. Đây được xem là hai trong các nhiệm vụ chiến lược của phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI. |
Hiện nhu cầu đầu tư cho các các dự án phát triển hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công là bất khả thi. Trong khi đó, nguồn lực từ xã hội còn nhiều dư địa. Do đó, PPP là một giải pháp tuyệt vời cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế,… giúp nâng cao hiệu quả đầu tư nếu được quản trị một cách minh bạch.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI
Còn nhiều nút thắt
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, hiện đang có bốn hạn chế đang tạo rào cản, bất cập chính sách trong thực hiện Luật PPP gồm: nhà đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước; sự bất cập trong bình đẳng giữa các bên thực thi dự án; sự thiếu đồng bộ, đầy đủ trong quy định các hợp đồng dự án và những bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhiều thủ tục trong quá trình triển khai các dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau dẫn đến khó khăn thực hiện trong thực tế.
Thi công cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45. (Ảnh: TRANG LY) |
Khi triển khai các dự án PPP ở Việt Nam đang phát sinh một số hạn chế khi hầu hết các dự án đều tập trung trong lĩnh vực giao thông, chưa được triển khai nhiều trong các lĩnh vực khác.
Một số dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực giao thông, năng lượng phát sinh vướng mắc, có nguy cơ rơi vào bế tắc nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.
Để đạt mục tiêu giải ngân cấp bách vốn đầu tư công nhằm phục hồi kinh tế, một số dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP đã được xem xét chuyển sang đầu tư công hoàn toàn, dẫn đến giảm số lượng dự án PPP được triển khai.
Không để các dự án đầu tư hạ tầng PPP giao thông rơi vào bế tắc
Dù cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu quy định tại Luật PPP được đánh giá rất cao, nhưng việc áp dụng quy định này còn vướng mắc về nguồn thực hiện để bù đắp chia sẻ sụt giảm doanh thu của các dự án được đầu tư theo hình thức PPP. Nguồn dự phòng của địa phương rất thấp, phải ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cấp bách.
Một số địa phương không đồng ý bố trí cho việc chia sẻ sụt giảm doanh thu của dự án PPP, điều này gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư khi đàm phán với ngân hàng. Vì thế, có thể nghiên cứu đơn giản hóa hoặc có hướng dẫn phù hợp hơn về chia sẻ rủi ro doanh thu.
Ngoài ra, một trong những vướng mắc lớn khác là nguồn vốn vay hiện nay rất khó tiếp cận; bất cập trong quy định giải ngân nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân không “mặn mà” với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Thực tế hiện có rất nhiều ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải có tài sản bảo đảm khi làm hồ sơ vay và chỉ có thể cho vay tối đa 50 đến 60% tổng mức đầu tư. Chính vì vậy, những dự án PPP nếu chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng thương mại sẽ rơi vào bế tắc. Những rào cản này càng trở nên "khó nhằn" hơn cho các doanh nghiệp khi các dự án PPP đòi hỏi thời gian thực hiện dài, có dự án kéo dài khoảng 20-30 năm.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI
Do đó, để tháo gỡ các vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án PPP, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất các bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng thực hiện những giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan. Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án PPP trong ngành, lĩnh vực quản lý... Trong đó, cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế, tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường hợp tác công tư PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia. Mối quan hệ công tư giữa Nhà nước và khu vực tư nhân cần phải có sự thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án như: miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng các biện pháp chế tài; trong đó có biện pháp tính lãi nếu Nhà nước chậm giải ngân vốn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án... Nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý PPP để nâng cao tính hiệu quả dự án, mang lại giá trị kinh tế cao. Cần giải quyết hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp vì mục tiêu lợi ích cao nhất của người dân và xã hội.
Truy cập vào website https://vcci-ppp.vn do VCCI vận hành và quản lý để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP); góp phần kết nối mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, tham gia vào các dự án PPP.