Gỡ vướng cho các dự án giao thông PPP

Sau thời gian ách tắc kéo dài, thậm chí có dự án thi công gần về đích rồi "nằm chờ", lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra giải pháp gỡ vướng cho năm dự án giao thông thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công-tư) nhằm tái khởi động dự án, hoàn thiện hạ tầng cũng như lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa-quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức) thi công theo hình thức BT, đình trệ từ năm 2020 vì vướng thủ tục pháp lý.
Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa-quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức) thi công theo hình thức BT, đình trệ từ năm 2020 vì vướng thủ tục pháp lý.

Một trong những dự án giao thông được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố chỉ đạo tháo gỡ là dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ-Tân Quý (quận Bình Tân). Theo đó, thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND quận Bình Tân và các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung liên quan đến công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu phạm vi ảnh hưởng đến dự án (chủ trương điều chỉnh, nguồn kinh phí thực hiện...); tham mưu, đề xuất UBND thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND thành phố bố trí vốn cho dự án theo tiến độ thực hiện.

Dự án cầu Tân Kỳ-Tân Quý được Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018, theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) thay thế cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương- Bến Cát. Cầu dài gần 800m có tổng mức đầu tư 312,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó tổng vốn đầu tư dự án tăng lên 668 tỷ đồng do tính luôn cả lãi vay trong thời gian xây dựng và chờ thu phí. Theo hợp đồng giữa thành phố và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-chủ đầu tư), cầu sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó dự kiến hoàn vốn sau hơn chín năm thu phí thông qua trạm BOT An Sương-An Lạc trên quốc lộ 1. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 công trình thi công chỉ đạt 70% khối lượng rồi "trùm mền" đến nay vì vướng quy định pháp luật. Nguyên nhân, theo Nghị quyết số 437/2017 của Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới, trong khi dự án Tân Kỳ-Tân Quý (thay thế cầu cũ) xây trên đường hiện hữu.

Bà Phạm Thanh Tình, thuê mặt bằng bán tạp hóa gần khu vực thi công cầu Tân Kỳ-Tân Quý thắc mắc: "Không hiểu sao công trình đang làm suôn sẻ rồi để im đó gần bốn năm qua. Người dân nơi đây chỉ mong cầu hoàn thành để đi lại và buôn bán thuận lợi vì vào giờ cao điểm số lượng xe đổ dồn về khiến hai cầu tạm bị quá tải". Sau bốn năm công trình bị "trùm mền" vì vướng thủ tục và mặt bằng, tháng 10/2022, Hội đồng nhân dân thành phố đã chấp thuận thông qua chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách, chi 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ-Tân Quý. "Chủ đầu tư mới sẽ thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2025. Dự án sẽ chấm dứt hợp đồng BOT, chuyển qua đầu tư công. Vấn đề hiện nay là cần xác định rõ chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra trong dự án trước khi tiến hành các thủ tục thanh, quyết toán", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho hay.

Một dự án giao thông trọng điểm phải "trùm mền" gần ba năm qua là dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa-quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức), thi công theo hình thức BT, có chiều dài 2,7km, với tổng vốn đầu tư 1.135 tỷ đồng. Theo nhà đầu tư, một trong những nguyên nhân khiến dự án ngưng trệ từ tháng 3/2020 là phải chờ ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện, định giá các lô đất thanh toán... Dự án hiện mới đạt gần 50% giá trị hợp đồng xây lắp. Thực tế tại khu vực công trình, phần khung thép chưa kịp đổ bê-tông thời điểm dự án tạm ngưng đã gỉ sét, ố vàng, mục nát qua thời gian. Bên trong khu vực dự án người dân thả bò, rác thải vứt khắp nơi… Dự án này chậm trễ là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường Vành đai 2 của thành phố chưa thể khép kín. Đại diện chủ đầu tư, Công ty Văn Phú-Bắc Ái giãi bày: "Lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo phương án rõ rồi nên chúng tôi không mong gì hơn là các sở, ngành chung tay giải quyết. Trong đó, điều mà đơn vị cần nhất là giải quyết chi số tiền gần 2.000 tỷ đồng mà chủ đầu tư bỏ ra trong sáu năm qua để thực hiện dự án".

Với dự án này, thành phố phấn đấu bàn giao đủ mặt bằng và thông qua quỹ đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT trong quý II/2023. Lãnh đạo thành phố cũng giao các sở, ngành phối hợp khẩn trương thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố, không được tiếp tục chậm trễ và có báo cáo trước ngày 10/3. Ngoài ra, với Dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường vành đai 2 với tổng vốn đầu tư theo hình thức BT là 986 tỷ đồng, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát tổng thể các yếu tố pháp lý liên quan đến dự án, tham mưu, đề xuất thành phố trong tháng 3. Đồng thời, thành phố Thủ Đức khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án; dự kiến hoàn thành mặt bằng và hoàn thành công tác bồi thường, tái định cư trong năm 2023, tiếp tục thi công hoàn thành công trình trong năm 2024. Hiện công trình thi công đạt 82% và đang ngừng thi công do vướng mặt bằng.

Năm dự án giao thông trọng điểm thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường ra thông báo chỉ đạo sớm giải quyết vướng mắc nhằm kết nối hạ tầng giao thông thành phố cũng như khu vực lân cận gồm: Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2, giai đoạn 2), dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, dự án xây mới cầu Tân Kỳ-Tân Quý, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa-quốc lộ 1 (thành phố Thủ Đức), dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường vành đai 2.